Cốt lõi của giáo dục là giúp chúng ta “tư duy”
Những lầm tưởng trong giáo dục
Thiên tài thường có một đặc điểm chung và nổi bật là có suy nghĩ khác người thường. Trong cuốn nhật ký My life and work (Cuộc đời và sự nghiệp của tôi) của mình, Henry Ford , cha đẻ ngành công nghiệp ô tô và sáng lập công ty Ford, chia sẽ những quan điểm cũng như suy nghĩ cá nhân của ông về giáo dục.
Cũng bởi lối suy nghĩ không chính thống và khác người về nền giáo dục, nên lúc nhỏ ông gặp rắc rối vì điểm số kém và được thầy cô đánh giá là một học sinh cá biệt, không chịu học thuộc bài mà luôn mơ mộng.
Tuy nhiên, quan điểm về giáo dục của ông có thể không mang lại bảng điểm mơ ước, nhưng lại đặc biệt hiệu quả khi bước ra thế giới, bởi vì không đâu rộng lớn hơn sự tư duy của con người.
Một người có giáo dục không phải là người có trí nhớ được rèn luyện để “khắc vào não” con số ngày tháng năm của các sự kiện lịch sử, mà phải là người có thể tư duy. Người nào cho rằng mình không thể tư duy, đồng nghĩa với việc “có học cũng như không”, cho dù nắm trong tay bao nhiêu bằng cấp.
Theo Ford, tư duy là công việc vất vả nhất mà con người có thể làm. Có hai quan niệm mà chúng ta cần tránh: một là thái độ xem nhẹ sự giáo dục, hai là hành vi tự cho rằng tham gia các lớp học là một biện pháp chắc chắn để khắc phục sự tầm thường và biết được cách thế giới vận hành.
Bạn không thể học ở bất cứ ngôi trường nào về việc thế giới sẽ làm gì trong năm tới, nhưng bạn có thể học hỏi một số điều mà thế giới đã cố gắng thực hiện trong những năm vừa qua, về sự thất bại cũng như thành công.
Nếu giáo dục là cảnh báo các sinh viên trẻ tuổi tránh xa một vài học thuyết sai lầm mà con người trước đó đã cố gắng xây dựng để những kinh nghiệm cay đắng đó là bài học giúp sinh viên tránh được sự lãng phí về thời gian trong việc tìm ra những học thuyết đó. Đây là mặt tốt đẹp của giáo dục và chúng ta có lẽ không cần phải bàn cãi, thắc mắc.
Một nền giáo dục có những chỉ dẫn để tránh cũng như rút được bài học bổ ích từ những thất bại và suy nghĩ sai lầm trong quá khứ chắc chắn sẽ rất hữu ích. Còn nếu chỉ thuộc lòng những học thuyết của giáo sư thì đó không phải là giáo dục. Sự ghi nhớ những học thuyết đó là rất thú vị, đôi khi còn có ích nữa, nhưng theo Ford, đó chưa phải là giáo dục.
Những điều tốt đẹp nhất mà giáo dục có thể mang lại cho con người là giúp bạn nắm bắt được sức mạnh của chính mình, giúp họ điều khiển những công cụ của số phận và quan trọng nhất là dạy bạn cách tư duy.
Trường học là nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất như một nơi đào tạo trí tuệ, tại đó, trí não được phát triển và học sinh có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn.
Tuy nhiên, khi nói rằng rèn luyện trí não chỉ được tiến hành trong các trường học là chưa đúng, điều mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Sự nghiệp giáo dục thực sự của một người chỉ bắt đầu sau khi bạn rời trường học. Con người chỉ có được sự giáo dục chân chính thông qua sự rèn luyện trong cuộc sống.
Đừng chất đầy các sự kiện thời đại vào đầu
Theo Ford, việc bỏ tất cả các sự kiện vào đầu cũng như học vẹt mà không hiểu gì sẽ mang lại sự “nguy hiểm” khi về già, vì đầu óc giờ đây như một chiếc hộp sự kiện quá tải. Quá nhiều kiến thức chất đống trong đầu không phài là hoạt động mang tính tinh thần.
Một người có thể rất thông thái nhưng lại vô dụng, nhưng tương tự, một người có thể không được thông minh lắm nhưng lại có giá trị hữu ích.
Mục đích của giáo dục chưa bao giờ là chất đầy các sự kiện vào đầu óc con người, giáo dục là dạy cách con người sử dụng trí tuệ của mình để tư duy. Và thông thường, con người có thể tư duy tốt hơn nếu không bị vướng bận bởi những tri thức trong quá khứ.
“Anh có thể làm gì để giúp ích cho đất nước và thế giới” Đây là câu hỏi để Ford kiểm tra giáo dục của bạn. Nếu bạn có thể tự nuôi sống mình thì bạn được 1 điểm. Những nếu bạn có thể giúp 10, 100, hoặc 1.000 người khác tự nuôi sống họ, bạn sẽ có giá trị hơn nhiều.
Lúc này, tuy học vấn của bạn có thể không cao, nhưng bạn là một người có hiểu biết. Khi một người là bậc thầy trong lĩnh vực của mình, cho dù lĩnh vực gì đi chăng nữa, điều này có nghĩa là bạn đang đạt đến đẳng cấp của vị trí đảm nhận và sẽ bước chân vào địa hạt của sự khôn ngoan, hiểu biết.
Đinh Lộc
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: http://www.baomoi.com/Cot-loi-cua-giao-duc-la-giup-chung-ta-tu-duy/c/17610791.epi