5 bài học lãnh đạo từ các công ty khởi nghiệp thành công
Uber, Whatsapp, Airbnb... là điển hình của những công ty khởi nghiệp thành công, từ điểm xuất phát là công ty nhỏ, ít vốn, thậm chí thua lỗ và đứng bên bờ vực phá sản. Một trong những lý do đưa họ trở thành doanh nghiệp tỷ đô chính là các quyết định sáng suốt của nhà lãnh đạo.
Mọi doanh nghiệp thành công đều có bài học lãnh đạo quan trọng để chia sẻ, đó là lý do tại sao việc bạn dành thời gian để lắng nghe họ lại quan trọng như vậy.
Cho phép các cá nhân đóng góp
Còn hơn cả một công ty xe taxi, Uber đã khiến chúng ta thay đổi cách nghĩ về việc đi lại. Công ty có sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự cộng tác với các công ty như American Express và AT&T. Dịch vụ chia sẻ chuyến đi đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay, biến những người tài xế hàng ngày thành các lái xe taxi.
Bài học ở đây là lôi kéo và lắng nghe mọi người xung quanh bạn. Giống như Uber, bạn nên để những người xung quanh đóng góp, bất kể vị trí, công việc của họ là gì.
Trước khi bắt đầu một dự án lớn, hãy tạo ra chính sách mở để mọi người đều có thể đóng góp ý kiến. Hãy tổ chức một buổi họp kích não và nói rõ từ đầu là không có câu trả lời đúng nào cả, mọi ý kiến đều có giá trị. Hãy tạo ra một nền văn hóa, mà ở đó việc đưa ra một thứ gì đó có ý nghĩa tốt hơn là việc làm đúng, từ đó tạo ra sự đổi mới.
Vẫn cần đến các chuyên gia
Apple đã khiến mọi người ngạc nhiên khi mua lại công ty nhạc Beats với giá 3 tỷ đô la. Theo CEO Tim Cook, Apple nhận thấy Beats vượt trội về cả công nghệ âm nhạc và cách sắp xếp nội dung phù hợp với nhu cầu của người dùng. Trong khi đó, các công ty như Beats đang rất cần đến các chuyên gia chuyên nghiệp như của Apple để tiếp thị sản phẩm của họ đến khách hàng rộng rãi hơn.
Dù cả Apple và Beats đều sở hữu những công nghệ tuyệt vời nhưng họ vẫn cần sự bổ sung cho nhau, hướng đến những nhu cầu, sở thích của con người nhiều hơn với tham vọng thống lĩnh được thị trường.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố con người luôn rất quan trọng. Những công nghệ tuyệt vời, hoàn hảo không thể thay thế cho những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm.
Đừng ngại thay đổi
Trở lại với thời một tweet còn chứa 140 ký tự, đã từng có dịch vụ postcast (podcast là một đoạn âm thanh có kết nối với một luồng dạng thức RSS) có tên gọi là Odeo. Khi kho nhạc của Apple iTunes gia nhập trò chơi podcasting, đội ngũ Odeo hiểu rằng họ phải tạo ra một thay đổi. Mọi người cùng ngồi lại và tạo ra dịch vụ viết blog Twitter, một trong những mạng xã hội lớn nhất hiện nay.
Twitter thành công vì đã tìm ra một đội nhóm không sợ đón nhận cơ hội lớn và tạo ra sự thay đổi. Không phải mọi thứ trong cuộc sống, công việc của bạn đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Đôi khi các dự án hoặc những sáng kiến mới không cất cánh được và bạn cần tiến lên, tạo ra một điều gì đó lớn lao hơn.
Những nhà lãnh đạo lớn biết khi nào cần thay đổi thay vì cứ ngang bướng chiến đấu trong cuộc chiến cầm chắc phần thua. Lãnh đạo có nghĩa là biết khi nào phất cờ và khi nào cần lắng nghe ý kiến tốt hơn.
Cải tiến cả những thứ không bị hỏng
Soạn tin nhắn là một trong những trò tiêu khiển ưa thích của chúng ta. Thực tế là 91% người Mỹ luôn mang theo điện thoại 24/7. Thế nhưng WhatsApp đã cho thấy họ có thể thay đổi cách nhắn tin truyền thống và mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho người dùng. Do đó, dịch vụ này nhanh chóng phổ biến và khiến việc giao tiếp với bạn bè xa gần trở nên dễ dàng hơn. Facebook đã nhận ra điều này và mua lại ứng dụng Whatsapp với giá 19 tỷ đô la.
Bạn dễ hài lòng, ngừng đặt câu hỏi, không thực sự cải tiến những thói quen, hành vi quá quen thuộc. Thế nhưng, bạn cần nhớ rằng luôn có những cách tốt hơn để làm mọi việc.
Hãy đảm bảo rằng đội ngũ của bạn biết tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi với mọi thứ. Hãy thoải mái phá vỡ những cách làm thông thường đối với mọi việc và khiến bản thân cởi mở đón nhận các ý tưởng mới.
Kết nối với những người khác
Nếu bạn đang đi du lịch và cần một chỗ để nghỉ, thì có vô số người sẽ giới thiệu bạn với một người bạn hoặc người quen. Airbnb – Dịch vụ đăng ký cho thuê phòng trực tuyến, đã đưa trải nghiệm này lên một mức độ hoàn toàn mới, cho phép mọi người cho các du khách thuê nhà, căn hộ và phòng ở. Mô hình này nhanh chóng trở nên phổ biến, ngày nay công ty đã tiếp nhận khoảng 15 triệu lượt đặt chỗ trước.
Bài học từ Airbnb là sự kết nối. Là một nhà lãnh đạo, trở thành một nguồn kết nối xã hội là công cụ có sức mạnh nhất của bạn. Bạn cần kết nối với những người trong nhóm về kiến thức, các mục tiêu của họ. Trong mạng lưới của bạn, đừng ngại giúp hình thành các mối quan hệ giữa mọi người.
Nếu bạn biết người sáng lập doanh nghiệp đang tìm kiếm các mối quan hệ mới, hãy kết nối những người này với nhau. Trở thành cầu nối giữa các mối liên hệ xã hội sẽ khiến bạn trở thành một phần trong các câu chuyện thành công và sẽ khiến những cá nhân này sẵn sàng đưa tay giúp đỡ khi bạn cần trong tương lai.
Theo Hoclamgiau/BusinessInsider