NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Nghiên cứu khoa học cho thấy bài kiểm tra IQ là vô nghĩa và quá đơn giản

on .

Thành công cần nhiều yếu tố kết hợp thay vì chỉ dựa trên chỉ số IQ, thậm chí yếu tố kiên quyết của nó là đam mê và nỗ lực hết mình.

Ý tưởng cho rằng trí thông minh có thể được đo bằng cách kiểm tra IQ là một sai lầm, đó là một kết quả nghiên cứu của những nha khoa học chuyên nghiên cứu về tâm lý con người tại đại học Tây Ontario (Canada). Thậm chí, các chuyên gia nghiên cứu còn cho biết các bài kiểm tra chỉ số IQ truyền thống "quá đơn giản".

Bài kiểm tra IQ thực sự là vô nghĩa?

Để chứng giả thuyết này, các nhà khoa học đã yêu cầu hơn 100.000 người tham gia hoàn thành 12 bài kiểm tra giá trị của IQ , trong đó yêu cầu họ lên kế hoạch, lý luận, ghi nhớ và chú ý. Những người tham gia cũng điền vào một bản khảo sát về nền tảng của họ. Cuối cùng, các nhà khoa học phát hiện ra sự thông minh thường bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố khác nhau:đó là trí nhớ ngắn hạn, khả năng lý luận và khả năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, một người tốt ở một trong những yếu tố này không có nghĩa họ sẽ tốt ở hai yếu tố kia.

Các nhà khoa học đến từ trường đại học Western ở Ontario ở Canada còn quét não bộ của một số người tham gia trong khi họ thực hiện các bài kiểm tra. Họ cũng phát hiện ra những phần khác nhau của bộ não được kích hoạt khi người tham gia đang làm bài kiểm tra về mỗi trong ba yếu tố trên. IQ, viết tắt cho cụm từ "Intelligence Quotient", là một nỗ lực để đo xem một người có mức độ thông minh như thế nào. Chỉ số IQ trung bình là 100. Mensa, câu lạc bộ dành cho những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới, chỉ chấp nhận những cá nhân nào đạt chỉ số IQ hơn 148, và số người này nằm trong top 2% dân số "thông minh hàng đầu thế giới". Mensa sử dụng bài kiểm tra IQ Cattell III B, bao gồm 6 phần với các câu hỏi trắc nghiệm, nhằm kiểm tra sự nhanh nhẹn của tâm thần, mỗi phần phải được hoàn thành trong 8-18 phút.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học đưa ra nghiên cứu mới này cho rằng sự thông minh quá phức tạp, và không thể chỉ được "đong đo" bằng một con số đơn giản như thế. Dẫn đầu nghiên cứu này, tiến sỹ Adrian Owen, một nhà khoa học thần kinh người Anh tại trường đại học Western ở Canada, cho biết: "Chúng tôi mong đợi vài trăm phản hồi, nhưng hàng ngàn, hàng ngàn người đã tham gia, họ ở mọi lứa tuổi, nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau từ mọi miền thế giới". Ông cho biết thêm: "Khi có đến 100.000 người tham gia và thử nghiệm các chức năng não bộ của họ, chúng tôi không thể tìm ra bất cứ bằng chứng nào về một chỉ số duy nhất nào cho sự thông minh."

Tiến sỹ Adrian Owen trong một buổi nói chuyện trên truyền hình về IQ tại Canada năm 2013.

Các đồng nghiệp của tiến sỹ Owen bổ sung: "Điều tốt nhất mà chúng tôi có thể nắm được là đặt ra 3 yếu tố góp phần tạo nên sự thông minh. Nhưng đó là ba yếu tố hoàn toàn khác nhau, không liên quan đến nhau, và bạn có thể rất giỏi ở một yếu tố này những lại vô cùng kém ở yếu tố kia. Và như thế, các bài kiểm tra chỉ số IQ cực kỳ vô nghĩa – nếu bạn không làm tốt các bài kiểm tra này thì chỉ đơn giản là bạn không làm tốt các bài kiểm tra IQ. Nó không nói lên gì về trí thông minh của bạn cả". Phần lớn các bài kiểm tra IQ được phát triển trong những năm 50 và 60, lúc đó cách chúng ta suy nghĩ và tương tác với thế giới khác với bây giờ. Sau thí nghiệm, tiến sĩ Owen kết luận: “Nếu có một cái gì đó trong não là chỉ số IQ, chúng ta đã có thể tìm thấy nó bằng cách quét não. Nhưng hóa ra không có một khu vực nào trong não có liên quan đến cái được gọi là chỉ số IQ của con người.”

Roger Highfield, đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng: "Đây là phát hiện bất ngờ. Những bài kiểm tra này thực sự vô nghĩa. Chúng ta cần ngừng ngay việc làm đơn giản hóa bộ não thành một con số như thế này. Bộ não là một cơ quan rất phức tạp. Chúng ta cần nghĩ về trí thông minh như thế vận hội Olympics. Bởi liệu người giành huy chương vàng trong cuộc thi marathon có hơn người đoạt huy chương vàng trong cuộc thi chạy nước rút 100m?"Lưu ý rằng, câu lạc bộ Mensa vừa đề cập phía trên có hơn 1.000 thành viên tuổi dưới 18. Trong đó, có ít nhất hai bé gái 3 tuổi ghi nhận chỉ số IQ lần lượt 162 (ở Anh) và 160 (ở Mỹ). Ngoài ra, những người nổi tiếng như các tổng thống của Hoa Kỳ - Abraham Lincoln, Benjamin Franklin và Bill Clinton - chỉ đạt IQ lần lượt 128, 160 và 137. Hoàng đế Pháp lừng danh Napoleon Bonaparte đạt 145 điểm và với nhà tâm thần học người Áo Freud thì con số này là 156 điểm.

Thêm vào đó ít ai biết rằng, mục tiêu ban đầu của IQ hoàn toàn trái ngược với cách mà chúng ta sử dụng nó hiện nay. Bản thân Alfred Binet và Theodore Simon - những người xây dựng cách tính IQ vào năm 1905, chỉ muốn dùng nó để phát hiện các trẻ em bị thiểu năng trí tuệ. Trong khi ngày nay, con người dùng IQ để đo trí thông minh và phát hiện ra những thiên tài. Chưa hết, nhiều nghiên cứu cho thấy khi con người bước đến độ tuổi 15, các bài kiểm tra IQ đã không còn quá quan trọng nữa. Vào thời điểm này, chỉ số IQ đạt tới sự ổn định và gần như không tăng lên nữa trong suốt cuộc đời. Do vậy, IQ chỉ thực sự thích hợp với trẻ em ở độ tuổi thấp hơn, vì nó phản ánh một cách khá chính xác tương quan trí thông minh giữa hai đứa trẻ khác nhau, với sự phát triển tuổi trí tuệ khác nhau.

Alfred Binet và Theodore Simon - những người xây dựng cách tính IQ vào năm 1905.

Thậm chí, một số chuyên gia tâm lý cho rằng các bài kiểm tra IQ thật sự không công bằng. Vì phần lớn chúng ta sử dụng những câu hỏi thuộc lĩnh vực kiến thức chung để kiểm tra IQ một đứa trẻ. Do đó, nó hàm chứa sự may rủi rất cao nếu như đứa trẻ vô tình biết hết những gì có trong bài kiểm tra. Chẳng hạn, với một bé chỉ nhìn thấy quả táo màu xanh từ nhỏ. Vậy với câu hỏi “quả táo màu gì?” khi đưa đáp án là màu đỏ, hiển nhiên em sẽ làm sai. Điều đó liệu có nói lên rằng em không thông minh? Ngoài ra, các bài kiểm tra IQ có một hạn chế hiển nhiên là tính thời gian làm bài. Đối với những người có chỉ số IQ cao thực sự và luôn cẩn trọng trong từng hành động thì việc hạn chế thời gian đối với họ không khác gì việc vô tình hạ thấp khả năng tư duy của họ. Chưa kể, chỉ số IQ cao có thể làmtăng thêm ham muốn khoe khoang của trẻ nhỏ và khiến chúng có những suy nghĩ lệch lạc.

Hơn nữa, kiểm tra IQ không đồng nghĩa với việc kiểm chứng được khả năng sáng tạo. Không ít cuốn sách, tài liệu đề cập việc Einstein có chỉ số IQ là 160, Leonardo da Vinci là 220. Điều này đâu thể khẳng định rằng, Einstein không sáng tạo bằng thiên tài người Ý? Đồng thời chỉ số IQ đâu thể giúp ta so sánh các thiên tài trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn toán học với ngôn ngữ. Trên thực tế, việc đo chỉ số thông minh của các thiên tài thời trước trong các lĩnh vực khác nhau là rất khó chính xác. Người ta hoàn toàn phải ước lượng chỉ số ấy thông qua những cống hiến mà các thiên tài để lại cho cuộc đời. Một ví dụ lịch sử nữa là Ludwig van Beethoven, một thiên tài âm nhạc. Nếu cho ông làm một bài test IQ bình thường như ngày nay, liệu ông có đạt được chỉ số IQ cao là 165 như ước tính? Câu trả lời là chưa chắc vì trong lịch sử, Beethoven chỉ giỏi trong lĩnh vực âm nhạc và không xuất sắc môn toán. Thực tế, ông chỉ dừng lại ở việc học số học và còn không thể giải những bài tập ở mức trung bình khá.

Chỉ số IQ không phản ánh được hết những cống hiến của Albert Einstein và Ludwig van Beethoven.

Một câu chuyện nữa lên quan đến thiên tài và chỉ số IQ thuộc về Albert Einstein , nhà bác học lỗi lạc này từng trở thành nhân vật trung tâm của những lời đồn về việc ông là một học sinh yếu kém khi còn đi học, đi kèm với đó là những điểm số thấp. Mặc dù vậy theo tư liệu lịch sử, thực ra các bài kiểm tra của ông luôn đạt điểm từ khá trở lên, đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực liên quan tới tự nhiên. Mặc dù có chỉ số IQ cực cao, tuy nhiên Einstein lại chỉ đạt điểm vừa phải trong các bộ môn như tiếng Pháp, Địa lý. Người ta ví von rằng, nếu Einstein thi vào trường Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ, chắc chắn ông sẽ bị đánh trượt vì không giỏi ngoại ngữ bằng một học sinh có IQ thấp hơn mình.

Cuối cùng, chỉ số IQ cao từ nhỏ không đồng nghĩa với việc bạn sẽ trở thành một thiên tài thực sự. Câu chuyện về cô bé Alexis Martin đạt chỉ số IQ lên tới 160 khi mới 3 tuổi từng làm chấn động thế giới. Từ lúc hơn 1 tuổi, Alexis đã thuộc mọi câu chuyện mà bố mẹ kể lúc chuẩn bị ngủ và khi 3 tuổi, cô bé có thể sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha nhờ tự học bằng máy tính bảng của bố mẹ. Trường hợp của bé Martin làm dấy lên nhiều câu hỏi về trí thông minh của con người và ảnh hưởng của nó tới tương lai của mỗi cá nhân.

Alexis Martin có thể nhớ tên nhiều quốc gia khi còn nhỏ.

Giáo sư tâm lý Richard Nisbett tại Đại học Michigan cho biết chỉ số IQ không quyết định thành công của mỗi người ngoài thực tế. Chỉ số này không thể đo độ sáng tạo và sự tò mò, những yếu tố đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình tích lũy kiến thức của mỗi người. Chỉ số IQ cũng không phải tiêu chuẩn mà giáo viên hoặc các bậc phụ huynh có thể dựa vào để biết được cảm xúc của một đứa trẻ. Chỉ số IQ cao giúp một đứa trẻ 5 tuổi có khả năng đọc và hiểu những vấn đề về kinh tế nhưng không ai dám chắc chúng biết rõ về chiến tranh hoặc án tử hình.

"Tài năng trẻ" Alexis Martin?

Ngoài ra, theo chuyên gia về tài năng trẻ Van Gemert, chỉ số IQ là một trong những đặc điểm tạo nên con người. Nó giống như đôi mắt màu xanh, chiếc mũi lớn. Nó chỉ phần nào quyết định nên con người. “Nếu bạn không phát triển những phẩm chất tốt đẹp khác, bạn sẽ lãng phí trí thông minh của chính mình”, Gemert khẳng định. Thậm chí, chỉ số thông minh của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian. Rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới chỉ số thông minh. Đói nghèo, dinh dưỡng và căng thẳng có thể tác động rất nhiều tới trí thông minh của mỗi người. Nghiên cứu của giáo sư Nisbett chỉ ra rằng, trẻ em nhà nghèo có thể tăng từ 15 đến 20 điểm chỉ số IQ nếu chúng sống trong một gia đình trung lưu.

Vì vậy, nếu bạn đã từng làm một bài kiểm tra IQ thì đừng buồn vì nó thấp hơn kỳ vọng hoặc khi điểm cao cũng đừng vội mừng rằng mình sẽ thành công hơn người khác.

Tham khảo ListVerse, Iflscience, Independent, CNN, DailyMail

Nguồn: http://www.baomoi.com/Nghien-cuu-khoa-hoc-cho-thay-bai-kiem-tra-IQ-la-vo-nghia-va-qua-don-gian/c/17726770.epi