Về đề xuất của TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết hôm nay (21.2), Bộ GD-ĐT sẽ nêu quan điểm chính thức sau cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các ban, ngành liên quan.
Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng cần theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, để quyết định cho HS nghỉ tiếp hay đi học trở lại. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, ông Thành bày tỏ, nếu phải cho HS nghỉ học nhiều hơn nữa, kéo dài hơn thì rõ ràng thấy nhiều bất lợi. Ví dụ phải điều chỉnh thời gian kết thúc năm học; thi THPT quốc gia cũng phải lùi lại…
Theo ông Thắng, đã nghỉ học thì đương nhiên là phải có kế hoạch dạy học bù, và với HS cuối cấp thì còn liên quan đến các kỳ thi chuyển cấp: lớp 9 là thi
tuyển sinh vào lớp 10; lớp 12 là thi THPT quốc gia. Kế hoạch năm học của năm nay nếu quá chậm còn ảnh hưởng tới các mốc thời gian năm học của năm sau, vì đó là những phản ứng dây chuyền.
“Do vậy, đã nghỉ là phải có kế hoạch, giải pháp đồng đều. Đề xuất của TP.HCM thì vấn đề không phải của một địa phương mà là đề xuất cho cả nước, trong đó có thời gian tổ chức thi THPT quốc gia, nên theo tôi càng phải cân nhắc rất thận trọng, nhiều yếu tố khi Chính phủ hoặc Bộ GD-ĐT ra quyết định chính thức”, ông Thắng nói.
Cần giải pháp đặc thù với “tâm dịch”
Câu hỏi đặt ra là nếu HS cả nước trở lại trường vào đầu tháng 3 tới thì với những địa phương như Vĩnh Phúc, hoặc những nơi tình hình bệnh mang tính đặc thù, bất khả kháng thì sao khi HS cả nước đi học và tham dự kỳ thi THPT quốc gia?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, quan điểm của Bộ vẫn phải là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho thầy cô và HS trong khu vực ấy. “Nếu như buộc phải áp dụng những biện pháp đặc thù thì chúng tôi sẽ tham mưu với Bộ trưởng quyết định những vấn đề trong thẩm quyền của Bộ trưởng. Còn nếu vượt thẩm quyền của Bộ trưởng thì Bộ sẽ phải xin ý kiến của cấp trên”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, những địa phương là tâm điểm của dịch bệnh thì cần khoanh vùng và có thể có những giải pháp đặc thù cho địa phương đó.