NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Sống trong 1 tháng không có công nghệ sẽ ra sao?

on .

“Chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Chỉ là chưa ai nhận ra mà thôi”.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả E. J. Tamara trên Mashable.

Tôi thường tự hỏi liệu bản thân có thể sống thiếu công nghệ trong 1 ngày hay không? Tuy nhiên, tôi đã làm được điều bấy lâu nay tôi vẫn e ngại. Đó là “cắt đứt liên lạc” với thế giới bên ngoài trong vòng 1 tháng để tham gia chuyến đi khám phá tuyến đường hành hương cổ ở Tây Ban Nha. Cuộc hành trình dài 760 km đã cho tôi cơ hội trải nghiệm thiên nhiên đúng nghĩa, xốc dậy tinh thần và nhắc tôi nhớ về một thời con người chưa bị điện thoại hay máy tính chi phối như ngày hôm nay.

Tuyến đường Saint James có kết thúc điểm tại tòa chính của nhà thờ Santiago de Compostela ở phía tây bắc Tây Ban Nha. Đây được cho là nơi chứa hài cốt của vị Tông đồ Thánh James. Hàng năm, có tới hàng chục ngàn người cùng nhau “hành hương” trên tuyến đường này, coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng bên cạnh mục đích du lịch.

Trước khi khởi hành, tôi quyết định để cả 2 chiếc điện thoại ở nhà. Tuy nhiên, chính vì không có phương tiện liên lạc, tôi không tài nào tìm được chỗ nghỉ khi đã tới thủ đô Madrid. Bởi nơi này thậm chí còn chẳng có lấy một bốt điện thoại công cộng, tôi đành phải sử dụng dịch vụ internet công cộng để đặt phòng nghỉ. Sau đó, tôi hẹn gặp vài người bạn và lên kế hoạch cho một buổi leo núi 2 ngày sau.

Chuyến đi "không điện thoại" kéo dài 1 tháng đã mang lại nhiều thay đổi không ngờ.

Ngày đầu tiên quả là khó khăn. Tôi luôn cảm thấy trống vắng và thiếu một thứ gì đó. Tôi đã quá quen với việc mở mắt ra là kiểm tra email và đọc tin tức trên điện thoại, nên tôi lại càng thấy bồn chồn không yên. Khi ngồi trong nhà hàng, tôi thậm chí còn thấy… bức bối khi không thấy chiếc điện thoại nào trên mặt bàn. Khi ngồi cùng bạn bè, gần như ai nấy đều dán mắt vào điện thoại khiến tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng. Cuối cùng, tôi đành đứng dậy, đi vào nhà vệ sinh và chỉnh trang lại đồ đạc của mình cho đỡ chán.

Vài ngày sau, tôi dần cảm thấy thoải mái hơn khi không sử dụng điện thoại. Nhưng anh bạn bên cạnh vẫn không một giây nào rời chiếc smartphone của mình. Vấn đề là cậu ta cứ liên tục kể với tôi về những bình luận và bài đăng trên các trang mạng xã hội, trong khi tôi lại không tỏ ra quá hào hứng. Chính vì thế, chúng tôi thống nhất rằng ai đi đường nấy sẽ tốt hơn cho cả hai.

Tại khu nghỉ của đoàn hành hương, đánh thức tôi dậy mỗi buổi sáng sớm không phải là tiếng chuông đáng ghét của chiếc điện thoại. Mỗi sáng, thay vì tỏ ra cáu kỉnh vì phải dậy sớm, tôi đều cảm thấy khoan khoái khi thức giấc vào 6 giờ sáng nhờ tiếng cười nói không lúc nào ngớt của những “người bạn đồng hành” xa lạ. Một vài người trong số họ còn thân thiện đến mức ngay lập tức… kết bạn với tôi trên Facebook không hề do dự. Bởi tôi không mang điện thoại, họ sẵn sàng đưa máy cho một người lạ như tôi để chấp nhận lời mời kết bạn, thi thoảng chụp vài bức ảnh phong cảnh ấn tượng trên đường đi hoặc đơn giản chỉ là chụp ảnh tự sướng cùng họ vài tấm.

Cuộc hành trình "không công nghệ" đã mang lại cơ hội trải nghiệm thiên nhiên đúng nghĩa.

Bởi hầu hết các phòng trong khu nhà nghỉ này đều không có TV, nên việc “nhịn” xem TV với tôi giờ đây là điều bất khả kháng. Thậm chí thời gian đó, tôi còn cực đoan đến nỗi tự tập cho mình thói quen… tránh xa TV hay máy tính nếu “chẳng may” gặp phải. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn luôn khao khát được tiếp cận với hàng tấn thông tin từ bạn bè, người thân cũng như các vấn đề ngoài xã hội khác. Việc kết nối internet giờ đây trở nên quá xa xỉ với tôi, bởi tôi chẳng có lấy trong tay một thiết bị công nghệ nào, đến nỗi ngay cả giờ giấc lẫn thời tiết cũng đều phải hỏi người khác.

Thành thật mà nói, việc thiếu thốn phương tiện liên lạc đôi lúc cũng khá phiền toái. Vào một đêm mưa nọ, tôi bị… nhốt ở ngoài cổng khu nhà nghỉ hơn 3 tiếng liền vì không liên lạc được với ai. Một lần khác, tôi không may bị lạc khỏi đoàn. Lúc đó, không còn cách nào khác, tôi đành sử dụng chiếc còi hiệu đeo ở cổ và điên cuồng gõ chiếc gậy leo núi để đánh động tới mọi người. Rất may, cả đoàn đã nghe thấy và quay lại tìm tôi. Chưa dừng lại ở đó, tôi còn khá vất vả trong việc duy trì sức khỏe trong suốt cuộc hành trình. Bản thân là một người từng hiến thận, tôi còn mắc chứng huyết áp cao khiến đôi khi bị rối loạn nhịp tim khi di chuyển trên các địa hình không bằng phẳng. Thậm chí, chân phải của tôi còn bị bong gân và nổi mụn nước trong suốt 1 tuần.

Thế nhưng, trong suốt khoảng thời gian kinh khủng đó, tôi vẫn thấy nó chưa là gì so với việc bị cắt đứt liên lạc trong suốt 1 tháng trời. Hơn hết thảy, tôi thèm được trò chuyện với gia đình và bạn bè trên mạng xã hội. Tôi phải mất tới 1 tuần để có thể hoàn toàn gạt bỏ công việc ra khỏi đầu. Đã có lúc tôi định mượn điện thoại của ai đó để… lên Facebook xem có ai nhắc đến mình hay không. Nhưng rất may, tôi đã tiết chế được “ham muốn” đó và quên đi như chưa từng có gì xảy ra.

“Chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Chỉ là chưa ai nhận ra mà thôi”.

Sau chuyến đi dài 1 tháng, tôi gần như đã hoàn thành mọi mục tiêu bản thân tự đặt ra. Tôi đã có cơ hội thực sự suy ngẫm về cuộc sống của bản thân, lang thang cả ngày mà không phải lo nghĩ giờ giấc hay trở nên cởi mở hơn trước bên những người bạn mới. Tôi đã có được bài học quý về giá trị của một cuộc sống đơn giản và hạnh phúc. Quan trọng là giá trị đó không cần tới sự góp mặt của bất kỳ một thiết bị công nghệ nào. Bởi tôi vui khi biết bản thân cũng có thể chỉ thay 3 bộ quần áo luân phiên trong suốt 1 tháng, tôi vui khi được làm quen và thân thiết với những người bạn từ nhiều vùng đất xa xôi, vui vì được ngồi hàng giờ dưới cỏ xanh ngắm hoàng hôn, vùi chân trong cát nghe chim hót mỗi buổi sáng...

Giờ thì tôi đã trở lại nhịp sống bận rộn như thường lệ. Lại tiếp tục “chinh chiến” với 2 chiếc điện thoại trên tay, nhưng giờ tôi đã trở nên kiên nhẫn và bình thản hơn bao giờ hết. Không còn cảnh vắt chân lên cổ để kịp deadline hay chạy đua với chiếc kim đồng hồ cho kịp giờ làm, tôi đã biết cách cân bằng mọi thứ trong cuộc sống. Bởi tôi hiểu rõ, một người có lối sống lành mạnh sẽ không bao giờ để mình quá phụ thuộc vào bất cứ điều gì, ngay cả công nghệ.

Tham khảo Mashable

Nguồn: http://www.baomoi.com/Song-trong-1-thang-khong-co-cong-nghe-se-ra-sao/c/17534262.epi