Việt Nam thắng đậm: Bạn còn tin đội tuyển nữa không?

on .

Bạn còn niềm tin dành cho đội tuyển nữa không? Nó là một câu hỏi tương đối “nhạy cảm” và chúng tôi đã “trốn” không hỏi nó sau trận hòa 2-2 thất vọng trước Indonesia ở ngày. Vậy sau chiến thắng đậm 3-0 trước Lào, người hâm mộ trả lời câu hỏi đó như thế nào?

Hòa vào đám đông rộn rã rời Mỹ Đình tối qua, tôi đã đến gần hỏi những người hâm mộ đội bóng áo đó về “niềm tin”, một cái gì đó rất mơ hồ và không có thật. Những câu trả lời đến khá rụt rè. Một bác 55 tuổi ở Hà Nội cho rằng “đội tuyển này giỏi làm vào được bán kết”. Một anh thanh niên đơn giản hơn, “cứ thắng là vui rồi!”


“Lối đá rời rạc và thiếu bản sắc” là những điều được ghi lại nhiều nhất. Dễ thấy, chiến thắng 3-0 trước Lào chỉ thuyết phục về mặt tỉ số. Lối chơi của đội tuyển vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đám đông.
Thực tế, trước chiến thuật “ruồi bâu” của Lào, các cầu thủ Việt Nam khó lòng thể hiện được bản sắc bằng các pha phối hợp nhóm nhỏ, bật nhả nhanh để xuyên phá. Họ buộc phải sử dụng nhiều đường chuyền bổng và nhiều pha tạt bóng từ hai cánh để khiến hàng phòng ngự đội bạn phải tạo kẽ hở. Lối chơi chưa đẹp mắt, nhưng đội bóng của ông Miura ít nhất cũng biết họ phải làm gì trong những trận đấu cụ thể.
Trở lại với câu chuyện “niềm tin”. Khán đài Mỹ Đình hôm qua được phủ xanh… màu ghế trống. So với trận đấu của tuyển U19 cách đây chưa lâu, đó là điều khá đáng buồn. Nhưng nó phản ánh đúng tâm tư của người hâm mộ với đội tuyển. Họ chưa tìm lại được niềm tin cho đội bóng áo đỏ.
Trận đấu với Indonesia lẽ ra đã là một “cú hích” lớn cho đội tuyển nếu không có 2 sai lầm lãng nhách của hàng thủ. Khi sự nghi ngờ vẫn tồn tại, những sai lầm sơ đẳng như thế đủ sức phá tan thiện cảm mà các cầu thủ áo đỏ tạo ra trước đó.


Chuyện tương tự tái diễn ở trận gặp Lào cho dù tuyển Việt Nam không phải trả giá vì bất cứ sai lầm nào. Cuối hiệp 1, những tiếng la ó xuất hiện rải rác trên sân sau một loạt đường chuyền hỏng, các pha xử lý lỗi vô duyên của các cầu thủ áo đỏ. Xin nhắc lại, đó là những tiếng la ó, huýt sáo và thậm chí là chửi bới. Không có tình yêu vô điều kiện của người hâm mộ dành cho đội tuyển như cho đội U19. Khi các em U19 xử lý lỗi, các tràng vỗ tay động viên vang lên. Khi các tuyển thủ chuyền hỏng, những tiếng xì xào xuất hiện.

Rõ ràng, để lấy lại niềm tin của đám đông thì kết quả không phải điều quan trọng nhất. Thái độ cầu tiến và sự chỉn chu trong từng đường bóng, từng pha phối hợp mới là điều được ghi nhận hơn cả. Ngay các đường chuyền ngắn ở sân nhà, các cầu thủ còn làm chưa xong, thì nói gì đến một lối chơi tấn công mạch lạc và chiếm được thiện cảm của người xem?
Lòng tin giống như một tờ giấy, một khi nó đã bị nhàu nát thì không bao giờ được phẳng phiu trở lại.

Lẫn trong tiếng hò reo chiến thắng, đâu đó lại có tiếng xì xầm. Có điều gì đó không ổn trong cách ăn mừng bàn thắng của các tuyển thủ cuối hiệp 2. Sự mệt mỏi nhiều hơn vui mừng, cả Công Vinh và Huy Hùng. Trong khi các cổ động viên có mặt trên sân vẫn hô vang “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!” sau mỗi đường bóng đẹp, họ chờ đợi nhiều hơn sự hạnh phúc từ các tuyển thủ, cho dù những bàn thắng đó đến trong sự mệt mỏi về thể lực và không còn quá quan trọng, thì cảm xúc vẫn là điều gì đó cần được đáp lại.


“Những gì bạn thực sự tin tưởng bằng tất cả cảm xúc sẽ trở thành hiện thực”. Đó là “quy luật niềm tin” và có lẽ là những gì tuyển thủ nên nhớ đến ở thời điểm này. Họ cần cho mọi người thấy sự tin tưởng và tình yêu chân thành với chính màu áo đỏ đang mặc, trước khi “đòi hỏi” hay hy vọng điều đó từ đám đông. Thi đấu cho đội tuyển không phải là nghĩa vụ, giành chiến thắng càng không phải là nhiệm vụ đơn thuần. Chỉ đến khi đó, người hâm mộ mới phải thôi hỏi nhau: Bạn còn tin đội tuyển nữa không?
 
Nguồn: http://www.baomoi.com/Viet-Nam-thang-dam-Ban-con-tin-doi-tuyen-nua-khong/87/15360270.epi