Cán bộ, công chức TP.HCM rộn niềm vui tăng thu nhập

on .

Cán bộ, công chức TP.HCM có niềm vui lớn vào những ngày cuối năm 2018 khi họ sắp được lãnh thu nhập tăng thêm, được chi theo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Cán bộ, công chức TP.HCM rộn niềm vui tăng thu nhập - Ảnh 1.

Cán bộ, công chức Phòng Nội vụ UBND huyện Nhà Bè TP.HCM đang thảo luận công việc - Ảnh: TỰ TRUNG

Dù tiền chưa đến tay nhưng theo tính toán của nhiều cán bộ, công chức, nếu kết quả làm việc được đánh giá hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, tổng thu nhập tăng thêm trong quý 2 và quý 3-2018 mà mỗi người sắp được lãnh có thể hơn chục triệu đồng.

TP có chủ trương chi thu nhập tăng thêm, chúng tôi rất phấn khởi, có thêm mục tiêu phấn đấu và động lực để gắn bó lâu dài với cơ quan. Nhiều hôm việc ở cơ quan làm không hết, tôi còn chủ động đem về nhà làm

Chị NGUYỄN THỊ THÚY AN (chuyên viên phòng Nội vụ, UBND huyện Nhà Bè)

Chuyển động trong công việc

Những ngày cuối năm, dù công việc bộn bề nhưng tại rất nhiều công sở ở TP.HCM vẫn rộn niềm vui. Chị Dương Thị Cẩm Hồng, công chức tư pháp - hộ tịch phường Thạnh Lộc (Q.12) chia sẻ vừa được đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong quý 2 và quý 3 để xét thu nhập tăng thêm.

Với một quý hoàn thành tốt, một quý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chị Cẩm Hồng nhẩm tính khoản thu nhập tăng thêm của mình cũng khá. 

"Công việc ở phường rất bận rộn, có khi phải kiêm nhiệm nhiều việc mà đồng lương thì hạn chế. Cho nên từ lúc nghe TP được trung ương cho thí điểm chính sách đặc thù, được chi thêm thu nhập cho đội ngũ thì anh chị em ở phường rất trông đợi. Mọi người bảo nhau cố gắng làm việc để được đánh giá tốt, cuối năm có thêm một khoản tiền. Đó cũng là động lực, vừa là sự ghi nhận cố gắng của mỗi người" - chị Hồng nói.

Chị Ngọc H., một công chức thuộc Q.Tân Phú cũng đang rất mong chờ khoản thu nhập tăng thêm mà chị và những đồng nghiệp trong phòng đã nhẩm tính được khoảng gần 13 triệu đồng/người. Chị chia sẻ: "Với đồng lương công chức mà cuối năm có thêm khoản tiền này là sự động viên to lớn".

Ngay từ cuối tháng 9, khi UBND TP.HCM ban hành quy định về đánh giá cán bộ công chức để xét thu nhập tăng thêm, quận đã triển khai xuống các phường, các đơn vị. Ngoài việc tự chấm điểm cho mình, chị Ngọc H còn chấm điểm cho những người cùng phòng. 

Theo chị Ngọc H, việc đánh giá hiệu quả công việc theo từng quý khiến mọi người đều phấn khởi, bởi trước đây đánh giá theo từng năm, nếu không may bị kỷ luật thì dù cố gắng đến mấy cũng coi như cả năm đó sẽ không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Còn với hình thức này, kỷ luật quý nào tính vào quý đó, nếu lỡ phạm sai lầm càng khiến anh em cố gắng phấn đấu hơn ở quý sau.

Chị Nguyễn Thị Thúy An, chuyên viên phòng Nội vụ, UBND huyện Nhà Bè, người vừa được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho biết: Từ trước đến nay đời sống của anh chị em cán bộ, công chức ở huyện hầu như đều rất khó khăn, nhiều người ngoài giờ làm việc còn phải làm thêm bên ngoài mới đủ trang trải. 

Như bản thân chị, với hệ số lương 2,67- thu nhập thực lãnh hàng tháng chỉ tầm 4,7 triệu đồng thì chỉ riêng tiền cho đứa con nhỏ 3 tuổi đi học cũng đã gần hết, nếu không nhờ gia đình phụ giúp thêm thì không thể đủ sống.

"Mọi người ai cũng mong làm thật tốt công việc để tạo sự chuyển biến tích cực, để sau thời gian thí điểm thì Quốc hội sẽ cho TP tiếp tục thực hiện đề án này lâu dài. Khi đó, đời sống của cán bộ, công chức cấp cơ sở sẽ ổn định hơn" - chị An tâm sự.

Cán bộ, công chức TP.HCM rộn niềm vui tăng thu nhập - Ảnh 3.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Đánh giá phải công bằng, thực chất

Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện Nhà Bè chia sẻ rằng thời gian đầu khi triển khai việc đánh giá chất lượng công việc để làm cơ sở chi thu nhập tăng thêm, nhiều lãnh đạo cấp phòng rất lo lắng, áp lực. 

 

Việc trao trách nhiệm đánh giá nhân viên cho lãnh đạo phòng dễ tạo cho anh em cảm giác bị sếp "theo dõi", canh chừng. Rồi kết quả đánh giá cũng ảnh hưởng đến thu nhập của từng người, mỗi mức độ hoàn thành khi quy ra thu nhập tăng thêm có độ chênh lệch đến tiền triệu- đó là số tiền không nhỏ so với mặt bằng tiền lương của cán bộ công chức.

Theo ông Năm, quy định về chi thu nhập tăng thêm của TP không khống chế tỉ lệ số người được hưởng, nghĩa là nếu 100% cán bộ công chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì đều được thêm tiền. 

Đây là điểm cởi mở, nhưng cũng dễ tạo tâm lý xuê xoa, cào bằng, đánh giá tốt đều để ai cũng có phần. Do vậy ngay từ đầu, lãnh đạo huyện đã xác định rất rõ quyền đánh giá và trách nhiệm đánh giá của lãnh đạo phòng, ban, yêu cầu đánh giá phải công tâm, công bằng, thực chất. 

Nếu đánh giá mà tạo ra dư luận so bì, làm nội bộ mất đoàn kết, mất động lực thì người đánh giá phải chịu trách nhiệm. Người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải thật sự nổi trội trong công việc.

"Điểm thuận lợi là từ 2 năm nay, dù chưa có quy định của TP thì huyện Nhà Bè cũng đã thực hiện đánh giá hiệu quả công việc hàng quý, thay vì định kỳ nửa năm. Cho nên khi triển khai đề án về thu nhập tăng thêm, mọi người không bỡ ngỡ. Kết quả đánh giá của quý 2, quý 3 năm 2018 đều được tất cả đồng thuận, kể cả những trường hợp không đạt tiêu chuẩn hưởng thu nhập tăng thêm" ông Năm thông tin.

Tới thời điểm chiều 26-12, một số quận huyện đã hoàn thành việc đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ công chức, viên chức để hưởng thu nhập tăng thêm. 

Ông Nguyễn Tùng Khương, trưởng phòng Nội vụ Q.Tân Bình cho biết đến nay, 12 phòng ban, 9 đơn vị sự nghiệp, 15 phường, với 63 trường học trong quận đã đánh giá xong, cán bộ công chức viên chức đều đồng tình.

"Chúng tôi làm rất kỹ, việc đánh giá hiệu quả công việc cũng thuận lợi, do quận đã duyệt đề án vị trí việc làm, bản mô tả công việc của từng công chức, nên khi căn cứ theo đó để đánh giá rất cụ thể, rõ ràng. 

Có 4 đơn vị đánh giá 100% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phòng nội vụ cũng có thẩm định, làm việc lại với các đơn vị này, nhưng họ bảo vệ quan điểm. Còn lại ở phần lớn các đơn vị khác cũng có trường hợp chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ" - ông Khương nói.

Kinh phí năm 2018 khoảng 3.200 tỉ đồng

Theo thông tin từ Sở Tài Chính TP, tính đến ngày 26-12, kinh phí chi thu nhập tăng thêm của quý 2, quý 3-2018 đã được chuyển về cho các quận, huyện. Các địa phương đang lên kế hoạch chuẩn bị giao đến tay cán bộ công chức.

TP đã tính toán chuẩn bị đủ nguồn để chi cho việc này. Tổng dự toán kinh phí chi thu nhập tăng thêm trong năm 2018 khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong đó khối quận huyện gần 2.000 tỷ đồng, khối hành chính sự nghiệp khoảng 1.200 tỷ đồng.

Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm giai đoạn 2018 - 2020

2018: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ

2019: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ

2020: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ

Cần điều chỉnh để đánh giá đúng hơn

Ở các quận huyện khác như Bình Tân, quận 1, quận 7 cũng đang rất tích cực hoàn thiện việc đánh giá để cán bộ công chức viên chức có thể sớm nhận được khoản thu nhập tăng thêm. Quận 12 cũng vừa đánh giá xong, đang chuẩn bị để xúc tiến việc chi trả tiền cho cán bộ công chức viên chức trong quận.

Một chủ tịch UBND phường ở quận 12 cũng đánh giá chủ trương chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức đã tạo ra một sự chuyển biến thấy rõ ở các vị trí công việc. Một số anh em trẻ, mức lương chưa cao nên càng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để được hưởng mức tối đa.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng quy định về đánh giá cán bộ, cũng như cơ sở xét thu nhập tăng thêm cần được tổng kết và hoàn thiện sau thời gian thí điểm. Cụ thể, khung đánh giá hoàn thành xuất sắc nên thu hẹp lại, từ 90-100 điểm thay vì 80-100 điểm như hiện nay.

Ngoài ra, căn cứ để tính thu nhập tăng thêm là tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Như vậy những người có hệ số lương cao (do thâm niên, người sắp về hưu) sẽ được nhận thu nhập tăng thêm nhiều, dù mức độ hoàn thành nhiệm vụ có thể thấp hơn so với người trẻ năng nổ.

Cần có sự điều chỉnh cách đánh giá để phản ánh đúng hơn hiệu quả công việc. Do vậy, đề xuất TP quy định theo hướng nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được hưởng 2 lần lương tối thiểu, còn nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ thì thấp hơn, có thể là 1,5 lần mức lương tối thiểu, như vậy sẽ có tác dụng khuyến khích hơn.

Người thủ trưởng phải công tâm, chính xác

Trước tiên, thu nhập tăng thêm là một chủ trương đúng đắn, tạo động lực cho cán bộ công chức TP.HCM làm việc tốt hơn, bởi từ trước tới nay TP.HCM luôn là nơi mà cán bộ công chức phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều hơn những địa phương khác gấp nhiều lần.

Để làm tốt chủ trương này, điều cần nhất là đánh giá hiệu quả công việc sao cho thực chất, tránh cào bằng. Việc bình xét, bỏ phiếu đánh giá cho nhau theo tôi nó mang tính hình thức, khó tránh khỏi việc nể nang, dĩ hòa vi quý.

Đề án vị trí việc làm, thực hiện tiêu chuẩn ISO… nếu làm tốt cũng giúp ích rất nhiều cho việc đánh giá cán bộ công chức cho thực chất. Ngoài ra, theo tôi nên xây dựng những cam kết phục vụ cộng đồng cụ thể để người dân, truyền thông có thể căn cứ vào đó mà phản biện và giám sát.

Theo quy định, cán bộ công chức tự chấm điểm, đồng thời đánh giá cả đồng nghiệp, sau đó thủ trưởng là người chịu trách nhiệm đánh giá các nhân viên trong đơn vị mình.

Việc này càng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phải công tâm, làm cho chính xác, còn nếu thiên vị, cảm tính có thể gây mất đoàn kết, đơn vị sẽ thụt lùi. Hiệu quả công việc của đơn vị không tốt thì người đứng đầu cũng không thể được đánh giá cao.

Ông DIỆP VĂN SƠN (chuyên gia cải cách hành chính)

Nên tham khảo khu vực tư nhân

Trước hết phải khẳng định việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương hay, đúng đắn của TP nhằm tạo động lực thi đua, lao động, sáng tạo, góp phần hạn chế chảy máu chất xám trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt đối với khối đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.

Để việc chi thu nhập tăng thêm tránh được tình trạng cào bằng thì phải đánh giá cán bộ thực chất. Muốn đánh giá cán bộ thực chất, điều quan trọng nhất chính là bộ công cụ thang đo, thước đo nhằm định lượng, đo lường hiệu quả công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Trước hết, cần hoàn chỉnh quy định cụ thể về mô tả công việc, vị trí việc làm của từng cá nhân, đơn vị.

Nếu thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu từng bộ phận không có phương pháp, công cụ đánh giá mang tính định lượng thì việc đánh giá dễ rơi vào định tính, cảm tính, dẫn đến hai khả năng tiêu cực: Một là đánh giá kiểu "dĩ hòa vi quý, được anh được tôi, được chúng ta". Hai là đánh giá thiếu công bằng, tạo nên bè phái, gây mất đoàn kết, chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, triệt tiêu động lực phấn đấu, vô hình trung gây hiệu ứng "phản tác dụng" của thu nhập tăng thêm.

Tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị, xã hội nên quan tâm, tham khảo cách đánh giá hiệu quả công việc của khu vực tư nhân.

Tư nhân họ đã làm rất tốt việc này thông qua hệ thống K.P.I (Key Performance Indicator-chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động cá nhân, bộ phận theo hướng mô tả từng vị trí việc làm cụ thể, quy đổi công việc thành khối lượng, đầu việc cụ thể để có thể định lượng, đánh giá công khai, chính xác.

TS NGUYỄN HỮU SƠN (giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM)

MAI HƯƠNG - MAI HOA

 

Nguồn: https://tuoitre.vn/can-bo-cong-chuc-tp-hcm-ron-niem-vui-tang-thu-nhap-20181227202737352.htm