Tóm tắt:
Bài viết tìm hiểu mô hình doanh nghiệp spin-off với tư cách là một giải pháp mới để cải thiện hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các trường đại học ở nước ta hiện nay. Từ những thách thức do mô hình doanh nghiệp spin-off mang đến, bài viết đưa ra những đề xuất giúp mô hình doanh nghiệp spin-off trở thành một giải pháp hữu ích cho việc cải thiện hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ tại các trường đại học.
Từ khóa: spin-off, doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ, tài sản trí tuệ, thương mại hóa, trường đại học.
1. Đặt vấn đề
Ở thời điểm hiện tại, hiệu quả hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các trường đại học tại Việt Nam chưa cao [1]. Nguyên nhân là phần lớn các trường đại học chỉ tập trung vào nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khác với nhiều trường đại học tại Việt Nam, ngoài các hoạt động truyền thống này, các trường đại học hiện đại trên thế giới còn tập trung vào công tác khác như liên kết với lĩnh vực kinh doanh và dần đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của quốc gia. Theo đó, nhiều trường đại học đã chú trọng việc khai thác thương mại các công nghệ hiện đại có được qua hoạt động nghiên cứu khoa học [2]. Điều này không chỉ đóng góp lớn vào tăng trưởng và phát triển kinh tế mà còn là nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến cho các ngành công nghiệp. Trong số các mô hình phục vụ cho thương mại hóa các nghiên cứu khoa học, việc thành lập các doanh nghiệp spin-off thuộc các trường đại học được xem là cơ chế quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động này [3]. Doanh nghiệp này xuất hiện lần đầu tiên tại Anh vào cuối thế kỷ 19 và nhanh chóng được quan tâm, ứng dụng ở các nước phát triển trên thế giới.
2. Tổng quan tài liệu và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan tài liệu
Thực tế hiện nay cho thấy, mô hình doanh nghiệp spin-off chưa được quan tâm nghiên cứu chuyên sâu và áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Ngược lại, mô hình này đã được nghiên cứu, triển khai và phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia phát triển từ rất lâu. Do đó, bài viết sử dụng nhiều tài liệu nước ngoài khi nghiên cứu về doanh nghiệp spin-off.
Đầu tiên, quan điểm của Rogers và Takegami (2001), Nico-laou và Birley (2003), Conti và cộng sự (2011) đã được sử dụng để tìm hiểu khái niệm, cách hiểu về doanh nghiệp spin-off.
Nghiên cứu của Fini, R., Fu, K., Mathisen, M.T. và cộng sự (2017) đã phân tích những yếu tố thể chế quyết định số lượng và chất lượng doanh nghiệp spin-off.
Bigliardi, B, Galati, F, Verbano, C (2013) đã nghiên cứu, đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp spin-off và đưa ra những bài học từ kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia.
Nghiên cứu của Gregorio Calderón-Hernández, Yudy Andrea Jiménez-Zapata, Héctor Mauricio Serna-Gomez (2020) cung cấp phân tích về những rào cản đối với việc thành lập doanh nghiệp spin-off qua nhiều khía cạnh. Đặc biệt, nghiên cứu này cũng đã đề cập đến những khó khăn của các trường đại học tại các nước đang phát triển khi áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off.
Bên cạnh đó, để tìm hiểu những thách thức mà các trường đại học và nhà nghiên cứu phải đối mặt khi áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off tại Việt Nam, tác giả đã nghiên cứu một số tài liệu khác như:
Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Công nghệ cao năm 2008, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành được nghiên cứu để tìm hiểu về quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp spin-off.
Nghiên cứu của Đặng Thị Tố Tâm (2020) về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ từ trường đại học đến doanh nghiệp đã đưa ra những số liệu và phân tích về thực trạng hạn chế trong khả năng ứng dụng, khai thác thương mại của các kết quả nghiên cứu.
Trong bài viết “Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ: Rào cản và giải pháp khắc phục”, tác giả Lê Hoằng Bá Huyền (2019) đã nghiên cứu những khó khăn về vấn đề vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ đối với các doanh nghiệp.
Cùng với đó, một số phân tích và số liệu thực tế về khó khăn trong việc tiếp cận các ưu đãi nói chung và ưu đãi về vốn đầu tư nói riêng của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Việt Nam trong một số bài báo cũng được sử dụng.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong bài viết, bằng phương pháp tổng hợp, phương pháp phân tích, các tác giả đã tìm hiểu những khái niệm, cách hiểu khác nhau về mô hình doanh nghiệp spin-off và đưa ra quan điểm của mình về mô hình này. Bên cạnh đó, phương pháp tổng hợp, phương pháp phân tích và phương pháp đánh giá cũng được sử dụng để nghiên cứu những khó khăn khi áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off trong các trường đại học ở Việt Nam. Từ đó, các tác giả đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khi áp dụng mô hình này trong thực tế.
3. Kết quả và thảo luận 3.1. Khái quát về doanh nghiệp spin-off
Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ, hay doanh nghiệp spin-off (spin-off, academic spin-off, hay university spin-off) được xem là loại doanh nghiệp khởi nghiệp rất đặc biệt và không thể so sánh một cách toàn diện với các loại doanh nghiệp khác [4]. Trong nhiều năm qua, vẫn còn tồn tại nhiều khái niệm khác nhau về doanh nghiệp spin-off. Ví dụ, Rogers và Takegami (2001) đã định nghĩa spin-off là những công ty dựa trên các tổ chức R&D mẹ, cụ thể là phòng thí nghiệm R&D của Chính phủ, trường đại học, trung tâm nghiên cứu của trường đại học và các tổ chức R&D tư nhân. Bên cạnh đó, Nico-laou và Birley (2003) cũng đã đề xuất một định nghĩa về spin-off có tính đến yếu tố con người. Theo đó, spin-off là một công ty được thành lập bởi các cá nhân từng là nhân viên của tổ chức mẹ, là nơi công nghệ và những nhà phát minh có thể tách ra khỏi tổ chức, hoặc là nơi công nghệ được chuyển giao từ tổ chức mẹ nhưng nhà phát minh vẫn thuộc các trường đại học, hoặc là nơi công nghệ được chuyển giao từ tổ chức mẹ trong khi những nhà phát minh sẽ không duy trì mối quan hệ với công ty mới nhưng có thể sở hữu vốn. Conti và cộng sự (2011) cũng đã định nghĩa spin-off là những công ty được phát triển từ trường đại học, nơi một nhóm các nhà nghiên cứu thành lập đơn vị kinh doanh nhằm mục đích khai thác các kỹ năng và kết quả từ những nghiên cứu được thực hiện trong trường đại học.
Như vậy, theo cách hiểu chung nhất, mô hình spin-off là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, được khởi nguồn chủ yếu từ các trường đại học, các viện nghiên cứu hoặc do cá nhân, tập thể các nhà nghiên cứu có nguyện vọng tách ra khỏi tổ chức mẹ để tự mình phát triển nghiên cứu và kinh doanh. Mục tiêu chính của doanh nghiệp spin-off là trở thành nơi mà các nghiên cứu khoa học, công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học được áp dụng, phát triển và tối đa hóa khai thác thương mại.
3.2. Những khó khăn khi áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off trong các trường đại học ở Việt Nam
Với mục tiêu rất thiết thực mà mô hình spin-off mang đến, tại nhiều nước phát triển trên thế giới, mô hình này đã trở thành một lựa chọn phổ biến khi trường đại học, viện nghiên cứu muốn nâng cao hiệu quả khai thác thương mại các nghiên cứu khoa học của mình [5]. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, mô hình spin-off vẫn còn tương đối mới mẻ, chưa thực sự được quan tâm triển khai trên thực tế. Lý do là vì việc áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off còn gặp khá nhiều khó khăn. Nhìn chung, những thách thức mà các trường đại học, nhà nghiên cứu có thể đối mặt khi triển khai mô hình doanh nghiệp spin-off đó là:
Thứ nhất, khả năng ứng dụng và khai thác thương mại của các kết quả nghiên cứu còn hạn chế [6]. Với tình hình thực tế như hiện nay, còn nhiều giảng viên và các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học vẫn thường thực hiện việc nghiên cứu để phục vụ cho mục đích công bố, giảng dạy. Do vậy, các nghiên cứu này thường nằm trong khuôn khổ các phòng thí nghiệm và mang tính lý thuyết cao. Hơn nữa, có một số trường hợp, do bản thân nhà nghiên cứu chưa tìm hiểu, nắm bắt được sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, do vậy, họ lại nghiên cứu và cho ra những kết quả đã tồn tại và khai thác trước đó. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các chủ đề để thực hiện nghiên cứu khoa học vẫn chưa gắn liền với nhu cầu của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu thực tế của thị trường. Chính vì thế, các kết quả nghiên cứu khoa học được thực hiện tại các trường đại học thường gặp khó khăn, hoặc thậm chí là không thể ứng dụng, khai thác thương mại trên thị trường. Như đã phân tích ở phần trên, doanh nghiệp spin-off được thành lập nhằm mục tiêu khai thác các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học để phát triển thành các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường [4]. Có thể thấy rằng, tiềm năng để thành lập và phát triển doanh nghiệp spin-off phụ thuộc rất lớn vào các nghiên cứu khoa học từ các trường đại học. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học hiện tại ở các trường đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế về khả năng ứng dụng và khai thác thương mại. Điều này đã trở thành một thách thức lớn đối với việc triển khai, ứng dụng mô hình spin-off ở các trường đại học tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Thứ hai, quy định pháp luật điều chỉnh doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Thực tế hiện nay cho thấy, pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh trực tiếp đối với mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể tìm thấy một số quy định có liên quan đến vấn đề này. Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp spin-off là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, lĩnh vực này chủ yếu được quy định trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 [7], Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 [8], Luật Công nghệ cao năm 2008 [9] và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, mục tiêu chính của doanh nghiệp spin-off là nơi mà các nghiên cứu khoa học, công nghệ của các trường đại học và các nhà khoa học được áp dụng, phát triển và tối đa hóa khai thác thương mại. Do vậy, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu là vô cùng cần thiết và mang tính sống còn đối với doanh nghiệp spin-off. Hiện nay, vấn đề này được quy định bởi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 [10] và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Với tư cách là một doanh nghiệp, việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp spin-off cũng được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp 2020 [11], có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 cùng với đó là các văn bản liên quan. Thêm vào đó, liên quan đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP [12] về doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng đã có những quy định liên quan đến việc thành lập, hoạt động và các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Dễ dàng nhận thấy rằng, pháp luật Việt Nam có hàng loạt những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp khoa học và công nghệ nói chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ hay doanh nghiệp spin-off vẫn chưa được đề cập một cách trực tiếp, cụ thể. Đây có thể xem là một trong những rào cản lớn nhất cho sự hình thành và phát triển mô hình doanh nghiệp spin-off ở Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, vấn đề về vốn [13]. Trong khuôn khổ bài viết, doanh nghiệp spin-off đang được phân tích là doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ trong các trường đại học. Với đặc trưng là hoạt động nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hầu hết các doanh nghiệp spin-off sẽ tập trung khai thác các công nghệ mới, chưa khai thác trên thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp spin-off khi bắt tay vào hoạt động sẽ gặp rất nhiều thách thức như vấn đề về vốn, sản xuất, phân phối, quản trị,… Tất cả những yếu tố này tạo nên những rủi ro nhất định đối với doanh nghiệp spin-off khi mới thành lập. Chính vì những rủi ro mà mô hình này có thể mang đến, các trường đại học (đặc biệt là các trường công) rất khó để có thể giải quyết bài toán về vốn đầu tư cho các doanh nghiệp spin-off. Thực tế, các trường đại học chủ yếu đóng góp, đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ bằng cách chuyển giao quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu, cho phép sử dụng những cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành cần thiết và thậm chí thông qua danh tiếng, uy tín của trường. Ngược lại, khi vừa mới thành lập, bản thân doanh nghiệp spin-off lại cần rất nhiều vốn đầu tư cho hầu hết các hoạt động từ nghiên cứu, đầu tư dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu cho đến cơ sở vật chất, chi phí vận hành doanh nghiệp,… Như vậy, một doanh nghiệp spin-off khi mới thành lập đòi hỏi cần phải có thêm nhiều sự đầu tư của chính những thành viên sáng lập, các tổ chức, quỹ đầu tư,… Trên thực tế, doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách ưu đãi, đặc biệt là đối với nguồn vốn ưu đãi [14]. Mặt khác, bởi bản thân các trường đại học chiếm tỷ lệ sở hữu lớn hoặc thậm chí chi phối các doanh nghiệp spin-off nên đã khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy không thực sự bị thu hút bởi mô hình mới này. Do đó, việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư vào doanh nghiệp spin-off cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, vì lý do thị trường vốn tại Việt Nam, đặc biệt là đối với vốn đầu tư mạo hiểm hiện nay chưa phát triển, nên khả năng nhận được vốn đầu tư của các doanh nghiệp spin-off lại càng bị hạn chế. Tất cả những yếu tố vừa phân tích là một thách thức lớn đối với việc thành lập doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ ở thời điểm hiện tại.
Thứ tư, năng lực quản lý khi triển khai mô hình spin-off. Mặc dù mô hình spin-off được xem là loại doanh nghiệp khởi nghiệp rất đặc biệt và không thể so sánh một cách toàn diện với các loại doanh nghiệp khác. Tuy vậy, bản chất mô hình spin-off vẫn được vận hành với tư cách là một doanh nghiệp thực thụ. Để triển khai, ứng dụng mô hình spin-off, đòi hỏi trường đại học và những nhà sáng lập phải có năng lực quản lý để vận hành doanh nghiệp. Một thực trạng cần phải được nhìn nhận rằng, đối với trường đại học và những nhà sáng lập doanh nghiệp spin-off (chủ yếu là nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên) thì việc điều hành, quản lý doanh nghiệp cũng là một trong những thách thức đáng kể. Do đó, năng lực quản lý doanh nghiệp spin-off cũng là một trong những yếu tố cần phải đề cập khi tìm hiểu về những khó khăn trong việc áp dụng mô hình này trong các trường đại học ở Việt Nam.
3.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả khi áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off tại các trường đại học ở Việt Nam
Qua phân tích ở phần trên, việc áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off ở nước ta hiện nay còn tồn tại khá nhiều khó khăn. Từ đó, xét thấy cần có những giải pháp tích cực để mô hình này có thể triển khai thực hiện một cách thuận lợi, hỗ trợ cho thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các trường đại học, cụ thể như sau:
Bản thân trường đại học và các nhà nghiên cứu cần xem xét lại việc lựa chọn các đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng và thương mại hóa trên thị trường. Để làm được điều này, trường đại học, các nhà nghiên cứu cần thiết phải thiết lập mối quan hệ hợp tác và lắng nghe nhu cầu của các doanh nghiệp để có định hướng phù hợp trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Có như vậy, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới có khả năng ứng dụng, khai thác thương mại làm nền tảng cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ.
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có những quy định đề cập trực tiếp đến doanh nghiệp spin-off. Để tạo điều kiện cho mô hình này phát triển ở Việt Nam, đầu tiên, cần thiết phải có quy định thống nhất cách hiểu về doanh nghiệp spin-off. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần phải có quy định điều chỉnh việc thành lập, quy chế pháp lý về tổ chức quản lý, chế độ tài chính và những vấn đề pháp lý cụ thể khác đối với doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Với bản chất là doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng và khai thác những công nghệ mới và chưa tiếp cận thị trường một cách sâu rộng, cùng với đó là hàng loạt những thách thức khác, mô hình doanh nghiệp spin-off luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì thế, việc khuyến khích và đưa ra những ưu đãi để tạo điều kiện cho mô hình spin-off phát triển ở Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi cụ thể dành cho các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Để thực hiện hiệu quả, cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan sao cho đồng bộ với quy định về doanh nghiệp khoa học công nghệ nói chung và doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ nói riêng. Qua đó, tạo hành lang pháp lý làm tiền đề cho sự hình thành và phát triển mô hình doanh nghiệp spin-off tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi theo đúng tinh thần quy định pháp luật.
Khó khăn về vốn được xem là một trong những rào cản lớn đối với việc thành lập một doanh nghiệp spin-off. Mặc dù hiện nay đã có một số quỹ hỗ trợ đổi mới khoa học và công nghệ, cùng với đó là quỹ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, do doanh nghiệp spin-off là một mô hình tương đối mới mẻ tại Việt Nam, cộng thêm việc quy định pháp luật và các chính sách liên quan đến mô hình này vẫn chưa được hoàn thiện nên việc tiếp cận các quỹ hỗ trợ về vốn đối với các doanh nghiệp thực sự còn rất nhiều khó khăn và phức tạp về mặt thủ tục. Ngay cả bản thân những doanh nghiệp đã được hình thành và phát triển, việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư cho khoa học và công nghệ cũng gặp phải tình trạng tương tự [14]. Do đó, trước mắt, các trường đại học cần phải chủ động đưa ra những biện pháp giải quyết bài toán về vốn đầu tư cho các doanh nghiệp spin-off cũng như xây dựng mạng lưới liên kết tìm kiếm nhà đầu tư cho các mô hình này. Song song đó là việc xem xét đưa ra các phương án nhằm cân bằng lợi ích của bản thân trường đại học, nhà khoa học và nhà đầu tư để mô hình này trở nên thu hút hơn trong mắt những nhà đầu tư tiềm năng cho các doanh nghiệp spin-off. Trong tương lai, cần thiết rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp spin-off dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, thúc đẩy sự phát triển của mô hình này tại Việt Nam.
Liên quan đến năng lực quản lý khi triển khai mô hình doanh nghiệp spin-off, mặc dù đây không phải là thế mạnh của bản thân các trường đại học và nhà khoa học, nhưng đây là khó khăn hoàn toàn có thể khắc phục được. Khi định hướng phát triển mô hình mới mẻ này, trường đại học có thể xây dựng một bộ phận các cán bộ, nhân viên có chuyên môn phụ trách tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm triển khai, quản lý doanh nghiệp spin-off của các trường đại học đã áp dụng thành công mô hình này trên thế giới. Cùng với đó, họ sẽ nghiên cứu quy định pháp luật Việt Nam điều chỉnh những vấn đề pháp lý liên quan đến việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp spin-off. Đội ngũ này sẽ trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ công tác quản lý doanh nghiệp spin-off sau khi được thành lập cùng với những nhà khoa học. Ngoài hoạt động nghiên cứu, bản thân những nhà khoa học cũng cần thiết phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến pháp luật, kinh doanh, kinh nghiệm quản lý thành công doanh nghiệp spin-off trên thế giới. Cùng với đó, các nhà đầu tư, trong khả năng của mình cũng cần thiết xây dựng phương án hỗ trợ cho việc vận hành và quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp spin-off. Sự hỗ trợ lẫn nhau cả từ phía trường đại học, nhà khoa học và các nhà đầu tư sẽ là giải pháp giá trị để bù đắp cho hạn chế về năng lực quản lý khi triển khai mô hình doanh nghiệp spin-off.
4. Kết luận
Trước tình hình hiệu quả thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong trường đại học chưa cao, việc tìm ra những giải pháp để cải thiện hoạt động này là hết sức cần thiết. Doanh nghiệp spin-off là một trong những mô hình tương đối thành công, đóng góp không nhỏ trong việc ứng dụng và khai thác thương mại các kết quả nghiên cứu tại các trường đại học lớn trên thế giới. Tuy nhiên, mô hình này lại khá mới mẻ tại nước ta. Bài viết xác định những khó khăn và đưa các giải pháp nhằm khắc phục những thách thức có thể gặp phải khi ứng dụng mô hình doanh nghiệp spin-off tại Việt Nam. Qua đây, góp phần giúp mô hình này sớm được triển khai, phổ biến rộng rãi, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Trong tương lai, mô hình doanh nghiệp khởi nguồn sáng tạo sẽ giúp các trường đại học, nhà khoa học đóng góp to lớn vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời là nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến cho các ngành công nghiệp.
LỜI CẢM ƠN:
“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một trong đề tài mã số ĐT.20-044”
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Cục Sở hữu trí tuệ (2020). Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Động lực phát triển tài sản trí tuệ. http://www.noip.gov.vn/web/guest/sach-tap-chi-va-tai-lieu-tham-khao/-/asset_publisher/5hGA1SMJFnhf/content/chien-luoc-so-huu-tri-tue-en-nam-2030-ong-luc-phat-trien-tai-san-tri-tue.
Donald S. Siegel, Reinhilde Veugelers, Mike Wright. (2007). Technology transfer offices and commercialization of university intellectual property: performance and policy implications. Oxford Review of Economic Policy, 23(4), 640-660.
Fini, R., Fu, K., Mathisen, M.T. et al. (2017). Institutional determinants of university spin-off quantity and quality: A longitudinal, multilevel, cross-country study. Small Business Economics, Springer, 48(2). https://doi.org/10.1007/s11187-016-9779-9.
Bigliardi, B., Galati, F., Verbano, C. (2013). Evaluating performance of university spin-off companies: lessons from Italy. Journal of Technology Management & Innovation, 8(2).
Lautenschläger, A., Haase, H., Kratzer, J. (2014). Contingency factors on university spin-off formation: An empirical study in Germany. Journal of Entrepreneurship and Public Policy, 3(1), 160-176.
Đặng Thị Tố Tâm (2019). Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ trường đại học đến doanh nghiệp. Tạp chí tài chính, kỳ 2 tháng 11/2019, 86-88.
Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ. Luật số 29/2013/QH13, ngày 18/6/2013.
Quốc hội (2017). Luật Chuyển giao công nghệ. Luật số 07/2017/QH14, ngày 19/6/2017.
Quốc hội (2008). Luật Công nghệ cao. Luật số 21/2008/QH12, ngày 13/11/2008.
Quốc hội (2005). Luật Sở hữu trí tuệ. Luật số 50/2005/QH11, ngày 29/11/2005.
Quốc hội (2009). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Luật số 36/2009/QH12, ngày 19/6/2009.
Quốc hội (2019). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Luật số 42/2019/QH14, ngày 14/6/2019.
13. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp. Luật số 59/2020/QH14, ngày 17/6/2020.
14. Chính phủ (2019). Nghị định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, ngày 01/02/2019.
15. Gregorio Calderón-Hernández, Yudy Andrea Jiménez-Zapata, Héctor Mauricio Serna-Gomez (2020). Barriers to University Spin-Off Creation in an Emerging Context: An Institutional Theory of Organizations Approach. Minerva, Springer, 58 (4):625-650. https://doi.org/10.1007/s11024-020-09407-4.
Lê Hoằng Bá Huyền (2019). Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ: Rào cản và giải pháp khắc phục. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 8/2019, 88-90.
UNIVERSITY SPIN-OFF: THE SOLUTION TO INTELLECTUAL PROPERTY COMMERCIALIZATION IN UNIVERSITIES
Assoc.Prof.Ph.D BANH QUOC TUAN
Thu Dau Mot University
NGUYEN THI THAI HA
Ho Chi Minh City University of Technology
ABSTRACT:
This paper analyzes the university spin-off which is considered a new solution for exploiting and commercializing intellectual properties. By presenting the obstacles to the university spin-off’s development in Vietnam, this paper proposes some solutions to improve the effectiveness in commercializing intellectual properties of Vietnamese universities.
Tạp chí Công thương