Top 8 câu chuyện công nghệ của năm 2014
Năm qua, dường như tất cả các ông lớn đều điên đảo đối phó với các tân binh mới nổi, hoặc bỏ tiền mua lại như Facebook đã làm với WhatsApp, hoặc tái cơ cấu lại để cạnh tranh như hướng của HP và Microsoft. Cũng có trường hợp tất cả "chĩa súng" vào một tân binh để khai hỏa, theo kiểu các hãng taxi đang tấn công Uber vậy.
Dưới đây là những câu chuyện công nghệ đáng chú ý nhất năm qua, theo bình chọn của PCWorld:
1. Satya Nadella chỉnh lái con thuyền Microsoft thời hậu PC
Lên thay cựu Tổng giám đốc Steve Ballmer từ hồi tháng 2, Satya Nadella phải đối mặt với những sự thật chẳng lấy gì làm vui vẻ. Có thể kể ra: Windows chỉ còn chạy trên 15% số thiết bị điện tử của cả thế giới (tính cả smartphone, tablet và PC), đồng nghĩa với việc Microsoft không còn là trung tâm của trải nghiệm điện toán của người dùng nữa.
Để thích nghi với hoàn cảnh mới, Nadella tuyên bố muốn Microsoft trở thành một công ty của "nền tảng và ứng dụng doanh nghiệp", trong một thế giới "di động và đám mây đi đầu". Dưới thời ông, Microsoft đã tung ra Office dành cho iPad, chào đón những phần mềm nguồn mở chạy trên đám mây Azure. Bản beta của Windows 10 cũng đã ra mắt, hứa hẹn chấm dứt tình trạng lẫn lộn, bùng nhùng mà Windows 8 từng gây ra cho người dùng. Không lâu sau khi thương vụ thâu tóm Nokia hoàn tất, Nadella thông báo sa thải 18.000 nhân sự, tương đương với 14% lực lượng lao động toàn cầu của hãng. Những thay đổi này dường như đã có hiệu quả. Doanh thu quý mới nhất của Microsoft khá ổn khi tăng trưởng 25% so với cùng kỳ lên 23,2 tỷ USD, dù lợi nhuận có bị ảnh hưởng bởi vụ mua lại Nokia.
2. HP tách đôi thành 2 công ty
Sự linh hoạt dường như còn quan trọng hơn cả quy mô trong bối cảnh hiện nay. Trái ngược hoàn toàn với định hướng của Tổng giám đốc Meg Whitman cách đây 3 năm, HP đã bất ngờ thông báo sẽ chặt đôi thành hai công ty hồi tháng 10 vừa qua, một công ty chuyên về PC còn công ty kia chuyên về máy in và sản phẩm doanh nghiệp.
Hẳn những ai gắn bó với HP vẫn nhớ rằng, khi bà Whitman lên nắm quyền thay cựu CEO Leo Apotheker năm 2011, bà từng dìm hàng thẳng thừng ý tưởng tách đôi HP của người tiền nhiệm và khẳng định, PC mới là chìa khóa quyết định mối quan hệ gắn bó dài lâu với khách hàng. Nhưng càng ngày thì việc chia tách càng trở thành chiến lược phổ biến của các đại gia công nghệ lâu đời. IBM giờ đây chỉ còn tập trung vào công nghệ và dịch vụ doanh nghiệp sau khi bán lại bảng PC cách đây vài năm và tiếp đến là mảng máy chủ cho Lenovo. Hãng bảo mật Symantec cũng thông báo sẽ chia tách mảng lưu trữ phần mềm - vốn được hãng này mua lại cách đây 10 năm từ Veritas Software với giá 13,5 tỷ USD.
3. Uber trên ghế nóng
Những thách thức về mặt pháp lý và cách cư xử tồi tệ của ban lãnh đạo Uber không thể phủ nhận được thực tế rằng dịch vụ này đã có một năm tăng trưởng bùng nổ và sự định giá cao chót vót trên mây. Nhiều người thậm chí còn coi Uber là biểu tượng, là gương mặt đại diện cho cái gọi là "nền kinh tế chia sẻ", với những phân nhánh như dịch vụ đi chung, dịch vụ mua chung....
Công bố đợt huy động vốn trị giá tới hàng tỷ USD mới đây, Tổng giám đốc Travis Kalanick tuyên bố Uber đã hoạt động tại 190 thành phố và 29 quốc gia riêng trong năm 2014. Dịch vụ này được định giá khoảng 40 tỷ USD - một mức giá không tưởng đối với một start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp). Nhưng không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Ở nhiều thành phố, Uber bị nghiệp đoàn taxi lên án mạnh mẽ, Chính quyền nhiều nơi ở Đức, Anh và một số bang của Mỹ cũng coi hoạt động của Uber là không hợp pháp và ra lệnh cấm. Nhiều dịch vụ đi chung như Lyft và Sidecar, dù cũng bị hứng chịu búa rìu dư luận giống như Uber, đang tìm cách để cho cộng đồng thấy họ với Uber không hề chung hướng.
4. Facebook đánh bạc 16 tỷ USD với WhatsApp
Các đại gia có tên tuổi đang thâu tóm các startup với tốc độ dồn dập chưa từng thấy kể từ thời cơn sốt dot-com trở lại đây. Nhưng thương vụ mua lại WhatsApp trị giá 16 tỷ USD của Facebook hồi tháng 2 vẫn khiến người ta phải sốc vì giá trị khủng của nó. WhatsApp hiện đang sở hữu khoảng nửa tỷ người dùng, trong khi Facebook cũng đã có ứng dụng chat di động riêng là Messenger. Liệu thâu tóm WhatsApp có thực sự cần thiết và mang lại hiệu quả cho Facebook hay không? Nhưng như lời thừa nhận của chính Mark Zuckerberg thì người dùng không mấy mặn mà với Messenger, và dù không thể chứng minh bằng biểu đồ hay số liệu cụ thể về việc WhatsApp xứng đáng với số tiền mà Mark đã bỏ ta, nhưng bản thân việc rất hiếm công ty trên thế giới có cơ hội cán mốc 1 tỷ người dùng đã đủ làm cho WhatsApp "vô giá" rồi.
5. Sàn giao dịch BitCoin Mt Gox sụp đổ
Năm ngoái, Bitcoin lăm le phá hủy hệ thống tiền tệ truyền thống. Nhưng năm nay, loại tiền ảo này đã liên tiếp vấp phải scandal tới mức khó gượng dậy nổi. Sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới - Mt Gox đã phá sản và bị kiện sau khi các hacker đã tấn công vào hệ thống của sàn này, cuỗm đi 750.000 bitcoin tương đương với 474 triệu USD. Mt Gox cho biết một lỗ hổng bên trong phần mềm Bitcoin đã cho phép bên thứ ba đánh cắp kho tiền ảo này. Vài tuần sau, một sàn giao dịch Bitcoin nhỏ hơn là Flexcoin cũng phải đóng cửa vì bị tấn công. Việc hai sàn giao dịch đóng cửa liên tiếp đã làm dấy lên làn sóng lo sợ trên khắp thị trường Bitcoin toàn cầu.
6. Apple Pay xây dựng lại ý niệm thanh toán di động
Quyền thế của Apple được tạo dựng nhờ những sản phẩm định nghĩa nên thị trường như iPod, iTunes, iPhone và iPad. Nhưng năm nay, không phải bộ đôi iPhone 6 hay chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch đủ tầm "định nghĩa" nên thị trường, mà chính là Apple Pay. Với Apple Pay, bạn sẽ có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ chỉ bằng một thao tác đơn giản: chạm iPhone vào đầu đọc chip NFC nhúng trong thiết bị thanh toán. Khi chạm, bạn sẽ đặt ngón tay trên máy quét vân tay của iPhone 6 để xác thực. Apple cũng tỏ ra cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác. Trong khi Google trầy trật tìm kiếm sự hậu thuẫn cho dịch vụ Google Wallet thì đã có hơn 500 ngân hàng và tất cả các hãng thẻ tín dụng lớn bắt tay cùng Apple. Nhiều chuyên gia tin rằng, chính cơ chế bảo mật của Apple đã thuyết phục được các đối tác: khi bạn nhập số thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, Apple sẽ thay thế dãy số đó bằng một token duy nhất, được lưu trữ trên hệ thống một cách mã hóa. Những thông tin này sẽ không bao giờ được lưu ngay trong thiết bị hoặc trên đám mây để phòng ngừa nguy cơ bị hack.
7. Alibaba IPO, mở ra kỷ nguyên mới cho các thương hiệu Trung Quốc
Jack Ma, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba |
Trong ngày giao dịch đầu tiên trên Sàn chứng khoán New York hồi tháng 9, cổ phiếu Alibaba mở cửa với giá 92,7 USD, tăng 35% so với giá IPO (68 USD), giúp hãng này kiếm về 21,8 tỷ USD và trở thành vụ IPO lớn nhất trong làng công nghệ từ trước đến nay. Alibaba là một gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Trung Quốc và đang muốn bành trướng ra toàn cầu. Nhưng đừng nghĩ rằng Alibaba sẽ sớm thách đấu trực diện Amazon. Chiến lược xuất ngoại của Tập đoàn này không chỉ dựa vào mỗi thương mại điện tử mà còn cắm chân rết vào rất nhiều thị trường hẹp khác nhau. Sau ba tháng, giá cổ phiếu Alibaba đã tăng thêm khoảng 10 USD, cho thấy các cổ đông thực sự có niềm tin vào chiến lược này.
Đồng thời, vụ IPO hoành tráng của Alibaba cũng cho thấy quyền lực mới của các thương hiệu Trung Quốc. Sau khi mua lại mảng PC của IBM cách đây vài năm, Lenovo tiếp tục chi thêm 2,3 tỷ USD để mua lại mảng máy chủ của IBM, cùng 2,9 tỷ USD để mua lại Motorola. Lenovo hiện là hãng PC số một thế giới và hãng smartphone lớn thứ ba thế giới về doanh số. Cùng lúc đó, Xiaomi, hãng được báo giới nước này mệnh danh là Apple của Trung Quốc cũng đã vươn lên ngôi số 4 thế giới.
8. EU đòi tách đôi Google
Cuộc bỏ phiếu không ràng buộc hôm 27/11 tại Nghị viện châu Âu (EP) đối với ý tưởng chia tách Google làm đôi đã cho ra kết quả: 384 phiếu thuận, 174 phiếu chống và 56 phiếu trắng. Theo như ý tưởng này thì công cụ tìm kiếm của Google sẽ được tách rời khỏi các dịch vụ thương mại khác để "đảm bảo điều kiện cạnh tranh cho thị trường số".
Trước khi EP chính thức thông qua Nghị quyết về việc tách đôi, chính phủ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc dịch vụ tìm kiếm bị "chính trị hóa" song đến phút chót, tỷ lệ phiếu thuận vẫn áp đảo.
Tuy nhiên EP không có thẩm quyền để tự thực hiện nghị quyết trên nên cơ quan này đang yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên chủ động thực thi nghị quyết.
Trọng Cầm