Học nhiều, lười vận động làm gia tăng đái tháo đường ở trẻ
Suốt ngày học, xem tivi nhiều và nghiện game, hay dùng thức ăn nhanh, lười vận động... Đó là những thói quen dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh đái tháo đường ở trẻ em Việt Nam hiện nay.
Tình trạng trẻ em ít vận động thể chất là một trong những nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường. Ảnh: CHÍ CƯỜNG
Cha mẹ thường chủ quan ThS.BS Phan Hướng Dương (PGĐ BV Nội tiết Trung ương) là người trực tiếp khám và điều trị cho nhiều trẻ em bị đái tháo đường (lứa tuổi từ 11-15) không khỏi giật mình và lo ngại cho một tương lai trẻ em Việt Nam khi lứa tuổi bị căn bệnh này ngày càng "trẻ hóa".
ThS.BS Phan Hướng Dương cho biết, trước đây bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) xuất hiện ở tuổi trên 40 thì hiện nay, có những trẻ 11 tuổi đã mắc. Và đặc biệt, không phải chỉ có trẻ ở thành phố, mà có những trẻ ở các địa phương nghèo vùng miền núi. Phải học nhiều, không vận động thường xuyên, hay xem tivi và chơi trò chơi điện tử, dùng nhiều thức ăn nhanh là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ em bị béo phì. Đây là một trong những nguyên nhân chính của bệnh ĐTĐ. "Làm bác sĩ, hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân, từ năm này sang năm khác, chúng tôi có những so sánh về căn bệnh này và thực sự đáng lo ngại. Một đứa trẻ bị tiểu đường sẽ mang căn bệnh này suốt đời, nó sẽ kéo theo sự hạn chế phát triển trí tuệ, thể chất… Khi bị tiểu đường, trẻ sẽ rất mặc cảm, thường không muốn mọi người biết căn bệnh của mình. Vì vậy, khi ăn uống, dự sinh nhật, lễ hội chúng vẫn sẽ hay dùng những thức ăn mà mình không nên và càng khiến bệnh nặng thêm…", ThS.BS Phan Hướng Dương cảnh báo. Để phát hiện ĐTĐ typ 2 ở trẻ em rất khó, vì nếu đưa con đi khám sức khỏe, rất ít khi các bậc cha mẹ yêu cầu xét nghiệm đường huyết. Nhiều trẻ bị ốm, đi truyền dịch, sau đó được xét nghiệm thấy lượng đường huyết trong máu mới phát hiện được bệnh. Có những trẻ lượng đường huyết đã tăng hơn 20 ml/lít máu, có biểu hiện của bệnh như đi tiểu nhiều, sụt cân, khát nước nhiều, lúc này gia đình mới đưa đến cơ sở y tế khám và phát hiện ra bệnh. Như một cháu ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nặng hơn 80 cân tự nhiên sụt xuống còn 70 cân, gia đình đưa cháu đi khám và phát hiện mắc bệnh ĐTĐ typ 2. Theo ThS.BS Phan Hướng Dương, ĐTĐ typ 2 đang tăng nhanh ở người trẻ (dưới 35 tuổi và tăng lên ở trẻ em). Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở trẻ em tăng cao là "nguồn" bổ sung thêm những người mắc ĐTĐ trẻ tuổi. Việt Nam có số mắc bệnh đái tháo đường cao nhất Đông Nam Á Theo ThS.BS Phan Hướng Dương, béo phì liên quan mật thiết với ĐTĐ. Trong khi đó lối sống thay đổi, trẻ em ngày nay đang vận động ít đi. Hiện bệnh ĐTĐ ở Việt Nam tăng quá nhanh, đặc biệt typ 2. Theo điều tra của BV Nội tiết Trung ương từ năm 2002-2012 bệnh nhân ĐTĐ typ 2 ở độ tuổi từ 30-40 tăng 200%. Trong khi đó, dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 2002- 2030 bệnh ĐTĐ typ 2 sẽ tăng lên 54%. ThS.BS Phan Hướng Dương cho biết, ở Việt Nam tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ ở ngoài cộng đồng chưa được phát hiện chiếm 63,6%. Tỷ lệ này quá cao so với thế giới. Việt Nam đang phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống còn 50%. "Bởi vì bệnh ĐTĐ typ 2 tiến triển âm thầm trong cơ thể, người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi có những triệu chứng về lâm sàng. Theo nghiên cứu bệnh ĐTĐ có thể tiến triển âm thầm trong cơ thể từ 5-10 năm, thậm chí 12 năm sau mới phát bệnh", ThS.BS Phan Hướng Dương nói. Ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế, năm 2014, Việt Nam là quốc gia có số người mắc bệnh ĐTĐ nhiều nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, với gần 3,3 triệu người mắc. Đây là nguyên nhân đứng hàng thứ tư trên thế giới gây giảm tuổi thọ trung bình từ 5-10 năm và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, suy thận giai đoạn cuối và cắt cụt chi không do biến chứng. PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết, số người mắc bệnh ĐTĐ trên toàn thế giới đã tăng lên con số 382 triệu người. Riêng năm 2013, bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây ra tử vong cho 5,1 triệu người. Trung bình, cứ 6 giây có 1 người tử vong do nguyên nhân ĐTĐ và các biến chứng; cứ 20 giây có 1 người ĐTĐ bị biến chứng bàn chân, bị cắt cụt chi.
|