NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Người dùng có quyền biết nhà mạng đang kích hoạt dịch vụ nào

on .

Để ngăn chặn tình trạng nhiều người dùng bị mất tiền oan, nhiều chuyên gia yêu cầu nhà mạng phải thông báo công khai cho thuê bao về tất cả những dịch vụ giá trị gia tăng mà họ đang sử dụng.

Tại Hội nghị giao ban về thực hiện Chỉ thị số 82 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo sáng 17/9, rất nhiều đại biểu bức xúc trước tình trạng người dùng bị nhà mạng "móc túi" trong thời gian qua.

 Sau khi phát hiện tài khoản liên tục bị trừ tiền, nhiều thuê bao đã gọi điện lên Tổng đài của nhà mạng để truy hỏi nguyên nhân thì nhận được câu trả lời là do họ đã kích hoạt dịch vụ truy cập dữ liệu, đọc báo, xem tin tức, nhận tỷ số....

Không ít người dùng "tố" rằng, họ chưa từng nghe nói chứ đừng nói đến việc nhắn tin đăng ký, kích hoạt dịch vụ. Thậm chí có người dùng feature phone nhưng vẫn bị trả lời là bị trừ cước do truy cập 3G. Trong khi đó, các nhà mạng đều khẳng định họ không tự ý kích hoạt dịch vụ mà đều có sự "đồng ý" từ phía thuê bao.

Liên quan đến vấn đề này, để hạn chế việc tranh cãi không có hồi kết giữa các bên, ông Nguyễn Khắc Lịch, PGĐ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho rằng, tất cả các nhà mạng cần phải nhắn tin thông báo cho thuê bao biết họ đang sử dụng những dịch vụ giá trị gia tăng cụ thể nào, và việc thông báo này cần phải được tiến hành định kỳ, chẳng hạn như 1 tháng/lần.

Đồng quan điểm, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng tin rằng thông qua biện pháp này, người dùng sẽ luôn nắm được tài khoản của họ đang bị trừ tiền cho những dịch vụ nào, cũng như kiểm soát được danh sách dịch vụ mà mình sử dụng, tránh tình trạng bị trừ tiền vì những ứng dụng, dịch vụ "từ trên trời rơi xuống".

"Nếu được thông báo đầy đủ, rõ ràng thì người dùng sẽ không bị phát sinh cước ngoài ý muốn nữa", bà Tú nhấn mạnh.

"Không được ép khách hàng dùng dịch vụ"

Có thể nói, chính sách cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng có thu cước trên điện thoại của các nhà mạng đang là một vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Thậm chí trong cuộc họp giao ban QLNN hồi đầu tháng 9 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã phải trực tiếp nêu lên vấn đề này, gọi đây là "tồn tại lớn thứ hai của ngành" trước khi nêu ra những quy tắc hoạt động mà doanh nghiệp viễn thông di động cần tuân thủ.

Theo ông, tất cả các dịch vụ phải tạo điều kiện cho người dùng lựa chọn đồng ý hay không đồng ý sử dụng, chứ không thể bắt ép khách hàng phải dùng được. "Nhà mạng cần quan niệm khách hàng là Thượng đế chứ không phải người lệ thuộc vào dịch vụ do mình cung cấp". Doanh thu mà nhà mạng thu được từ dịch vụ GTGT chỉ là "lợi ích nhỏ", ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, nhất là khi các nhà mạng hiện nay đều là Tập đoàn, Tổng công ty cấp quốc gia. "Ta có quyền chào mời dịch vụ nhưng người dùng phải đồng ý thì mới được kích hoạt", Bộ trưởng kết luận.

Tăng quyền lựa chọn cho người dùng

Với việc thị trường viễn thông phát triển nhanh, nóng trong thời gian qua, đôi lúc quyền lợi của người dùng đã bị lãng quên.

Việc các nhà mạng cần làm lúc này là để người dùng tự nguyện sử dụng dịch vụ, chứ không phải "ép uổng" họ, vị Tổng tư lệnh ngành nêu quan điểm. Nói cách khác, việc cho phép người dùng đồng ý hay từ chối sử dụng dịch vụ GTGT là một cách tăng quyền lựa chọn cho khách hàng, khiến cho họ cảm thấy thoải mái hơn khi dùng dịch vụ.

Tương tự, đối với vấn đề tin nhắn rác, gốc rễ của vấn đề vẫn phải là triệt hạ SIM rác, thuê bao ảo thông qua việc siết chặt quản lý thuê bao trả trước. Tuy nhiên, để có thể quản lý chặt thuê bao trả trước, giải quyết triệt để tình trạng khai sai, khai gian thông tin thì vẫn phải đợi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong lúc chờ đợi thì nhà mạng có thể cân nhắc một số giải pháp tình thế, chẳng hạn như cung cấp các gói dịch vụ "sạch", dành riêng cho những thuê bao hoàn toàn không muốn nhận tin nhắn quảng cáo, với mức cước cao hơn bình thường. Tương tự, họ có thể tung ra gói dịch vụ cho những khách hàng sẵn sàng nhận tin nhắn quảng cáo, ngược lại sẽ được hưởng các ưu đãi khi mua sản phẩm, dịch vụ hoặc được giảm cước, khuyến mại tài khoản... Đây cũng là một cách tăng quyền lựa chọn cho người dùng.

T.Cầm

Nguồn: http://www.baomoi.com/Nguoi-dung-co-quyen-biet-nha-mang-dang-kich-hoat-dich-vu-nao/c/17526372.epi