Đại biểu Quốc hội tranh luận lại với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về thủy điện
(NLĐO)- Đó là tranh luận của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vấn đề thuỷ điện tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 5-11.
Ngày 5-11, tiếp tục ngày thứ 4 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, quản lý xây dựng, vận hành thủy điện vẫn là vấn đề "nóng" được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm nêu ý kiến, tranh luận.
Bày tỏ lo ngại về vấn đề thủy điện sau đợt mưa lũ lịch sử tại miền Trung vừa qua, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Trước đó tại phiên thảo luận ngày 4-11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phát biểu làm rõ một số nội dung về thủy điện. Trong đó, có đề cập đến tình trạng sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung là gắn chặt với yếu tố dị thường của thời tiết, mưa lớn kéo dài, thời gian lưu bão lâu.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Phát biểu tranh luận với tư lệnh ngành Công Thương, ĐB Nguyễn Thanh Hồng cho rằng phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến hôm nay thì mọi thứ chúng ta đều đúng, "chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá".
Theo vị ĐB tỉnh Bình Dương, khi Bộ trưởng Bộ Công Thương nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch và do tổ chức thực hiện, nhận định như vậy là chưa ổn. Ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. "Hôm qua có ĐB nói gió lũ mưa ngàn, cha ông ta cũng nói tức nước vỡ bờ, làm nhiều đập thủy điện sẽ khiến nước dâng cao, phải tìm đường thoát, trái quy luật tự nhiên sẽ gây ra hậu quả" - ĐB Hồng nói.
Sau đó, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cũng đã đăng ký tranh luận với một số ĐB khác về câu chuyện thủy điện. ĐB Thịnh cho rằng, các dự án thủy điện có 2 mặt. "Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng các quy trình chúng ta đã làm đúng, như vậy chúng ta cần ủng hộ những điều này. Còn mặt tiêu cực, hiện nay Bộ Công Thương đang kiểm soát tương đối chặt chẽ, chúng ta cần ủng hộ. Nhưng chúng tôi cũng đề nghị Bộ trưởng lưu ý là những tiêu cực đó cần được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn"- ĐB Thịnh nhấn mạnh.
Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, trước đó, ĐB Dương Trung Quốc có phát biểu các dự án "thủy điện như quả bom nổ chậm". Ông Thịnh không đồng tình với điều này và cho rằng đặt vấn đề thủy điện như quả bom nổ chậm có đúng hay không?
"Nếu đúng như quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo ngòi nổ đó. Nếu đúng là quả bom thì cũng không đến mức độ như quả bom nổ chậm. Nếu đúng quả bom nổ chậm thì nguy hiểm quá. Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ điều đó. Tôi cũng đồng tình với những giải pháp mà Bộ Công Thương đang kiểm soát và chúng ta nên đồng tình chuyện đó, chúng ta nhận thức được tiêu cực thì sẽ có những giải pháp hiệu quả"- ĐB Thịnh bày tỏ quan điểm.
Về phía ĐB Dương Trung Quốc, ông cho biết khi nêu "thuỷ điện như quả bỏ nổ chậm" là đưa ra cảnh báo cho hàng chục năm tới, cho con cháu đời sau, không phải câu chuyện của hôm nay. "Nếu ta không nhìn trước được thì chúng ta sẽ để lại di họa cho con cháu mai sau. Ngày hôm qua tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì được đồng chí ấy nói có giải pháp hợp lý hơn, đó là ngày từ đầu khi tham gia dự án thủy điện thì chủ đầu tư đã phải đóng khoản tiền như là phí môi trường để sau này xử lý hậu quả khi dự án thủy điện hến hạn sử dụng"- ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Vị ĐB cho rằng Nhà nước phải nắm đằng chuôi trong vấn đề phát triển thủy điện, nhà nước phải đóng vai trò quản lý chứ doanh nghiệp thì họ rất dễ thoái thác, chối bỏ trách nhiệm.
Ở góc nhìn khác, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng phải nhìn nhận khách quan khi nói về thủy điện và sự tàn phá của nó trong đợt mưa lũ vừa rồi. Theo ông Vân, vai trò của thủy điện không chỉ đơn thuần là cung cấp điện năng mà góp phần vào trị thủy.
Dẫn chứng cho việc này, đại biểu Lê Thanh Vân nhắc đến vai trò trị thủy của đập thủy điện Sông Đà. "Trước đây khi chưa có đập thủy điện Sông Đà thì vùng đồng bằng sông Hồng rất hay bị ngập lụt, đặc biệt là trận lụt năm 1971, Hà Nội phải phá đê ở Chương Mỹ (Hà Tây cũ) để cứu Hà Nội. Tuy nhiên, khi đập thủy điện Sông Đà được xây dựng thì đã giải quết được nguy cơ lũ lụt ở hạ lưu"- ông Lê Thanh Vân nói.
Cũng theo ĐB Vân, mặt trái của thủy điện chính là sự lạm dụng trong đặt vị trí xây dựng của các dự án. Một số chủ nhà máy thủy điện đã không làm đúng chức năng của đập thủy điện điều tiết mức nước, lợi dụng để phá rừng để trục lợi. "Chúng ta không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện"- vị ĐB tỉnh Cà Mau nêu quan điểm.
Minh Chiến - Văn Duẩn