TP HCM nâng mức chống dịch lên cao nhất
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, các khu công nghiệp... phải kích hoạt toàn bộ chỉ số phòng chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất
Báo cáo tại buổi họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP ngày 10-5, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hiện TP HCM mới ghi nhận 1 ca Covid-19 tại cộng đồng (bệnh nhân 2910), vốn là F1 của bệnh nhân 2899 tại Hà Nam. Kể từ tháng 2-2021 đến nay, TP HCM không có ổ dịch cộng đồng, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan dịch bệnh rất lớn do TP là trung tâm giao thương, kinh tế - xã hội của cả nước.
Sẵn sàng các phương án
Theo ông Bỉnh, TP HCM có nhiều khu cách ly tập trung trên địa bàn với 41 khách sạn và 350 khu cách ly tại các quận, huyện và đơn vị quân đội. Do đó vẫn có nguy cơ lây nhiễm chéo ra cộng đồng nếu không bảo đảm điều kiện cách ly tập trung. Bên cạnh đó, nhiều người sau cách ly tập trung trở về TP, nhất là các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để làm việc ngay sau kết thúc cách ly, cũng có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng nếu không tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch. Ngoài ra, TP HCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, rất đông bệnh nhân và thân nhân đến khám bệnh và điều trị. Vì vậy, đây cũng được xem là yếu tố nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân trước khi vào TP HCM
Bác sĩ Bỉnh cho biết ngành y tế TP HCM đã dự trữ đầy đủ sinh phẩm, kit xét nghiệm với 90.000 test PCR và 30.000 test nhanh sẵn có, chuẩn bị mua thêm 200.000 test PCR và 100.000 test nhanh. TP HCM cũng đã lên phương án phối hợp giữa cơ sở y tế của TP và trung ương trên địa bàn (24 cơ sở), bảo đảm công suất xét nghiệm 15.000 mẫu trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000 - 40.000 mẫu/ngày.
Ngoài ra, TP huy động 22 trung tâm y tế và các bệnh viện công lập tổ chức 2-3 đội lấy mẫu tại mỗi đơn vị (tổng cộng 250 đội), lực lượng sinh viên các trường đại học y khoa (400 người) thiết lập các đội lấy mẫu phục vụ công tác giám sát cộng đồng và xét nghiệm kiểm tra khi phát sinh ổ dịch.
Tại các khu cách ly, những ê-kíp điều trị cũng đã chuẩn bị kịch bản dịch lan rộng trong cộng đồng từ thấp đến cao, sẵn sàng các phương án bảo đảm năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng. TP HCM cũng sẽ triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường. Mỗi quận, huyện duy trì ít nhất 1 khu cách ly tập trung công suất 100 giường.
"Về điều trị bệnh nhân Covid-19, TP sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị 50-100 người bệnh, dự trù bảo đảm điều trị cho 100-200 người bệnh và nhiều hơn. Ngành y tế TP HCM cũng đang chuẩn bị triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường trình UBND TP, chuẩn bị phương án khi có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" - ông Bỉnh cho hay.
Tái lập các chốt kiểm soát
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch, các khu công nghiệp... phải kích hoạt toàn bộ chỉ số phòng chống dịch ở mức độ cao nhất, tái lập các chốt kiểm soát và các tổ để khai báo y tế tại những cửa ngõ ra vào TP HCM nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly luôn hiện hữu nếu không thực hiện theo quy định phòng chống dịch. Theo Chủ tịch UBND TP HCM, mức độ di chuyển của người dân đến và đi khỏi TP rất lớn, vì vậy không tránh khỏi tình trạng xâm nhập từ các địa phương đang có chuỗi ca bệnh. TP HCM có 1 sân bay và 60 cảng hàng hải lớn nhỏ. Do đó, ông Nguyễn Thành Phong đưa ra một số giải pháp yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không phải thường xuyên triển khai cho nhân viên và hành khách khai báo y tế, không để ùn ứ. Quá trình vận chuyển, lấy mẫu xét nghiệm với những người nhập cảnh cần đúng quy trình theo quy định của ngành y tế. Tại các cảng hàng hải, nơi thường xuyên tiếp nhận tàu vận chuyển hàng hóa nếu ở địa phương nào thì địa phương đó cùng bộ đội biên phòng và cảng vụ xác định quy trình rõ ràng.
Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các quận, huyện cần duy trì ít nhất 1 khu cách ly tập trung 20-50 giường, nếu cần thiết có thể mở rộng lên 100 giường, đặc biệt tại TP Thủ Đức vì đây là địa bàn rộng, dân rất đông. Các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp phải có phương án xử lý từ 1 cho tới nhiều ca. "Nếu không chủ động thì sẽ lây rất nhanh nếu lỡ phát hiện ca bệnh. Xem xét triển khai chỉ số an toàn, nếu cơ sở nào không bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả thì tạm thời dừng hoạt động" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng
Hiện nay, TP HCM có 19.000 tổ Covid-19 với hơn 52.000 thành viên, tất cả đã được tập huấn. Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng tổ Covid-19 cộng đồng là lực lượng nòng cốt, dễ dàng phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép, chùm ca bệnh, tuyên truyền vận động giám sát sự chấp hành của người dân trong thời gian cách ly... Không chỉ lập chốt tại các cửa ngõ ra vào TP HCM, ông Phong còn yêu cầu kể cả những nhà ga, bến cảng, siêu thị cũng cần có chốt kiểm soát và tăng cường kiểm tra thường xuyên.
Bài và ảnh: HẢI YẾN
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-nang-muc-chong-dich-len-cao-nhat-20210510224559037.htm