NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Hỗn chiến giữa giới công nghệ Mỹ và châu Âu

on .

BizLIVE - Từ Berlin tới Madrid, từ London tới Paris, các công ty công nghệ Mỹ đang đấu tranh với chính phủ nhiều nước châu Âu, Nhật báo phố Wall điểm lại.

CEO Mark Zuckerberg của Facebook. Ảnh: Washington Post

Đại chiến kinh tế

Từ Berlin tới Madrid, từ London tới Paris, các công ty công nghệ Mỹ đang đấu tranh với chính phủ nhiều nước châu Âu.

Đầu tiên, đây là cuộc chiến về kinh tế.

Giới lập pháp châu Âu có truyền thống kiểm soát mọi địa hạt trên thị trường. Nhưng giờ đây, họ phải vật lộn cầm cương những tay chơi mới đến từ bên kia đại dương.

 

Trong bối cảnh tăng trưởng đình trệ và ngân khố thất thu, chính phủ châu Âu chỉ có thể bó tay đứng nhìn doanh thu từ ngành truyền thông đến vận tải dần chuyển hướng chảy vào túi "thung lũng Silicon". Họ lo ngại những ngành kinh tế chủ chốt như ô tô sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Quy mô của các công ty công nghệ Mỹ khó nước nào bì kịp. Giá trị vốn hóa thị trường của 5 ông lớn công nghệ Mỹ là Apple, Amazon, Facebook, Google và Microsoft đạt 1,8 nghìn tỷ USD.

Con số này vượt tổng giá trị 1,3 nghìn tỷ USD của 30 công ty niêm yết lớn nhất sàn giao dịch chứng khoán Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

"Châu Âu có nhiều thứ để mất vào tay công ty Mỹ", ông Paul Stoneman, giáo sư tại Trường kinh doanh Warwick nhận xét.

Xung đột về giá trị

Tuy nhiên, đây cũng là một trận chiến về giá trị: Hệ thống quy định thông thoáng của Thung lũng Silicon đối lập với bộ quy tắc hà khắc tại châu Âu.

Nhưng có lẽ cốt lõi nhất là quyền kiểm soát Internet - mạng lưới kết nối phổ biến và chủ đạo của nền kinh tế, giờ đang bị nhào nặn trong tay doanh nghiệp Mỹ.

Tranh cãi bùng nổ sau các tiết lộ từ cựu điệp viên Edward Snowden về chương trình theo dõi diện rộng của Mỹ đối với châu Âu. Trong đó, nhiều công ty số liệu và viễn thông của Mỹ đóng vai trò trung gian.

Kể từ đây, châu Âu liên tục tung đòn đáp trả, tin tức về các vụ kiện tụng xuất hiện thường xuyên trên mặt báo.

Đầu tuần, một tòa án tại Hà Lan đã cấm dịch vụ đi chung xe của công ty Uber Technologies hoạt động tại nước này.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anh công bố một loại thuế mới có tên “thuế Google”, chủ yếu nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ.

Một tòa án tại Hà Lan đã cấm dịch vụ đi chung xe của công ty Uber Technologies hoạt động tại nước này.

Một tuần trước nữa, quan chức Pháp và Đức đã triệu tập phiên tham vấn xoay quanh hành vi của các công ty công nghệ Mỹ trong lãnh thổ.

Và vừa mới đây, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết lịch sử, yêu cầu Google tách bộ phận tìm kiếm ra khỏi các bộ phận kinh doanh khác tại châu Âu để ngăn chặn độc quyền.

Trong tháng Năm, nhiều công ty Mỹ ngỡ ngàng với phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu, khẳng định người dân châu Âu có thể yêu cầu loại bỏ những thông tin cá nhân hiện ra khi họ tìm kiếm tên của mình, một phần trong "quyền được lãng quên".

Hiến pháp Mỹ không cho phép quy định này được áp dụng trong nước, nhưng các nhà hành pháp châu Âu không lùi bước. Họ yêu cầu các trang web tìm kiếm phải áp dụng quyền này cho tất cả các website, không giới hạn tại riêng châu Âu.

Lọt vòng cương tỏa

Cơn gió trái chiều trên mang đến rủi ro cho hàng loạt công ty công nghệ Mỹ, trong khi phải tìm mọi cách thâm nhập thị trường nước ngoài để duy trì tăng trưởng.

Thứ Sáu vừa qua, ngân hàng Bank of America Merrill Lynch đã hạ bậc xếp hạng của cổ phiếu Google, lý giải nguyên nhân là do rủi ro đến từ thị trường châu Âu.

EU đang nỗ lực kiểm soát kết quả tìm kiếm của Google. Việc này có thể gây trở ngại cho quá trình ra mắt sản phẩm mới của gã khổng lồ trong khu vực, ngân hàng nhận định.

Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Google đã giảm hơn 5%, trái với mức tăng 75% trong năm 2012 và 2013.

Google từng bị "ghẻ lạnh" tại Trung Quốc, nước tìm cách chặn dịch vụ của Google và Facebook để bảo hộ doanh nghiệp nội địa.

Google từng bị ghẻ lạnh tại Trung Quốc.

Còn tại châu Âu, các quy định đánh thẳng vào nền tảng hoạt động của những công ty này.

Ngoài kết quả tìm kiếm, châu Âu cũng tập trung xem xét tính bảo mật thông tin sau vụ bê bối Snowden. Có thể giới công nghệ Mỹ sẽ không được thoải mái thu thập và sử dụng thông tin khách hàng như trước đây.

Nguồn thông tin này chính là "năng lượng" giúp Google, Facebook hay Amazon vận hành quảng cáo và kiếm tiền.

Quy định được thắt chặt đồng nghĩa chi phí vận hành trở nên đắt đỏ hơn.

Trong quá khứ, doanh nghiệp Mỹ xây dựng sản phẩm trước, sau đó mới tính tới các vấn đề về quy định và chính trị.

Nhưng giờ đây, họ phải đảo lộn quy trình vì chi phí rủi ro khi làm ăn tại châu Âu quá cao, ông Dan O’Connor, Phó chủ tịch chính sách đối ngoại tại Hiệp hội máy tính và liên lạc công nghiệp Mỹ cho biết.

Lề phải của lịch sử

Cả hai phía đều không chịu lùi bước. Hôm thứ Hai vừa qua, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã lên tiếng ủng hộ bộ quy định bảo vệ thông tin chặt chẽ mới được châu Âu tung ra. Ông nhấn mạnh "các giá trị dân chủ phải được ưu tiên hàng đầu".

Về phần mình, các gã khổng lồ công nghệ không giấu tham vọng. "Chỉ cần chúng tôi mang lại giá trị cho cư dân trên thế giới, chúng tôi vẫn đứng bên lề phải của lịch sử", Chủ tịch điều hành Eric Schmidt phát biểu trước đám đông tại London trong tháng 10.

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, 1/2 tăng trưởng sản xuất tại khu vực đến từ các khoản đầu tư vào công nghệ thông tin và viễn thông.

"Chúng tôi biết sự cách tân mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng chúng tôi muốn một sân chơi bình đẳng", ông Ramon Tremosai Balcells, một nhà lập pháp Tây Ban Nha trong Nghị viên châu Âu khẳng định.

Ngoài kết quả tìm kiếm, châu Âu cũng tập trung xem xét tính bảo mật thông tin sau vụ bê bối Snowden.

"Chúng tôi chỉ đơn thuần phản ánh lo ngại của người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu", ông nói.

Ngoài Google, Amazon và Apple cũng đang loay hoay với đợt điều tra trốn thuế của châu Âu. Uber thì dồn lực chống chọi với truyền thông sau những bê bối về tài xế không giấy phép.

Chưa bao giờ nền kinh tế cần tới chính phủ can thiệp với mật độ cao như thế này kể từ đầu thập niên 70, ông Nicolas Petit, giáo sư luật tại Đại học Lìege, Bỉ chỉ ra.

Tuy nhiên cũng tồn tại không ít ý kiến trái chiều. Ông Vivek Ghosal, giáo sư tại Viện công nghệ Georgia đặt câu hỏi: "Tại sao lại phân biệt đối xử với một hình thức cung cấp dịch vụ tân tiến hơn?"

"Đây là một vấn đề trong nội khối châu Âu, xuất phát từ căn bệnh nặng về quy định. Họ chỉ chăm chăm bảo vệ việc làm trên sân nhà", ông nhận xét.

LỀ PHƯƠNG

Nguồn: http://www.baomoi.com/Hon-chien-giua-gioi-cong-nghe-My-va-chau-Au/76/15467743.epi