Vì sao tăng trưởng kinh tế TP.HCM giảm mạnh?

on .

Bằng những giải pháp cụ thể như thuế, hỗ trợ vốn, chính sách, cơ cấu thị trường từng ngành, từng lĩnh vực… để hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC TP.HCM.

 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tăng trưởng kinh tế TP.HCM những năm vừa qua năm sau cao hơn năm trước và trên 8%, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm chỉ còn 2%.

Lý giải nguyên do tăng trưởng kinh tế TP.HCM giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020, ông Phong cho rằng, thứ nhất, trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội, dịch vụ chiếm hơn 60%, tuy nhiên đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới ngành dịch vụ và đặc biệt là du lịch, lưu trú, khách sạn…

Thứ hai, số doanh nghiệp của TP.HCM chiếm hơn 50% số doanh nghiệp cả nước. Trong khi đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chiếm hơn 90% số doanh nghiệp của TP.HCM. Do đó, những doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị gãy đổ do tác động của Covid-19 gây ra. Vì vậy, sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.

 

Cũng theo ông Phong, từ nay đến cuối năm 2020 và xa hơn nữa vẫn phải hướng đến mục tiêu “nhiệm vụ kép” vừa triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 không để dịch bệnh bùng phát trở lại, vừa phát triển nền kinh tế.

“Không cho phép các ngành, các cấp chủ quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, vẫn đảm bảo, duy trì được hoạt động kinh tế sau dịch.

UBND TP.HCM tổ chức họp báo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM có 3 kịch bản tăng trưởng cho TP.HCM với GRDP tăng 3%, 4%, 5%. Thành phố phải tập trung quyết liệt các giải pháp để đạt mục tiêu cao nhất là 5% chứ không dám hy vọng duy trì được mục tiêu 8,3% ban đầu", ông Phong nhấn mạnh.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 2.504 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 10,89% so với cùng kỳ); 8.329 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 40,57% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động quý 2 tăng cao so cùng kỳ do chịu ảnh hưởng khó khăn của dịch Covid-19, xu hướng này có thể tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới.

Để phục hồi nền kinh tế TP.HCM, ông Phong cũng yêu cầu các sở, ngành, quận huyện cần có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tác động dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn hàng từ nước ngoài.

Theo đó, ông Phong yêu cầu Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp mà thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các biện pháp có hiệu quả theo từng giai đoạn (từng tháng, từng quý). Cần làm việc cụ thể với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao để dự báo có bao nhiêu doanh nghiệp ngừng hoạt động do có đơn hàng (nước ngoài) bị cắt giảm, dự báo bao nhiêu người lao động bị mất việc.

Đối với Sở Công thương, ông Phong yêu cầu với tình hình hiện nay phải dự báo được có bao nhiêu doanh nghiệp có nguy cơ đơn hàng bị cắt giảm.

Ông Phong cũng yêu cầu chủ tịch các quận/huyện gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý để cùng tháo gỡ khó khăn…

“Chính những lúc khó khăn các ban ngành cần đồng hành cùng doanh nghiệp. Có một số doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào đơn đặt hàng từ nước ngoài. Vì vậy, giải pháp cố gắng làm sao thống kê, nắm sát các doanh nghiệp đó để có giải pháp ngăn chặn không để doanh nghiệp ngưng hoạt động.

Phải bằng những giải pháp cụ thể như thuế, hỗ trợ vốn, chính sách, cơ cấu thị trường từng ngành, từng lĩnh vực… để hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế”, ông Phong nhấn mạnh.

Nguyễn Thủy

Nguồn: https://baomoi.com/vi-sao-tang-truong-kinh-te-tp-hcm-giam-manh/c/35786003.epi