NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Những phụ nữ kiên cường, vượt qua nỗi đau để cứu sống... người dưng

on .

Người mẹ đầy khắc khổ ấy bảo: 'Nếu giúp được cho ai thì giúp, tôi chỉ muốn biết cơ thể con tôi đã hiến đang sống trong người khác khỏe mạnh là tôi đã mãn nguyện.'

Chị Nguyễn Thị Huyền thêm phần trách nhiệm của người cha, một mình gồng gánh, chăm nuôi 4 con nhỏ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Hơn nửa năm nay, nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, chị Nguyễn Thị Huyền (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) phải thêm phần trách nhiệm của người cha, một mình gồng gánh, chăm nuôi 4 con nhỏ.

Khi nhận lời mời đến dự sự kiện tri ân các gia đình có người hiến tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị cứ phân vân mãi. 4 đứa con thì 2 bé sinh đôi chưa đầy 2 tuổi, ốm suốt ngày, nhà thì neo người… Rồi, chị Huyền quyết định gia đình trông giúp các cháu bé để tới tham dự chương trình.

Khán phòng im phăng phắc, chị Huyền và người thân ngồi một góc hội trường. Trên khuôn mặt của hơn 20 gia đình được tri ân, ai cũng đượm buồn...

Vừa làm mẹ, vừa làm cha...

Nhắc lại câu chuyện về chồng - anh Trần Văn Mạnh, chị Huyền vẫn không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Trong câu chuyện, những giọt nước mắt cứ rơi trên gò má người phụ nữ ấy. Đã hơn 100 ngày anh rời xa chị và 4 đứa con thơ. Một mình chị vừa làm mẹ, vừa gánh thêm trách nhiệm của người cha để lo co các con.

Chị kể, anh chị lấy nhau được hơn 10 năm, gia đình hai bên cũng khó khăn, chưa thể có một cuộc sống dư giả nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ. Anh chị có với nhau 4 người con, bé lớn nhất 10 tuổi, hai bé trai song sinh mới gần 2 tuổi. Từ ngày có hai bé sinh đôi, chị Huyền ở nhà trông con nhỏ, không còn đi làm nữa. Một mình anh Mạnh đi làm để lấy chi phí trang trải cho gia đình.

Dịch COVID-19 khiến gia đình chị Huyền gặp nhiều khó khăn. Tới ngày 12/9/2020, anh Mạnh bị tai nạn giao thông khi chỉ cách nhà vài chục mét. Khi đó, hai cậu con trai sinh đôi của chị mới 15 tháng, ra vào viện như cơm bữa.

“Hôm đó, anh vẫn còn thông báo có tiền thưởng, tối về sẽ đưa cho vợ. 11 giờ đêm, tôi bàng hoàng khi những người hàng xóm thông báo chồng mình tai nạn ngay gần nhà,” chị Huyền nhớ lại.

Những người thân trong gia đình đã đưa anh Mạnh đi cấp cứu. Bác sỹ chẩn đoán anh lên cơn đột quỵ do dị dạng mạch máu bẩm sinh, dẫn tới tự ngã xe và đầu bị đập xuống đất.

Ở nhà lo cho chồng ngay ngáy nhưng chị Huyền vẫn không thể lên bệnh viện thăm nom bởi 2 cậu con trai út đang bị ốm. Mọi thông tin về chồng chỉ được cập nhật qua những cuộc điện thoại liên hồi với chị gái ruột đang túc trực bên ngoài cửa phòng cấp cứu.

Rồi, trong một cuộc điện thoại, chị gái thông báo tình trạng của Mạnh quá nặng, không thể qua khỏi. Vừa ôm con trong lòng, chị Huyền một lần nữa như chết lặng. Sau những đớn đau tột cùng, chị gái cũng cho biết bác sỹ bảo chống chị bị chết não, những phần cơ thể còn lại vẫn nguyên vẹn và có thể giúp cứu sống rất nhiều người khác nếu hiến tạng.

Anh Mạnh vốn còn trẻ, không ốm đau gì. Đứng trước quyết định hiến tạng của chồng là một tình huống có lẽ chưa bao giờ chị nghĩ tới.

Được sự đồng ý của gia đình, toàn bộ mô, các tạng (tim, gan, phổi, thận), gân, mạch máu, giác mạc… của anh Mạnh đã được hiến tặng để cứu giúp những người khác được hồi sinh sự sống. Từ một phần nguồn mô tạng quý giá từ anh Mạnh hiến, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã tiến hành một loạt ca ghép tạng với nhiều kỷ lục trong tháng 9.

Chị Huyền tâm sự: "Tôi muốn trước khi anh ra đi vẫn có thể làm được một điều gì đó thật tốt đẹp cho đời. Về phần gia đình mình, tôi muốn các con được tự hào về bố, vì bố đã giúp cứu sống rất nhiều người."

Ngày anh Mạnh ra đi, hai bé sinh đôi đang ốm. Chưa kịp lo hậu sự cho chồng chị Huyền lại hành trang đưa con đi viện. Nén nỗi đau, hôm sau chị lần lượt đưa từng đứa con vào viện để điều trị viêm đường hô hấp dưới. Mọi việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị gái chị đứng ra lo liệu.

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tri ân những gia đình hiến tạng trong năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thiếu đi người chồng là trụ cột trong gia đình, 5 tháng vừa qua, cuộc sống của mẹ con chị Huyền không hề dễ dàng, đầy rẫy những khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Chị vẫn gắng gượng để vượt qua nỗi đau, cáng đáng gia đình để nuôi các con.

Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất hiện tại, chị gạt nước mắt khẽ nói: "Tôi chỉ ước có dịp nào đó được gặp một trong số những người đã ghép tạng của chồng, để tôi và các con có thể được thấy được những thành quả của gia đình mình cho đi đã cứu sống được người khác, để các con tự hào về những nghĩa cử cao đẹp về sự ra đi đột ngột của bố."

Người mẹ mạnh mẽ

Một góc khác ở hội trường, bà Nguyễn Thị Lừng (Bắc Giang) cũng vừa phải trải qua nỗi đau mất con đột ngột. Người con trai duy nhất của bà mất vào ngày 12/12/2020.

Bà Lừng cũng là một trong những trường hợp đặc biệt, cuộc sống của bà đầy rẫy những khó khăn. Chẳng ai có thể ngờ, niềm tin duy nhất trong cuộc đời này của bà là cậu con trai đã lặng lẽ bỏ bà ra đi từ rất sớm.

Bà Lừng bị nhà chồng ruồng rẫy ngay từ khi mang thai cậu con trai được hơn 1 tháng. Dù khó khăn, nghèo khó nhưng bà vẫn cố gắng chăm lo nuôi dưỡng cho con trưởng thành. 18 năm qua, một mình bà lặng lẽ nuôi con.

“Một tuần nằm viện phẫu thuật, mọi sự kỳ vọng dần tuột khỏi tay. Bác sỹ bảo, con trai không thể qua khỏi. Khi đó, tôi chỉ muốn nhảy lầu chết theo con,” bà kể lại.

Bà Nguyễn Thị Lừng (Bắc Giang) cũng vừa phải trải qua nỗi đau mất con đột ngột. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Câu hỏi của bác sỹ “Bà có muốn hiến tạng cho mình cứu những người khác không?” như cứa vào lòng bà. Vật vã suốt một đêm, bà Lừng quyết định hiến tạng con để mang lại cơ hội sống cho những người khác, để sự ra đi của con có ý nghĩa hơn.

“Mình đã khổ cả một đời. Dù con đã mất, nhưng tôi muốn bộ phận con mình được tiếp tục sống và mang cơ hội sống trao cho người khác,” bà Lừng bộc bạch.

Người mẹ đầy khắc khổ ấy bảo: “Nếu giúp được cho ai thì giúp, tôi chỉ muốn biết cơ thể con tôi đã hiến đang sống trong người khác khỏe mạnh là tôi mãn nguyện.”

Đó là những tâm sự của hai người phụ nữ trong số hơn 20 gia đình trong buổi tri ân các gia đình hiến tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong năm qua. Những câu nói nghẹn ngào của những người vợ, người mẹ dù cuộc sống còn nhiều khó khăn phía trước nhưng họ vẫn kiên cường, đã hiến cơ thể chồng mình, con mình cứu sống những người khác khiến ai nấy đều xúc động không cầm được nước mắt.

Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay những năm qua tại bệnh viện đã có 1.100 người bệnh được ghép thận, 90 ca ghép gan, 34 người ghép tim và năm người bệnh được ghép phổi. Tất cả người nhận tạng ghép đều đang sống khỏe mạnh, nhờ vào tạng hiến của người cho chết não.

Trong năm 2020, đã có hơn 20 gia đình đồng ý hiến tạng người thân để cứu sống thêm nhiều người khác. Nhờ vào nghĩa cử cao đẹp ấy, thầy thuốc và nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mới có thể tiến hành kỹ thuật cao, trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về ghép tạng, được người bệnh và đồng nghiệp tin tưởng.

Một mùa Xuân lại về trên khắp đất nước hình chữ S với mai vàng đào thắm. Và, ở đâu đó, những mầm sống đang được hồi sinh trên những thân cây bệnh tật.

Tại buổi lễ tri ân những gia đình hiến tạng, giáo sư Trần Bình Giang bày tỏ lòng tri ân chân thành, sâu sắc của các thầy thuốc cũng như thay lời cho người bệnh nhận nguồn tạng hiến biết ơn tới người hiến tạng và thân nhân của họ. Mong rằng, những nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ tiếp tục được nhân rộng để cuộc đời luôn ngập tràn những nụ hoa nhân ái.../.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn: https://baomoi.com/nhung-phu-nu-kien-cuong-vuot-qua-noi-dau-de-cuu-song-nguoi-dung/c/37957758.epi