NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tân sinh viên dính bẫy “cò” nhà trọ

on .

Vào đầu năm học mới, việc tìm nhà trọ cho tân sinh viên là cả một vấn đề nan giải. Các tân sinh viên lần lượt nhập học vào các trường ở thành phố lớn khiến cho việc tìm nhà trọ càng trở nên sôi động hơn. Đây cũng là dịp để các “cò” nhà trọ tung hoành.

Không phải sinh nào cũng có nguồn thông tin để tìm được một phòng trọ tốt.

Tiền mất cũng không thuê được nhà trọ

Trong vai một sinh viên đi tìm phòng trọ ở khu vực quanh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã gặp một “cò” nhà trọ với những lời mời chào rất thân mật: "Cháu tìm phòng bao nhiêu tiền? Cô có thể tìm cho cháu các loại phòng giá từ 750.000 đồng cho tới 1,5 triệu đồng... Nếu cháu tin tưởng cô dẫn đi”.

Vừa từ chối người này, khi vừa bước vào ngõ 175 Xuân Thủy (Cầu Giấy- Hà Nội), tôi lại bị một “cò” mời chào giúp đỡ: "Đưa em đi xem nhà, anh chỉ lấy phí 50.000 đồng thôi, nếu thuê được rồi, bồi dưỡng anh thêm 50.000 đồng nữa nhé...".

Người đàn ông này dẫn tôi đến một khu nhà trọ sâu bên trong ngõ 175 Xuân Thủy. Theo "cò", các khu trọ này an toàn và đặc biệt sạch sẽ, yên ắng phù hợp với người đi trọ học. Tuy nhiên, tất cả những khu nhà trọ được giới thiệu đều là những khu nhà tồi tàn, xập xệ, bên trong tường vôi bong tróc, cánh cửa đã mục nát.

Dẫn tôi đi hết buổi sáng mà không tìm được căn phòng nào ưng ý, người này tỉnh bơ nói với tôi: "Thôi, không thuê được thì thôi! Phí dẫn đường buổi sáng 150.000 đồng...". Tôi không đồng ý “cò” chuyển sang dọa nạt “Mày muốn chết à? Tao đã dẫn đi rồi, thuê hay không là việc của mày. Mày mà không trả tiền đừng hòng ra khỏi chỗ này”. Trước lời đe dọa của “cò” tôi đành phải trả cho cò 100.000 đồng mà phòng trọ vẫn chưa tìm thấy.

Vào năm học mới, rất nhiều tân sinh đã dính bẫy của “cò” nhà trọ. Bạn Hoàng Thị Trung Anh, tân sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Do mới lên Hà Nội, không biết nhiều khu trọ, em đã phải mất cho một “cò mồi” 100.000 đồng để dẫn đi tìm phòng. Nhưng bà ấy dẫn em đi quanh quanh vào sâu tận trong ngõ rồi đến một phòng chật hẹp, ẩm thấp em không thích và đã yêu cầu bà ấy trả lại một nửa số tiền nhưng không được. Bà ấy nói đã mất công dẫn đi, em có không thích thì cũng không trả lại tiền. Thế là em mất 100.000 đồng mà phòng cũng không tìm được”.

Nhiều sinh viên đã chọn cách an toàn là nhờ đến các trung tâm hay tìm trên intenet nhưng vẫn khó tránh bẫy “cò” nhà trọ. Nguyễn Thị Thủy, tân sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết: “Khi nhận được giấy báo nhập học em đã liên hệ với trung tâm dịch vụ tìm hộ phòng với giá đặt cọc là 200.000 đồng. Nhưng người của trung tâm này cũng chỉ tìm cho em một phòng nhỏ, tường đã mốc đen, vôi bong tróc, trong phòng bốc ra mùi hôi rất khó chịu. Cuối cùng em phải nhờ anh chị sinh viên năm thứ 3 tìm giúp”.

Vấn đề tìm phòng trọ luôn là nỗi ám ảnh các tân sinh viên khi bắt đầu một năm học mới. Để tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra, các tân sinh viên nên tìm đến những phòng trọ không quá xa ngõ, an ninh tốt… Hơn hết nên cần tham khảo ý kiến của người thân, cư dân quanh khu vực ở trọ… để tìm cho mình một phòng trọ phù hợp.

“Bẫy” tăng giá

Như thành thông lệ, cứ đến đầu năm học mới các chủ nhà trọ lại đồng loạt tăng giá phòng, tiền điện, tiền nước… Để yên lòng các sinh viên đang thuê phòng, các chủ nhà trọ đưa ra rất nhiều lý do khi tăng giá như: Tiền điện tăng, giá cả thị trường tăng… Đặc biệt, nhiều tân sinh viên cũng dính “bẫy” tăng giá này.

Bạn Trần Thị Thúy Phượng, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Năm ngoái, khi chủ nhà trọ thông báo giá 1,5 triệu/phòng, thấy giá cả hợp lý nên chấp nhận thuê. Nhưng khi đến ở được một tháng, chủ nhà trọ lại thông báo tăng giá phòng lên 1,7 triệu/phòng. Lúc đó mình cảm thấy rất ấm ức và có cảm giác như bị lừa nhưng vì đã ở ổn định hơn nữa là sinh viên mới nên việc đi tìm phòng cũng khó khăn nên đành chấp nhận nộp cho chủ trọ.

Cũng rơi vào trường hợp “dở khóc, dở cười”, bạn Nguyễn Thị Thảo, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Dù đã nộp tiền đặt cọc nhưng khi lên nhận phòng mình lại được thông báo phòng đã có cháu họ của chủ nhà đến ở. Nếu muốn thuê, mình phải đưa thêm cho chủ nhà 150.000 đồng để nhờ người môi giới tìm nhà cho người cháu của bà chủ. Dù rất bực mình nhưng do chưa tìm được chỗ ở khác nên em đành trả thêm tiền”.

Bạn Trần Thúy Hằng, sinh viên năm cuối Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đang thuê nhà ở khu vực Xuân La (Tây Hồ- Hà Nội) cho biết: “Cứ đến đầu năm học chủ nhà trọ lại thông báo tăng giá, không cái này lại cái kia”.

“Mình cũng không hiểu vì sao cứ đến đầu năm học lại tăng giá, mà thắc mắc cũng không được. Nếu đi tìm chỗ trọ khác giá cả cũng vậy mà lại mất công chuyển phòng”, Lan cho biết thêm.

Tương tự, Đỗ Thị Ngọc Ánh, sinh viên năm hai Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tiền phòng đã đắt, tháng trước chủ nhà trọ lại thông báo tăng tiền điện từ 4.000 đồng/kWh lên 5.000 đồng/kWh, nước 100 nghìn đồng/người. Phòng mình dùng có một bóng đèn, một chiếc laptop, nồi cơm điện và quạt điện mà tháng nào tiền điện cũng hơn 400.000 đồng, tiền nước 200.000 đồng”.

Ngoài việc tăng giá, sinh viên còn phải đứng trước mối lo an ninh phòng trọ. Bạn Nguyễn Kiều Oanh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tâm sự: “Trong 4 năm học, mình phải chuyển khá nhiều phòng trọ. Ngoài lý do tăng giá, vấn đề xuống cấp ở các khu trọ, việc mất trộm xảy ra thường xuyên... Có hôm đi học về mình thấy phòng bị bẻ khóa, mất sạch những đồ có giá trị bên trong nhưng cũng chẳng biết kêu ai”.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Tan-sinh-vien-dinh-bay-co-nha-tro/c/17566769.epi