Điểm thi cao, thay đổi nguyện vọng như thế nào?
TTO - Đó là mối quan tâm của hầu hết các thí sinh trong buổi tư vấn trực tuyến chủ đề "Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển như thế nào?" trên Tuổi Trẻ Online chiều 28-8.
Buổi tư vấn nhận được gần 500 câu hỏi của thí sinh, phụ huynh cả nước gửi về, trong đó hầu hết đều băn khoăn việc điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn năm trước thì điểm chuẩn có tăng mạnh và cần điều chỉnh nguyện vọng thế nào cho hợp lý.
Điểm chuẩn có thể tăng 1 - 3 điểm
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 27-8 Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm các môn của các khối, tùy thuộc vào khối thi mà mức điểm sẽ tăng khác nhau. Điểm trung bình khối A00 năm nay sẽ tăng hơn năm 2019 đến 3,73 điểm. Đối với khối C là 2,9 điểm... Do đó, dự báo điểm chuẩn tăng từ 1 đến 3 điểm tùy thuộc vào từng khối ngành xét tuyển.
"Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của năm 2019 của ngành đào tạo mà bạn chọn để xác định khả năng trúng tuyển năm 2020. Nếu điểm của bạn chỉ bằng với điểm trúng tuyển của năm 2019 thì xác suất đỗ là thấp, bạn nên điều chỉnh ngành phù hợp hơn" - ông Thảo khuyên.
Thí sinh Đặng Thị Thúy Hồng băn khoăn: "Sau khi biết điểm thì thấy điểm của mình không thể trúng tuyển nguyện vọng 1 như đã đăng ký, nên người thân khuyên là cần đưa nguyện vọng 2 lên trên vì nếu có xét thêm tiêu chí phụ về thứ tự nguyện vọng thì mình có ưu thế. Vậy bây giờ cháu có nên đổi theo như lời khuyên hay giữ nguyên?".
Giải đáp thắc mắc này, ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho hay thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Mỗi thí sinh nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
"Như vậy nếu thí sinh đã trúng tuyển 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình thì các nguyện vọng sau thí sinh không được xét tuyển nữa dù điểm của thí sinh có thể bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển của các nguyện vọng sau. Nếu thấy điểm so với nguyện vọng 1 hơi quá sức, em nên cân nhắc, so sánh điều chỉnh để làm sao cho các nguyện vọng đăng ký xét tuyển có khả năng trúng tuyển nhưng vẫn vào học các ngành mà mình mong muốn học phù hợp với sở trường bản thân và điều kiện gia đình.
Theo tôi, em hãy lựa chọn nguyện vọng 1 là ngành mà em mong muốn và yêu thích nhất, nguyện vọng 2 ít yêu thích hơn nhưng cơ hội trúng tuyển cao hơn" - ông Nghệ tư vấn.
Các phương thức xét tuyển có liên quan với nhau?
Nhiều thí sinh cũng thắc mắc việc đăng ký xét tuyển giữa các phương thức khác nhau có liên quan với nhau hay không. Về vấn đề này, TS Dương Tôn Thái Dương - phó trưởng ban ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM) - giải đáp công tác xét tuyển được thực hiện độc lập cho từng phương thức tuyển sinh; trong đó phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM và phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT là hai phương thức xét tuyển khác nhau.
Vì vậy không có mối liên hệ gì giữa các nguyện vọng của phương thức ưu tiên xét tuyển với các nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức xét kết quả thi THPT.
"Tuy nhiên, sau khi biết kết quả xét tuyển của một phương thức nào đó, nếu trúng tuyển thí sinh cần xác nhận nhập học trong thời gian quy định của trường bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT bản chính và khi đó sẽ không còn quyền được xét tuyển ở bất kỳ phương thức nào nữa" - ông Dương lưu ý.
Có hàng chục câu hỏi gửi PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - trong buổi tư vấn với thắc mắc chung: "Với tình hình điểm thi tốt nghiệp THPT và học phí của trường tăng cao, dự báo điểm chuẩn của ĐH Y dược TP.HCM năm nay có tăng mạnh không?".
Về vấn đề này, ông Khôi cho rằng trường không thể dự đoán được điểm chuẩn vì phụ thuộc hoàn toàn vào thí sinh. Tuy nhiên, với chất lượng đào tạo của nhà trường và số lượng thí sinh đăng ký cũng như kết quả thi THPT vừa qua, điểm trúng tuyển năm 2020 có thể cao hơn năm 2019.
TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, cho biết thí sinh có thể đăng ký đồng thời hai phương thức xét tuyển kết quả thi THPT và xét tuyển học bạ vào trường này. Nếu thí sinh đã đăng ký xét tuyển bằng học bạ rồi, nay muốn đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT thì cần điều chỉnh nguyện vọng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Còn PGS.TS Trần Mạnh Hà - phó hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - cũng cho biết thí sinh có thể sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển vào các ngành của trường này.
Lùi thời gian xét tuyển và đăng ký nguyện vọng
Ngày 28-8, Bộ GD-ĐT công bố điều chỉnh một số mốc thời gian trong lịch triển khai công tác tuyển sinh trình độ ĐH và trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non. Sự thay đổi này, theo Bộ GD-ĐT, đảm bảo tính ổn định, khách quan và công bằng cho thí sinh toàn quốc, giảm áp lực cho các trường và học sinh.
Bộ sẽ xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề (trước ngày 17-9) ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT lần 2.
Thời gian thí sinh bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng sẽ thực hiện sau khi các sở xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ đợt 2, trong đó thời gian cho điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ 19-9 đến 25-9) và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ 19-9 đến 27-9).
Để thống nhất công tác xét tuyển, lọc ảo trong toàn hệ thống, Bộ GD-ĐT quyết định điều chỉnh thời điểm tổ chức xét tuyển lọc ảo (như dự kiến ban đầu, thời điểm điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh thi đợt 1 sẽ lùi xuống 6 ngày) để kết hợp với điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh thi đợt 2.
Bộ GD-ĐT lý giải việc tổ chức điều chỉnh nguyện vọng chung cho cả hai đợt thi sẽ cho phép thí sinh đợt 2 được tham gia điều chỉnh nguyện vọng cùng với thí sinh thi đợt 1. Điều này rất quan trọng với các thí sinh chuẩn bị thi đợt 2, các em sẽ không có tâm lý bị "nằm ngoài" hệ thống, cùng được xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng một cách công bằng.
TRẦN HUỲNH - NGỌC DIỆP
Nguồn: https://tuoitre.vn/diem-thi-cao-thay-doi-nguyen-vong-nhu-the-nao-2020082910075483.htm