NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Doanh nghiệp 'khát' nhân lực chất lượng cao

on .

Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM tiếp tục phát triển nhanh theo hướng tăng nguồn lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực này tại các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Khảo sát tại các doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm ở TP HCM có thể thấy, đa phần các DN quan tâm tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Đào tạo đã khó, giữ người càng khó hơn

Cụ thể, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCMdự báo năm 2018, TP có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc, tăng bình quân 5% so với năm 2017; trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới, tăng 4% so với năm 2017. Nhu cầu lao động là công nhân (CN) kỹ thuật lành nghề - trung cấp chiếm 40,7%; lao động có trình độ cao đẳng chiếm 15,66%; lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 19,49%… Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao là: Dệt may, giày da, chế biến lương thực thực phẩm, thương mại, dịch vụ vận tải - cảng - kho bãi, nhân viên kinh doanh - dịch vụ phục vụ, thủ công mỹ nghệ, điện tử - công nghệ thông tin...

Theo ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP HCM (Yes Center), cứ 100 DN đăng ký phỏng vấn với hơn 10.000 đầu việc thì có 75 - 80% tuyển dụng lao động có tay nghề cao như thương mại, kỹ thuật, kế toán, công nghệ thông tin, môi trường, thu ngân...  Dưới góc độ của DN, bà Bùi Thị Lan Oanh, Phó trưởng Phòng nhân sự Công ty CP kỹ nghệ lạnh (Searefico) cho biết, đơn vị này đang tuyển nhiều vị trí giám sát, bảo trì, thi công cơ điện... với yêu cầu 100% người lao động (NLĐ) có tay nghề, trình độ cao. Do đó, ngoài việc liên kết với các trường như Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghiệp, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng... công ty thường xuyên tổ chức đào tạo bồi dưỡng để NLĐ kịp thời nắm bắt, vận hành những thiết bị công nghệ mới.

Doanh nghiệp khát nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1.

Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh trong giờ thực hành về kỹ thuật cơ khí. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, điện thoại di động, máy tính bảng... kéo theo xu hướng tuyển dụng nhân lực trong chuyên ngành Digital marketing. Nhu cầu nhân lực tăng cao ở một số nhóm ngành như công nghệ thông tin tập trung tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực: Phân tích dữ liệu, bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Bên cạnh đó, thương mại điện tử phát triển mạnh sẽ thu hút nhiều nhân lực và xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp mới, nên nhu cầu nhân lực gia tăng ở các ngành vận tải, dịch vụ thu hộ. Các cơ chế, chính sách thành phố cũng thu hút đầu tư của các công ty nước ngoài nên rất cần nguồn lực phiên dịch chất lượng cao...

Tuy nhiên theo ông Tuấn, hạn chế chung là thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, còn chênh lệch cung – cầu lao động về số lượng (như ở nhóm ngành nghề: công nghệ kỹ thuật, nông lâm, kinh tế - tài chính, dịch vụ du lịch...), đặc biệt là chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Chính vì thế, nghịch lý đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Thực tế, lao động có tay nghề những năm gần đây luôn thiếu hụt và thường có xu hướng dịch chuyển. Bà Nguyễn Thị Anh Thu, Chánh văn phòng Hội DN cơ khí – điện Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, NLĐ thường dịch chuyển tìm những vị trí làm việc có mức lương và chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc có tính chuyên môn cao và phải có ứng xử văn hóa trong DN. "DN đào tạo được CN có tay nghề đã khó, nhưng giữ chân họ ở lại với DN càng khó"- bà Anh Thu chia sẻ.

Doanh nghiệp tìm hướng đi riêng

Hiện nay mức độ cạnh tranh của các DN diễn ra ngày càng khốc liệt. TP HCM đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến phát triển TP trở thành đô thị thông minh, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực do đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, quốc tế và nhiều dự án khởi nghiệp cũng sẽ xuất hiện... Vì vậy, tại TP yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ, có tay nghề trở nên cấp thiết. Theo đó, nhiều DN đã có những hướng đi riêng để có được nguồn nhân lực tương xứng.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố), nhiều DN đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo và tuyển dụng lao động theo đúng yêu cầu phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, các DN cũng ý thức việc "giữ chân" NLĐ bằng sự hài hòa, đôi bên cùng có lợi; thực hiện các giải pháp cơ bản, đảm bảo việc làm ổn định; cải thiện chế độ lương, phúc lợi; chính sách chăm lo tết chu đáo... tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ có việc làm ổn định và có cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Ông Ngô Gia Diệu, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty TNHH Tai Nan International Việt Nam chia sẻ, dù rất cần lao động có tay nghề, nhưng do thiết hụt nên DN phải tuyển lao động phổ thông, sau đó tổ chức hướng dẫn, đào tạo nghề bổ sung, đào tạo nâng cao nhằm đáp ứng đúng các quy trình của hệ thống sản xuất mới.

 

Trong quá trình phát triển, nhiều DN đã tập trung cải tiến, đầu tư trang thiết bị hiện đại theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nên rất cần đội ngũ công nhân kỹ thuật, NLĐ có tay nghề cao để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng tình với các giải pháp trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết: TP cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành, gắn kết nhu cầu sử dụng lao động…; qua đó, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của DN.

Phải có chiến lược sử dụng lao động

Về lâu dài, ông Tuấn cho rằng TP HCM cần đẩy mạnh kết nối cổng thông tin hướng nghiệp – thông tin đào tạo – việc làm với các tỉnh, thành, khu vực và quốc gia. Đồng thời, TP thực hiện điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm và học nghề; hướng dẫn hỗ trợ các DN hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn. "Đã đến lúc TP và các DN cần nhìn xa hơn về chiến lược sử dụng lao động, coi điều kiện lao động tốt là yếu tố giúp gia tăng cạnh tranh và đem lại lợi nhuận", ông Tuấn nhấn mạnh.  

Thanh Vũ (TTXVN)