Sinh viên nhờ người thi hộ, trường ráo riết tìm hướng phòng chống
iệc gian lận thi cử, nhờ người thi hộ tại các trường đại học không phải mới nhưng gần đây các trường bắt quả tang nhiều trường hợp thi hộ rất tinh vi. Trước tình trạng này, các trường có nhiều giải pháp phòng chống chứ không chỉ đơn thuần siết chặt kỷ luật phòng thi.
Hàng loạt trường hợp sinh viên nhờ thi hộ bị bắt quả tang
Như Dân trí đã thông tin, tối ngày 12/11/2014, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã bắt quả tang 24 thí sinh thi hộ môn tiếng Anh cho sinh viên (SV) hệ Liên thông của trường. Đại diện nhà trường cũng cho biết tình trạng nhờ người thi không phải chưa từng xảy ra ở trường nhưng trước đó chỉ là vài trường hợp lẻ tẻ. Thế nhưng lần này, những đối tượng tham gia thi hộ lần này đã làm giả cả thẻ SV để qua mặt cán bộ coi thi. Thậm chí có trường hợp sử dụng chứng minh nhân dân giả.
Mới đây, TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng cho biết trong tháng 11, trong kỳ thi kiểm tra chuẩn đầu ra B1 môn tiếng Anh, nhà trường phát hiện 36 trường hợp thí sinh thi hộ. Theo quy trình kỳ thi thì trường cũng siết chặt quy trình thi như kiểm tra cả chứng minh nhân dân, thẻ SV, đồng thời trên giấy báo dự thi cũng có dán hình của thí sinh thi. Không như trường hợp tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đa phần các SV này nhờ bạn bè học giỏi thi hộ. Khi vào phòng thi, các em cố tình mặc đồ giống nhau để đánh lừa, gây nhầm lẫn cho cán bộ coi thi. Tuy vậy, những hành vi này không qua mắt được cán bộ coi thi của trường.
Mặc dù so với tổng số 3.800 SV dự thi thì số trường hợp vi phạm này chiếm một tỷ lệ không cao nhưng xét ra 36 trường hợp là một số lớn.
Trên không phải là những trường hợp hiếm gặp mà trước đó nhiều trường khác như: ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM... cũng từng phát hiện thí sinh đi thi hộ cho SV trong trường.
Giải pháp lâu dài chứ không thể chỉ phòng chống
Đối phó với thực trạng này, nhiều trường đều có nhiều biện pháp riêng trong đó đa phần đặt nặng kiểm soát chặt kỷ cương trong phòng thi. Như theo đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, phương án sử dụng thẻ từ để kiểm soát từ cũng là một trong các phương án mà trường từng tham khảo nhưng sau đó nhận thấy khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát những trường hợp SV gian lận. Chính vì thế, trường vừa quyết định thử nghiệm dùng máy lấy dấu vân tay trên 10 ngàn SV học tại cơ sở An Phú Đông (Q.12). Dự kiến, trường sẽ triển khai đại trà trên toàn trường vào giữa tháng này. SV khi đến trường sẽ được điểm danh theo hình thức lấy dấu vân tay. Trường không chủ động thực hiện lấy dấu vân tay cho tất cả SV trước khi vào phòng thi vì việc này mất rất nhiều thời gian. Máy lấy dấu vân tay chỉ được dùng để kiểm tra thông tin SV trong trường hợp nghi ngờ thi hộ.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM dù chưa phát hiện được vụ việc nào có thi hộ nhưng cũng đề phòng bằng kiểm soát thông tin của SV bằng thẻ từ. Ths Phạm Thái Sơn - Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Đầu năm học nhà trường đã kiểm tra tương đôi kỹ như khi làm thẻ SV không nhận ảnh của SV tự chụp mà trường chụp và lưu hồ sơ. Thẻ SV là thẻ từ có liên kết với ngân hàng với nhiều chức năng như: Rút tiền, dùng ra vào trường và thư viện… Đặc biệt, khi đi thi, SV bắt buộc phải mang theo thẻ SV để đối chiếu với dữ liệu đã có sẵn. Trong quá trình làm bài thi, nếu phát hiện hay nghi ngờ thi hộ, trường sẽ kiểm tra thông tin của thí sinh ngay".
Còn theo TS Trần Đình Lý, để ngăn ngừa những vụ việc thi nhờ, thi hộ thì trường cũng siết ngay từ khâu đăng ký dự thi, trên giấy báo dự thi yêu cầu phải có hình của thí sinh kèm làm bảng ảnh SV để so sánh. Ngoài ra, công tác tổ chức thi thì trường cũng mời thêm cả bên An ninh, Công an hỗ trợ. Tuy nhiên, TS Lý cho rằng giải pháp bền vững nhất vẫn chính là tăng cường dạy và học tiếng Anh cho SV. Tại trường có một trường hợp một em học chuyên môn rất tốt, vì học theo tín chỉ nên em này đã rút ngắn thời gian học xuống chỉ còn 3 năm thế nhưng chỉ vì vướng đầu ra môn tiếng Anh nên chưa được ra trường.
Trước đây, cũng như nhiều trường thì môn tiếng Anh, Tin học không được đưa vào dạy chính thức mà để SV tự tích lũy để thi lấy chứng chỉ. Nhưng kể từ năm học 2014 này, trường chính thức đưa vào thành môn chính khóa đối với môn tiếng Anh nên chắc chắn sẽ có thể cải thiện được môn tiếng Anh đối với SV.
TS Trần Đình Lý chia sẻ rằng kể từ kia đưa vào chính khóa thì tỉ lệ thi đậu chuẩn đầu ra tiếng Anh cao hơn thấy rõ. Như vậy, đây cũng là một trong những giải pháp hàng đầu và thực chất nhất. Còn những giải pháp kiểm soát kỹ khi vào phòng thi chỉ làm về mặt hình thức. ThS Phạm Thái Sơn cũng đồng quan điểm đó, ông cho rằng, điều quan trọng là các trường cần khơi gợi tư duy tự học và học thật, thi thật để tích lũy kiến thức.
Lê Phương
Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sinh-vien-nho-nguoi-thi-ho-truong-rao-riet-tim-huong-phong-chong-1006784.htm