Vì sao chưa gút thời gian đi học lại?
TTO - Việc cho học sinh đi học lại của cả nước nhùng nhằng không chốt được, Bộ GD-ĐT nói gì? Nếu địa phương cho học sinh nghỉ hết tháng 3, các em có kịp học không khi Bộ đã chốt thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ với Tuổi Trẻ về băn khoăn cho rằng Bộ GD-ĐT "khóa đuôi" kế hoạch năm học vào cuối tháng 7-2020 sẽ khó nếu có nơi chưa muốn cho học sinh trở lại trường vào đầu tháng 3.
Ông Thành cho biết: "Bộ GD-ĐT chỉ ban hành khung thời gian năm học, bao gồm thời điểm sớm nhất tựu trường và kết thúc năm học, thời gian xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, xét tốt nghiệp THCS, thi THPT quốc gia... Căn cứ vào khung này, chủ tịch UBND các tỉnh thành quyết định kế hoạch năm học cụ thể của từng địa phương".
* Dư luận đang bức xúc khi vấn đề đi học trở lại của học sinh cả nước bị nhùng nhằng không chốt được. Với Bộ GD-ĐT, ông giải thích gì về việc này?
- Dịch COVID-19 là tình huống đặc biệt nên Bộ GD-ĐT phải xin ý kiến Chính phủ và đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành cân nhắc cho học sinh nghỉ học, thời điểm thích hợp cho học sinh đi học trở lại.
Bộ GD-ĐT không phải cơ quan chuyên môn để đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế và khuyến cáo của Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn để ra quyết định khi nào cho học sinh trở lại trường.
Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành xét thấy việc kiểm soát dịch tốt, có thể yên tâm thì cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2-3 nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh. Nếu cần thêm thời gian chuẩn bị, có thể cho học sinh đi học lại muộn hơn.
Về trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT đã tính toán điều chỉnh khung thời gian năm học, là cơ sở cho các tỉnh thành xem xét để quyết định thời gian cho học sinh trở lại trường và xây dựng kế hoạch dạy bù, triển khai công việc cụ thể của năm học.
* Nếu mỗi tỉnh thành quyết định mốc thời gian cho học sinh đi học lại khác nhau, thậm chí đầu tháng 4-2020, sẽ gặp khó bởi Bộ GD-ĐT đã "chốt" các mốc thời gian quan trọng trong kế hoạch năm học?
- Các mốc thời gian vừa được điều chỉnh cũng đã "kịch khung" rồi. Vấn đề của chúng ta bây giờ là không còn thời gian nữa. Nếu tiếp tục lùi, sẽ khó khăn cho kế hoạch năm học sau - năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1.
Tuy nhiên khi điều chỉnh khung thời gian, Bộ GD-ĐT cũng bàn bạc kỹ, dựa trên phân tích tình hình của các tỉnh thành, ý kiến của cơ quan chuyên môn về tình hình dịch bệnh. Với các mốc thời gian mới trong kế hoạch năm học, các địa phương cho học sinh đi học trở lại ở các thời điểm khác trong tháng 3-2020 có thể khắc phục được.
Theo quyết định của hầu hết các tỉnh thành, học sinh sẽ nghỉ hết tháng 2-2020. Có nghĩa tổng thời gian nghỉ phòng dịch là 1 tháng. Bộ GD-ĐT cũng quyết định lùi các mốc thời gian quan trọng của năm học 1 tháng.
Trên thực tế, các nhà trường vẫn còn quỹ thời gian dự phòng. Theo khung kế hoạch thời gian năm học, mỗi học kỳ có 1 tuần dự phòng; thời điểm kết thúc học kỳ 2 (hoàn thành chương trình) trước ngày 25-5, kết thúc năm học ngày 31-5.
Trong tình hình hiện nay, nếu địa phương cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tuần trong tháng 3, ngoài thời gian lùi lại 1 tháng quy định chung trên toàn quốc, vẫn có thể tính toán để tận dụng 1 tuần dự phòng và 1 tuần cuối năm nói trên trong kế hoạch năm học để dạy bù.
Việc hoàn tất hồ sơ sổ sách phải bố trí linh hoạt để ưu tiên thời gian cho việc dạy học đủ chương trình.
* Nhưng nếu có nơi vẫn đề nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3, vậy cách nào để thực hiện đúng kế hoạch năm học mà bộ đề ra?
- Quan điểm của Bộ GD-ĐT là ưu tiên trên hết đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng học sinh và thầy cô giáo. Nếu các địa phương không yên tâm về dịch bệnh, căn cứ vào tình hình thực tế và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thì chủ tịch UBND các tỉnh thành có thể cho học sinh nghỉ thêm.
Tuy nhiên, nếu địa phương cho học sinh đi học muộn hơn thì phải xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường để bảo đảm hoàn thành chương trình theo khung kế hoạch thời gian chung.
Ví dụ nhà trường cho học sinh học 1 buổi/ngày (vì chương trình giáo dục hiện hành thiết kế dạy học 1 buổi/ngày), giờ có thể sử dụng một số buổi 2 trong ngày để bố trí dạy học bù nếu có thể khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực (phòng học, giáo viên).
Về vấn đề này, UBND các tỉnh sẽ có chỉ đạo và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà trường theo tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Ngoài ra, các địa phương nếu phải cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 cũng cân nhắc việc có thể cho học sinh lớp 12 đi học trở lại sớm hơn học sinh các lớp dưới.
Học sinh khối 12 cần có đủ thời gian ôn tập thi THPT quốc gia. Hơn nữa, sang năm 2020, học sinh lớp 12 đã bước sang tuổi 18, có khả năng tự bảo vệ mình và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn khi trở lại trường học, cũng như trên đường đi học từ nhà đến trường. Cùng với các biện pháp phòng ngừa của nhà trường, học sinh lớp lớn có thể an toàn trở lại trường nếu không có phát sinh đặc biệt so với hiện nay.
Cách xử lý linh hoạt đó có thể giúp khắc phục khó khăn chung. Còn nếu đòi hỏi một quyết định chung cho cả nước nhưng hoàn hảo sẽ rất khó. Với các tỉnh vùng khó khăn, việc nghỉ học kéo dài sẽ còn những hệ lụy về sau khi phải đối diện với thời tiết khắc nghiệt, thiên tai trong mùa hè.
Khánh Hòa sẵn sàng, nhiều nơi đợi phút chót!
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới nếu không có gì thay đổi, học sinh toàn tỉnh sẽ đi học trở lại từ ngày 2-3. Ngày 25-2, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với ngành y tế và các địa phương tổ chức 6 đoàn kiểm tra đợt 3 đối với các trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Đình Thuần - phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đến nay 540 trường học trên toàn tỉnh đã tổng vệ sinh toàn trường bằng xà phòng sát khuẩn hoặc chất khử trùng cloramin B do các trung tâm y tế địa phương cung cấp.
Sở GD-ĐT yêu cầu khi học sinh đi học trở lại, tạm thời không tổ chức ăn bán trú ở các trường tiểu học, THCS học 2 buổi/ngày. Các trường phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nước uống.
Trước mắt, các trường sẽ chỉ tổ chức sinh hoạt tại lớp học, không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm, không tổ chức chào cờ đầu tuần tại sân trường khi học sinh đi học trở lại, không tổ chức căngtin trong nhà trường.
Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn học sinh phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hướng dẫn một số biện pháp thực hiện tại nhà cho phụ huynh để tăng cường sức khỏe và theo dõi học sinh.
Tuy nhiên, một số địa phương khác vẫn chưa khẳng định sẽ cho học sinh trở lại nhập học vào ngày 2-3. Bà Nguyễn Thị Bạch Vân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Lúc này vẫn phải theo dõi tình hình sắp tới như thế nào mới có quyết định chính thức cho học sinh trở lại trường. Tuy học sinh nghỉ học nhưng các trường đều phải phân công giáo viên đến từng nhà học sinh yếu kém để ôn tập cho các em, nên về chất lượng học tập của các em không bị ảnh hưởng".
Tương tự, ông Ninh Thành Viên, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết trước đó tỉnh đã có công văn cho học sinh, sinh viên nghỉ đến ngày 2-3. "Không phải tự nhiên mà học sinh được nghỉ hè từ tháng 6 đến tháng 8, vì những tháng đó thường xuyên có mưa bão, nhất là học sinh ở vùng biển, hải đảo ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Cho nên nếu đã kiểm soát được dịch bệnh và đủ khả năng phòng chống thì nên cho học sinh trở lại trường để hoàn thành chương trình trước mùa bão lũ", ông Viên nói.
Ngoài ra, các sở GD-ĐT TP Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long và Bến Tre vẫn đang "chờ đợi" đến phút cuối mới có quyết định cho học sinh trở lại trường hay không. (ĐÌNH CƯƠNG - THÙY TRANG)
VĨNH HÀ thực hiện
Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-chua-gut-thoi-gian-di-hoc-lai-20200224082119745.htm