Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang, sau khi xuất hiện dịch Covid-19, người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung. Đặc biệt, những ngày cuối tuần vừa qua, thị trường xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các sản phẩm phòng chống dịch, gây khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm. Dịp này cũng xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp, tăng cường tích trữ, đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi làm cho thị trường diễn biến phức tạp.
“Việc có một số thông tin khan hiếm hàng hóa và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa kịp đưa hàng hóa lên kệ, hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa. TPHCM hoàn toàn có khả năng cung ứng nguồn hàng tăng từ 50%-100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, do vậy người dân nên bình tĩnh trong việc mua sắm, không nên dự trữ hàng quá nhiều làm mất cân đối cung - cầu và gây lãng phí”, bà Nguyễn Huỳnh Trang nhấn mạnh.
Đi vào cụ thể, ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát, một trong những DN chủ lực cung ứng mặt hàng gạo cho TPHCM, cho biết những ngày qua nhu cầu mua gạo tại các hệ thống siêu thị tăng vọt. Riêng hệ thống Co.opmart, mỗi ngày Vinh Phát giao 150 tấn gạo các loại, hàng bán tới đâu, công ty giao tới đó, tuyệt nhiên không để xảy ra tình trạng “cháy gạo”. Ông Trần Ngọc Trung cho biết: “Mặc dù sức mua tăng cao nhưng hiện tại Vinh Phát vẫn còn tồn kho 50.000 tấn gạo cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nếu nhu cầu tiếp tục tăng, Vinh Phát sẽ dừng xuất khẩu để ưu tiên cho nội địa. Ngoài ra, công ty đã chuẩn bị một lượng lớn nguyên liệu để đảm bảo cung ứng đầy đủ từ nay đến cuối năm. Nếu không có biến động quá lớn về giá trong nước và thế giới, Vinh Phát sẽ tiếp tục giữ giá bán như hiện nay”.
Tương tự, bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon chia sẻ, khi Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17, sức mua của thị trường trong nước tăng đột biến ở tất cả các mặt hàng như mì tôm, phở, hủ tiếu, miến, thậm chí là bột canh cũng được vét sạch. Hiện công ty quyết định cắt các đơn hàng xuất khẩu để dồn sức cho thị trường nội địa. Vifon cũng phối hợp chặt chẽ với Saigon Co.op để cung ứng đầy đủ cho các khu vực cách ly của TP. Công ty cũng dự trữ nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất từ 6 tháng đến 1 năm sau, giá ổn định.
Ở nhóm mặt hàng thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, các DN cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục ổn định. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, công ty đang phát triển bền vững từ nguyên liệu cho tới đầu ra. Hiện mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm của Ba Huân tăng 100%, đang thực hiện sản xuất từ 2-3 ca/ngày. Riêng trứng gia cầm, công ty cam kết cung ứng đầy đủ, tăng độ phủ trên diện rộng và giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Tương tự, Công ty San Hà cũng cho rằng, giá thịt gia cầm các loại như gà, vịt sẽ tiếp tục ổn định đến hết năm 2020 nhờ nguồn cung dồi dào, phong phú. Công ty Vissan cũng đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất lên 3 ca/ngày, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cho sản xuất và chế biến đến hết năm 2020.
Siết chặt an toàn thực phẩm
Các hệ thống phân phối cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp chuẩn bị đầy đủ các phương án dự trữ hàng hóa nhằm cung ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân từ 3-6 tháng với giá bán ổn định. Lượng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị trong ngày 10-3 vẫn còn đông hơn chút đỉnh và đang dần trở về mức so với bình thường.
Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng phòng Marketing và chăm sóc khách hàng hệ thống MM Mega Market cho biết, những ngày vừa qua công ty đã huy động toàn bộ lực lượng cho việc bán hàng, đồng thời MM cũng kéo dài thời gian mở cửa siêu thị đến 22 giờ thay vì đóng cửa lúc 20 giờ 30 như thường lệ. MM đang theo dõi, nếu nhu cầu mua hàng vào buổi tối còn tăng sẽ sắp xếp để mở cửa đến 23 giờ. “Sức mua trong những ngày qua tăng 40% nhưng hàng hóa tại các siêu thị rất dồi dào, phong phú. Tất cả các nhóm hàng được MM siết chặt về chất lượng và an toàn thực phẩm. Công ty cũng yêu cầu 100% nhân viên đeo khẩu trang và đo thân nhiệt nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên cũng như khách hàng đến tham quan, mua sắm”, ông Khôi nói.
Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op cho hay, kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, Saigon Co.op luôn dự trữ lượng hàng hóa rất lớn, ngang bằng với việc dự trữ hàng vào các dịp Tết Nguyên Đán vừa qua. Nhóm các mặt hàng được Saigon Co.op chuẩn bị nhiều gồm gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang được Saigon Co.op đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đảm bảo thời gian hoạt động của toàn bộ hơn 800 điểm bán, một số nơi còn linh hoạt chỉ đóng cửa cho đến khi người khách cuối cùng mua sắm xong; các cửa hàng tiện lợi Cheers thì hoạt động cả ngày trong tuần. Saigon Co.op cũng tăng cường bán hàng qua điện thoại, qua website thương mại điện tử để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng mua sắm.
Tại các hệ thống siêu thị khác như Aeon, Lotte Mart, Big C… cũng tăng dự trữ nguồn hàng, ổn định giá bán trong dài hạn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên đánh giá cao nỗ lực cung ứng từ nhà sản xuất đến các hệ thống siêu thị nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân TP. Trên thực tế, TP đã lường trước được tình huống mua sắm tăng đột biến có thể xảy ra do tâm lý lo ngại dịch bệnh lan rộng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bị “vỡ trận”.
Theo ông Phạm Thành Kiên, trong 3 tháng tiếp theo không nên chủ quan vì sức mua trong dân rất khó dự báo, do vậy các nhà sản xuất và phân phối cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tốc độ sản xuất và dự trữ hàng hóa cả trên quầy kệ lẫn trong kho hàng. Trong quá trình sản xuất, DN nên ưu tiên hàng hóa cho thị trường trong nước rồi mới hướng đến xuất khẩu. Đây cũng chính là cơ hội cho các DN thể hiện uy tín, nâng cao thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng trong nước, hướng đến phát triển bền vững. Ông Phạm Thành Kiên khẳng định, nếu phát hiện các cửa hàng, điểm bán tự ý nâng giá sẽ cắt ngay các hợp đồng giao hàng. Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các đối tượng thu gom, tích trữ gây thiếu hàng cục bộ để làm giá, gây rối loạn thị trường.
Tại buổi làm việc, các DN cho rằng đang gặp nhiều khó khăn nên TP cần có biện pháp giảm thuế, giãn nợ ngân hàng, bãi bỏ quy định giờ bán điện cao điểm, tạo điều kiện thông quan hàng hóa một cách nhanh và hiệu quả nhất…
Về vần đề này, ông Phạm Thành Kiên cho biết, ngày 28-2 vừa qua, sở đã có công văn số 1237 gửi Chủ tịch UBND TP kiến nghị tháo gỡ khó khăn liên quan đến các vấn đề về vốn, thuế và bảo hiểm xã hội, về giá điện, nguyên vật liệu sản xuất cho DN. Sở Công thương TP cũng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng, ưu đãi về lãi suất đối với các hợp đồng đã ký hoặc hợp đồng mới, giãn nợ 3 tháng đối với các hợp đồng đã đến hạn từ tháng 3-2020 trở đi. Kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo Bộ Tài chính giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế trên một số lĩnh vực trong năm 2020 như giảm 5% thuế VAT, giảm 50% thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế nhập khẩu..
Liên quan đến việc cấp phép lưu thông vào giờ cao điểm, ông Phạm Thành Kiên đề nghị các DN tập hợp danh sách xe và các tuyến đường để trình UBND TP xem xét sớm.
Tăng bán hàng online Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, để chủ động công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ hàng hóa ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19, Sở Công thương TP chú trọng phương án bán hàng online, phát huy kênh phân phối thương mại điện tử nhằm đưa hàng hóa hiệu quả đến tay người tiêu dùng. Để triển khai tốt, bà Trang yêu cầu, ngay tại thời điểm này, các DN, hệ thống phân phối cần đưa và cập nhật tất cả các sản phẩm, thông tin minh bạch về thành phần chất lượng và giá bán lên trang web; tăng cường bán hàng qua điện thoại cũng như qua nhiều hình thức khác để kéo giảm lượng khách đến siêu thị, tránh tình trạng lây nhiễm.
|
THÚY HẢI
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hang-hoa-doi-dao-gia-on-dinh-650460.html