Tri ân tuyến đầu phòng chống dịch covid-19: Việc càng khó, càng quyết tâm làm

on .

TTO - 20 năm gắn bó với bệnh truyền nhiễm, thường xuyên đối mặt với dịch bệnh hiểm nguy nhưng bác sĩ Trần Văn Giang tâm niệm càng khó càng quyết tâm.

Tri ân tuyến đầu phòng chống dịch covid-19: Việc càng khó, càng quyết tâm làm - Ảnh 1.

Từ đợt dịch đầu tiên đến nay, bác sĩ Trần Văn Giang (phó trưởng khoa virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) luôn sát cánh cùng bệnh nhân chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

Từ những ngày đầu tiên dịch COVID-19 bùng phát, bác sĩ Giang cùng đồng nghiệp vẫn kiên trì trực chiến cho đến ngày hôm nay, tiếp tục điều trị cho những ca bệnh mới trở về từ Guinea Xích Đạo và Đà Nẵng.

Đối diện tâm lý bệnh nhân

Dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng bác sĩ Trần Văn Giang (phó trưởng khoa virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, phó trưởng bộ môn truyền nhiễm Trường ĐH Y Hà Nội) gác lại công việc gia đình, cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh hoàn toàn mới. 

Chưa có nhiều nghiên cứu để làm rõ cơ chế lây bệnh, chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu, anh Giang cùng các y, bác sĩ phải "update" mọi thông tin về dịch bệnh hằng ngày, tự rút ra những bài học để nạp kiến thức và cùng bệnh nhân chiến đấu.

Ròng rã chống dịch, có những hôm không phân biệt được ngày tháng bởi toàn bộ thời gian, y bác sĩ của bệnh viện cùng bệnh nhân chiến đấu với dịch bệnh. Từ đợt dịch đầu tiên, khoa virus - ký sinh trùng nơi anh Giang làm việc liên tục điều trị cho bệnh nhân dương tính với COVID-19.

"Có rất nhiều kỷ niệm nhưng đáng nhớ nhất là những khoảnh khắc chúng tôi đối diện với nỗi lo của người bệnh khi mới nhiễm COVID-19, thực sự chúng tôi hiểu vì sao họ lo lắng. Bị bệnh đã rất khổ sở, hằng ngày người ta còn nghe rất nhiều thông tin từ các nước trên thế giới với ca nhiễm, số lượng tử vong tăng. 

Họ không thoát khỏi được lo nghĩ, liệu kết cục xấu có đến với mình không? Chúng tôi phải đối diện với tâm lý đó, sau đó cố gắng điều trị, làm các biện pháp tâm lý cho bệnh nhân. Thực sự vui khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thông báo cho người bệnh", bác sĩ Giang bộc bạch.

Cùng đồng nghiệp ở lại bệnh viện, nhớ nhất là khoảnh khắc chia nhau suất cơm, vật phẩm tài trợ của các nhà hảo tâm, đặc biệt được nghe những lời tri ân, động viên từ cộng đồng, bác sĩ Giang xúc động nói "là sự kết nối mạnh mẽ giữa cộng đồng và các bác sĩ tuyến đầu chống dịch".

Khi được yêu cầu cách ly tại bệnh viện, khó khăn đầu tiên anh phải vượt qua là xa gia đình. Thời điểm đó cả hai vợ chồng anh Giang đều phải cách ly trực chiến ở bệnh viện, con cái được nghỉ học đành gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc. 

"Việc kết nối về quê cũng thực sự khó khăn bởi Internet, WiFi không thực sự tốt lắm. Nhưng bằng tất cả, ông bà cũng cố gắng động viên tôi và giành suất chăm sóc các cháu để chúng tôi yên tâm cống hiến cho công cuộc phòng chống dịch COVID-19", bác sĩ Trần Văn Giang chia sẻ.

Cẩn trọng tối đa

Cả nước đang bước vào giai đoạn chống dịch tiếp theo, bác sĩ Giang bộc bạch đã có kinh nghiệm từ đợt dịch đầu năm nên lần này bệnh viện sẵn sàng bố trí nhân lực, trang thiết bị vật tư, bố trí khoa, phòng, sắp xếp bệnh nhân hợp lý. Ngoài ra, còn có thời gian tập huấn lại cho cán bộ nhân viên, bổ sung thêm các kiến thức về dịch bệnh.

Ngày đầu tiên liên lạc với bác sĩ Giang, đang vội mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, anh xin phép phải làm việc ngay vì sắp sửa đón bệnh nhân từ chuyến bay Guinea Xích Đạo về nước cách ly tại bệnh viện. Gần một tuần sau đó, anh kể các y bác sĩ thở phào khi xét nghiệm PCR xác định lại chỉ có 21 bệnh nhân trên chuyến bay này dương tính với COVID-19 thay vì con số hơn 120 bệnh nhân như dự kiến. 

Hiện nay ngoài bệnh nhân trở về từ Guinea Xích Đạo, bệnh viện còn tiếp tục chữa trị cho hai ca bệnh nhân dương tính ở Hà Nội trở về từ Đà Nẵng.

"Ở châu Phi còn có dịch tễ sốt rét nên khi bệnh nhân về nước, bên cạnh kiểm soát COVID-19 còn phải tìm ra bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét hay không. 

Trong số 10 trường hợp nhiễm ký sinh trùng sốt rét, có 6 trường hợp nhiễm COVID-19 và sốt rét, một trường hợp sốt rét nặng tổn thương gan và rối loạn đông máu nặng. Hiện tại chúng tôi đã điều trị và tình trạng bệnh nhân tiến triển khá lên rất nhiều, số lượng ký sinh trùng sốt rét trong máu giảm đi đáng kể, chức năng các cơ quan đang dần hồi phục", bác sĩ Giang cho biết.

Với những bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ châu Phi, do chưa biết được chủng virus như thế nào nên bác sĩ Giang quả quyết: "Phải làm việc cẩn trọng ở mức tối đa, tránh trường hợp lây chéo các bệnh nhân cũng như lây chéo sang nhân viên y tế". 

Tuy nhiên xác định "sống chung, quen với virus" chứ không căng thẳng như giai đoạn đầu, anh Giang cùng các y, bác sĩ tại bệnh viện luôn sẵn sàng tinh thần 24/24h, kể cả ngày cuối tuần vẫn cập nhật, báo cáo tình trạng bệnh nhân.

"Trong giai đoạn này chúng tôi rất quyết tâm, xác định không có việc gì khó, nếu có việc khó lại càng phải quyết tâm làm. Chính bằng quyết tâm, chính bằng sức trẻ, chúng tôi đã cố gắng và cho đến ngày hôm nay bằng những đóng góp cho dù là nhỏ bé, các hoạt động đời sống của chúng ta đang được trở lại", bác sĩ Trần Văn Giang tâm niệm.

Mang lại niềm vui cho người bệnh

20 năm gắn bó với chuyên ngành đặc biệt: bệnh truyền nhiễm, thường xuyên đối mặt với dịch bệnh mang tính chất lây lan lớn nhưng bác sĩ Giang tâm niệm không ngại khó, không ngại khổ, tham gia "chiến đấu" tất cả các dịch bệnh.

"Thực sự chúng tôi đã thành công, mang lại niềm vui cho người bệnh. Có thể nói mình chọn nghề, mình sẽ cố gắng và quyết tâm theo nghề đó. Cũng có thể nói nghề chọn mình, khi hai thứ gặp nhau, coi như là cái duyên", bác sĩ Trần Văn Giang bộc bạch.

HÀ THANH