Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Chống dịch như chống giặc'

on .

Một khẩu hiệu đặt ra là "chống dịch như chống giặc" để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả heo châu Phi, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh thành của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chống dịch như chống giặc - Ảnh 1.

TP.HCM kiểm soát chặt kiểm tra thú y tại các chợ và tuyên truyền để người kinh doanh hợp tác chống dịch. Trong ảnh: Ban an toàn thực phẩm TP kiểm tra thịt vào chợ đầu mối Hóc Môn - Ảnh: NG.TRÍ

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi (DTHCP) diễn ra sáng 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền để người dân không hoang mang, bán tháo heo hay quay lưng với thịt heo sạch. 

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), DTHCP đến nay xảy ra tại 202 hộ ở 7 tỉnh, TP (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Phải xắn tay áo vào cuộc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định: "Một khẩu hiệu đặt ra là "chống dịch như chống giặc" để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả DTHCP, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh thành của VN".

Thủ tướng cho rằng nếu chúng ta có biện pháp ngăn chặn tốt, kịp thời hơn, dịch không lây lan rộng. Như Trung Quốc với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng ta.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTHCP. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng chống DTHCP tại địa phương mình quản lý.

Các cấp, các ngành theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc bao gồm: cử cán bộ, cung cấp phương tiện, có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời. Ví dụ, Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương.

Bộ Thông tin - truyền thông phải đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này để không gây hoang mang và quay lưng với thịt heo sạch. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế, không vận chuyển heo vào Nam, nhất là khu vực có dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy heo. Đồng thời, đồng ý theo đề xuất của Bộ NN&PTNT là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và mức cao hơn đối với heo giống.

Về định hướng phương pháp tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ giao kinh phí hỗ trợ cho địa phương tổ chức thực hiện, tự chịu trách nhiệm là tốt nhất. Nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tránh tình trạng "tiêu hủy 5 con heo thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch".

Đề xuất cấm vận chuyển heo từ Bắc vào Nam

Ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết từ ngày 15 đến 26-2, các cơ sở tiếp nhận của TP đã tiếp nhận 1.497 con heo từ các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An... nhập về giết mổ, tiêu thụ tại TP.HCM.

 

Heo ở các tỉnh phía Bắc còn được đưa vào các cơ sở giết mổ ở các tỉnh như Vĩnh Long 300 con/ngày, Long An 800 con/ngày rồi cung cấp thịt cho thị trường TP.HCM.

Quá trình dịch chuyển nguồn heo từ Bắc vào Nam sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ Bắc vào Nam. Vì vậy, ông Tuyến đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có biện pháp kiên quyết kiểm dịch từ khu vực các tỉnh có dịch sang các khu vực chưa có dịch bệnh.

Cần lập chốt kiểm dịch ở đường độc đạo từ khu vực miền Trung và cấm vận chuyển heo từ Bắc vào Nam, đặc biệt là từ vùng có DTHCP, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng vào khu vực phía Nam.

TP cũng đề nghị các tỉnh phía Nam tạm dừng hoạt động các vựa mua bán heo để tránh trường hợp thương nhân hợp thức hóa nguồn gốc heo bệnh.

Ông Đậu Ngọc Hào - chủ tịch Hội Thú y VN - cũng cho rằng cần có biện pháp quyết liệt hơn như tăng cường chốt kiểm dịch ở miền Trung, các tỉnh Đông Nam Bộ để ngăn chặn dịch lây lan ra các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các vựa chăn nuôi heo như Đồng Nai, Bình Dương.

Những câu hỏi Thủ tướng đặt ra tại hội nghị

* Nguyên nhân thực sự của dịch bệnh là do vận chuyển, tiêu thụ hay do phát tán, tiêu hủy không đảm bảo? Có hiện tượng người chăn nuôi che giấu dịch bệnh không? Giải pháp sắp tới là gì?

* Tại sao có hiện tượng thương lái gia tăng số lượng vận chuyển heo từ Bắc vào Nam, có phải đây là nguyên nhân dịch đi sâu vào các tỉnh phía Nam hay không?

* Quy định mức hỗ trợ và các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch đã phù hợp chưa? Nếu chưa thì cần đề xuất giải pháp nào?

* Cần phải làm gì để củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống thú y đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh trong hoàn cảnh hiện nay?

Chưa phát hiện có việc giấu dịch

 

dịch heo

Một chốt kiểm dịch tại khu vực cầu Tân Đệ, tỉnh Thái Bình kiểm tra xe chở vật nuôi từ Thanh Hóa ra chiều 4-3 - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến nội dung Thủ tướng đề cập vấn đề có hay không chuyện người dân và địa phương giấu DTHCP tại cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo ngành NN&PTNT của Hải Phòng, Hải Dương và Thanh Hóa đều khẳng định tại địa phương mình chưa phát hiện có việc giấu dịch.

Ông Phạm Văn Lập - giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng - cho rằng khả năng người dân giấu dịch là khó bởi càng giấu thì họ càng bị mất quyền lợi được hưởng hỗ trợ của Nhà nước.

T.THẮNG - H.ĐỒNG

Sàng lọc nhà cung cấp

Giá heo hơi bán ra tại chuồng ở miền Nam giảm liên tục sau khi thông tin dịch xuất hiện.

Tuy nhiên, theo thông tin từ người nuôi, 2 ngày qua (3 và 4-3) mức giá giữ ổn định ở mức 49.000-51.000 đồng/kg, thấp hơn 4.000-5.000 đồng/kg so với mức cao trước đó.

Theo ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá giảm do nguồn cung bán ra nhiều, thương lái ép giá vì ảnh hưởng xấu từ thông tin dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của hộ chăn nuôi, ở mức giá này người nuôi vẫn có lãi phổ biến từ 10.000-13.000 đồng/kg heo bán ra. Đặc biệt, giá heo miền Nam vẫn cao hơn nhiều nơi miền Bắc gần 10.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đăng Phú - phó tổng giám đốc Công ty Vissan - cho biết sức mua giảm nhẹ nhưng lượng thịt heo tươi sống bán ra thị trường của đơn vị vẫn ổn định với 60 tấn/ngày.

Theo ông Phú, để đảm bảo lượng thịt này, đơn vị đã sàng lọc các nhà cung cấp nhằm đảm bảo thịt đủ tiêu chuẩn.

NGUYỄN TRÍ 

CHÍ TUỆ