Nhỏ to ngày Nhà giáo
Cứ mỗi năm, đến ngày 20/11, không khí trở nên nhộn nhịp. Học sinh và phụ huynh chuẩn bị hoa, quà tặng thầy cô. Là một nhà giáo, tôi thấy thật xúc động nhưng cũng lắm băn khoăn.
Cô giáo xúc động trước tấm thiệp học trò tặng trong ngày 20/11 - Ảnh: THIÊN HOÀNG Băn khoăn bởi thấy cảnh ban chấp hành hội phụ huynh tất bật thu tiền. Đại diện phụ huynh vất vả đến tận trường nhờ thầy cô giáo chủ nhiệm tìm từng thầy cô để trao tặng trong lúc phụ huynh đang rất bận việc và kẹt về thời gian. Bản thân mỗi phụ huynh đã có quá nhiều điều để lo toan về những khoản tiền trường đóng góp đầu năm cho con em chưa xong, nay lại phải thêm khoản đóng góp mới. Ngày vui của thầy cô mà trở thành nỗi lo của phụ huynh thì đâu còn vui nữa.
Băn khoăn vì trong tấm thiệp nhiều khi lơ đễnh, phụ huynh quên viết lời chúc nên tấm thiệp vẫn còn để trắng. Thật sự đại đa số nhà giáo chúng tôi không thích quà tặng là những chiếc phong bì. Đã có rất nhiều thầy cô giáo chỉ xin nhận phần thiệp, còn phần đi kèm theo gửi tặng lại lớp để liên hoan hoặc làm phần thưởng cho học sinh có điểm cao nhất về bộ môn của mình. Băn khoăn vì nhớ ơn thầy cô là một hình thức chúng ta dạy cho con em mình đạo lý uống nước nhớ nguồn. Thế nhưng, cha mẹ lại làm thay hết cho con em mình, từ chọn quà, mua quà và cả tặng, làm như vậy mất hết tác dụng về giáo dục. Băn khoăn vì khi tặng quà cho thầy cô các em mà phân biệt môn chính, môn phụ; thầy cô già và thầy cô trẻ; thầy cô các em thích và không thích. Cùng dạy một lớp mà cô giáo trẻ, các em tặng bó hoa rõ to, còn thầy giáo già lại chỉ là những bông hoa nhỏ... Học sinh còn đi học, chưa làm ra tiền nên hãy tặng thầy cô món quà mà bản thân có thể tự làm ra. Giáo viên chúng tôi rất cảm động khi nhận được tấm bưu thiếp do chính học sinh tự làm, đặc biệt, phía sau tấm thiệp ấy có đầy đủ các thành viên trong lớp ghi những lời chúc, những suy nghĩ, tình cảm của mình gửi tới thầy cô. Một món quà mà bao nhiêu là yêu thương, tình nghĩa thật quý giá. Tôi đã vô cùng xúc động khi vào sáng 20/11 năm ấy, vừa thức dậy, tôi thấy một bông hoa hồng rất đẹp để ngay cổng nhà kèm theo tấm thiệp với lời chúc: “Cô ơi, con chỉ là một trong những học trò của cô, con chúc cô một ngày 20/11 thật vui. Yêu cô nhiều ạ”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết chủ nhân của món quà ấy là ai nhưng đó là một món quà thật lãng mạn và khiến tôi hạnh phúc. Một đồng nghiệp cũng tâm sự với tôi rằng thầy đã rất vui mừng khi học trò tặng một cuốn truyện mới ra lò của tác giả mà thầy yêu thích kèm một lời chúc thật tình cảm của học trò. Cũng có lớp còn sáng kiến tắt hết đèn, mỗi bạn cầm một ngọn nến, khi thầy bước vào, cả lớp đồng thanh: “Chúng con kính chúc thầy mạnh khỏe, hạnh phúc” và cùng nhau say sưa thành kính hát bài Bụi phấn khiến giáo viên hạnh phúc đến rơi nước mắt. Nếu muốn tặng những món quà có giá trị vật chất lớn hơn thì sau này, khi các em đã thành đạt, đã đi làm, hãy trở về thăm thầy cô vào ngày 20/11 và tặng thầy cô cũng không muộn. Lúc đó chắc chắn thầy cô sẽ rất vui và xúc động, đặc biệt khi thầy cô đã nghỉ hưu. Dù có tặng quà gì đi chăng nữa thì món quà lớn nhất, thích nhất đối với thầy cô từ phía học sinh của mình là sự quý mến, thân thiện, là thái độ nhiệt tình của các em với bộ môn mà thầy cô giảng dạy. Sự tích cực trong giờ học của các em cùng với gương mặt rạng rỡ là động lực để thầy cô yêu nghề, gắn bó với nghề. Hoàng Thu Hiền (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM) |
Nguồn: http://www.baomoi.com/Nho-to-ngay-Nha-giao/59/15266357.epi