GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu: Tham gia Mặt trận vì muốn được tiếp tục đóng góp

on .

Chiều muộn, trong bộn bề công việc, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu vẫn có một cuộc trải lòng thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của một nữ trí thức tiêu biểu, về những tâm huyết nhiệt thành dành cho công tác Mặt trận. Sự tâm huyết đó, theo GS, chỉ với mong muốn được tiếp tục đóng góp.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu.

Với những ai lần đầu gặp có lẽ khó đoán được chính xác tuổi của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu. 77 tuổi, đẹp mặn mà, giọng xứ Quảng, bà thu hút người đối diện ngay từ khi mới bắt đầu câu chuyện. GS Trân Châu, bảo để có cuộc trò chuyện này phải thu xếp rất nhiều công việc, thế nhưng sự ưu tiên vẫn dành cho những người làm báo

Khoa học - Niềm đam mê

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu sinh năm 1938, trong một gia đình dòng tộc khoa bảng ở Quảng Nam. Từ nhỏ, Phạm Thị Trân Châu đã là một cô bé ham học. Ước mơ chữ nghĩa giúp bà vượt qua mọi khắc nghiệt nơi dải đất miền Trung đầy nắng gió. Năm 1959, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội bà được ở lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Sinh học của trường. Năm 1974, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lo’dz’ Ba Lan về đề tài “Proteinaza ngoại bào của vi khuẩn Bacillus pumilus”; năm 1985, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học tại Đại học Tổng hợp Wroclaw Ba Lan theo hướng Protein ức chế proteinaza. Đây cũng là hướng nghiên cứu mà bà đã theo đuổi suốt đời, khởi xướng tại Việt Nam và đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Bà trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu ngành Hóa Sinh học của Việt Nam, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ... Các công trình nghiên cứu của GS Trân Châu chủ yếu về khai thác tài nguyên Việt Nam, phụ liệu nông nghiệp, từ tài nguyên Việt Nam như chồi ngọn dứa để sản xuất proteinaza dùng trong thuốc điều trị vết thương bỏng, chế biến cá, thịt, bột dinh dưỡng cao cấp cho trẻ em để phòng chống suy dinh dưỡng... Với bà, khoa học luôn đem lại niềm vui, sự thỏa mãn trí tuệ vì luôn khai phá được những điều mới mẻ.

Và với những thành công trong nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như ứng dụng, năm 1988, bà được trao Giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng khoa học cao quí nhất dành cho các nhà khoa học nữ thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Toán. Từ năm 1993 đến nay, bà là thành viên Ủy ban xét giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ tịch. GS Phạm Thị Trân Châu được biết đến trong vai trò một nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc, một nữ trí thức tiêu biểu của đất nước nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo tận tụy.

Chẳng thế mà khi còn đương chức, nhiều buổi trưa muộn, sau khi đi họp Quốc hội về phòng thí nghiệm thấy sinh viên đợi, thế là cô và trò cùng quên luôn bữa trưa. Nhiều thế hệ học trò của GS Trân Châu giờ đã trưởng thành, phần lớn đều làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, họ luôn tự hào khi nói về người thầy của mình.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ khóa IV đến nay, hiện là Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học- Giáo dục- Môi trường của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII. Kiêm nhiệm nhiều việc nhưng hiếm khi thấy sự mệt mỏi hay điều gì đó quá sức ở bà. Người ta luôn nhìn thấy ở vị GS đáng kính, sự dẻo dai và nhiệt huyết hết sức đáng khâm phục. Bà bảo, mệt mỏi ư, hiếm lắm, bởi tôi luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Không làm thì thôi, nhưng đã làm thì phải hết lòng, hết sức mới mong mang lại sự hữu ích cho xã hội.

Ví như vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, GS Trân Châu cho biết, vấn đề này bà đã đau đáu từ nhiều năm. Làm thế nào để có được thực phẩm an toàn, nhà khoa học rất cần tham gia giải quyết. Tôi đã cùng đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu đặc điểm của một số loại sâu phổ biến phá hoại nghiêm trọng rau xanh. Và các chế phẩm thuốc trừ sâu hóa sinh Momosertatin (Mos), chế phẩm MM ra đời đã có tác dụng phòng trừ sâu bệnh phá hoại rau xanh và an toàn- GS Trân Châu cho biết.

Theo bà, thực phẩm bẩn, trách người nông dân cũng đúng mà trách nhiệm của người tiêu dùng cũng không nhỏ. Sự xuê xoa kiểu “khuất mắt” cũng có thể xem là một hình thức “chấp nhận” cho việc rau xanh tồn dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật độc hại, thịt lợn, thịt bò nuôi bằng chất cấm vào đến bàn ăn mỗi gia đình…

“Bởi vậy, tôi rất tâm đắc khi biết UBTƯ MTTQ Việt Nam đang bàn với các bộ, ngành liên quan phát động phong trào “ba không” đối với nông dân”- GS nói, đồng thời cho biết, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, cuộc vận động các hộ nông dân cam kết “3 không” sẽ bao gồm: không trồng và bán rau quả, củ không an toàn thực phẩm; không nuôi và bán gia súc, gia cầm, thủy hải sản không an toàn thực phẩm; không làm ngơ khi biết người cùng thôn, cùng xóm nuôi trồng và bán sản phẩm không an toàn. Muốn làm được như vậy thì vai trò của Mặt trận cơ sở trong việc giám sát thực hiện sẽ phải được đề cao.

Làm tốt hơn nữa vai trò tập hợp

- Em có biết tôi tham gia công tác Mặt trận vì lý do gì không?

Câu hỏi bất ngờ của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu khiến tôi lúng túng. Cười nhẹ, bà bảo, vì Mặt trận chính là nơi để người dân tìm đến đầu tiên, mỗi khi muốn giãi bày tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng; là nơi mà những nhà khoa học có thể nói lên tiếng nói của mình, có thể góp ý và phản biện một cách thẳng thắn nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Thế nhưng, những ý kiến tâm huyết cũng ít khi được hồi âm. Đôi lúc, chúng tôi thấy nản lòng khi mà mọi sự chỉ dừng lại ở “ghi nhận” và “kính chuyển”, kết quả giải quyết ra sao thì còn khiêm tốn - GS Trân Châu chia sẻ. Nhưng theo bà, sự nản lòng đó cũng chỉ là thoáng qua và sau đó vẫn là những sự đóng góp với tất cả tâm huyết của mình. “Giới khoa học chúng tôi cho rằng không nên chỉ thụ động ngồi trông chờ vào sự thay đổi của các cấp lãnh đạo mà mình phải chủ động . Phải làm thế nào để những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực thi một cách có hiệu quả trong cuộc sống. Làm được việc này, không ai khác chính là Mặt trận - tổ chức liên hiệp rộng rãi gần gũi nhất với mọi giai tầng.

Tuy nhiên, theo GS Trân Châu thời gian tới, cần làm tốt hơn nữa công tác vận động trí thức tham gia ngôi nhà chung Mặt trận bởi giới trí thức luôn tâm niệm Mặt trận là tổ chức gần gũi nhất để họ được nói lên tiếng nói của mình. Mặt trận phải lắng nghe nhiều hơn nữa, cả ý kiến trái chiều và nghe xong thì phải giải thích lại trên cơ sở khoa học. Bởi nếu mình nói có cơ sở, tự khắc sẽ thuyết phục được những người có trách nhiệm.

Hội nữ trí thức Việt Nam do bà là Chủ tịch, được thành lập cũng xuất phát từ ý nghĩ nhằm tập hợp lực lượng, kết nối nữ trí thức trong và ngoài nước, nhằm phát huy tài năng trí tuệ của nguồn nhân lực nữ vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Cống hiến không mệt mỏi

Những ai đã từng tiếp xúc với GS Trân Châu đều nhận ra một con người hết mình vì công việc và đã làm thì không có chuyện làm hình thức, hời hợt hay dễ dãi. Theo bà, những người làm công tác Mặt trận thì càng không được hình thức. Người dân đã tin tưởng, gửi gắm tâm tư nguyện vọng thì nhất thiết cần có hồi âm, dẫu là đúng hay sai. Bây giờ mọi phương tiện thuận lợi, có thể trả lời bằng email, tin nhắn hay cả trên các phương tiện báo mạng, báo giấy nữa. Vậy không nên khất nợ với dân.

Hỏi bà có tham gia công tác Mặt trận ở khu dân cư không, bà cười bảo, tôi luôn sẵn sàng tham gia khi có điều kiện và có yêu cầu. “Tôi luôn nghĩ rằng, sự đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng là không bao giờ đủ. Mình có kinh nghiệm, có sức khỏe không lẽ gì lại không cống hiến.”- GS nói.

Bận rộn như vậy nhưng đúng là tố chất của một nhà khoa học, GS Trân Châu vẫn luôn sắp xếp thời gian cho công việc và gia đình một cách hài hòa. Bà bảo, “đó là nơi bình yên nhất tôi trở về sau mỗi ngày làm việc. Ông xã cũng làm khoa học nên hai vợ chồng có nhiều sự đồng cảm và chia sẻ”.

Có lẽ đó cũng là lý do để khi tuổi đã cao nhưng GS Phạm Thị Trân Châu vẫn say mê công tác nghiên cứu và hết lòng với Mặt trận. Dẫu là ở đâu, làm gì, bà vẫn đau đáu những suy nghĩ về vai trò của MTTQ, về tập hợp trí thức, về giám sát và phản biện. Và đặc biệt, ít khi người ta thấy bà vắng mặt trong các cuộc họp ở ngôi nhà chung - Mặt trận, kể cả khi trái nắng trở trời.

Việt Hà

Nguồn: http://www.baomoi.com/GS-TSKH-Pham-Thi-Tran-Chau-Tham-gia-Mat-tran-vi-muon-duoc-tiep-tuc-dong-gop/c/18048053.epi