Bluezone và lằn ranh pháp lý
Bạn sẽ không dễ chịu nếu lực lượng chấp pháp mở hoặc buộc bạn mở điện thoại để kiểm tra xem điện thoại có cài Bluezone không.
Bộ Y tế vừa đề nghị xử phạt người có điện thoại thông minh nhưng không cài đặt phần mềm Bluezone và bật Bluetooth. Mức phạt có thể từ một đến ba triệu đồng.
Theo Quyết định 2666 ngày 29/5/2021 của bộ, việc cài ứng dụng trên "được coi như biện pháp phòng chống dịch". Việc xử phạt dựa trên tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương, theo Nghị định 117/2020 và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Sau khi có nhiều ý kiến phản ứng, Bộ ra văn bản giải thích thêm, rằng hiện có bốn ứng dụng dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, gồm: VHD, tokhaiyte.vn, Bluezone và Ncovi. Chỉ những ai thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh mới phải cài đặt ứng dụng.
Như vậy, để có cơ sở xử phạt, lực lượng chấp pháp có hai cách: được người dân tự nguyện mở điện thoại cho xem app; hoặc phải kiểm tra điện thoại của công dân xem người đó có cài Bluezone hay không. Và để kiểm tra thì phải mở hoặc yêu cầu người dân mở điện thoại. Còn nếu muốn kiểm tra người đó có điện thoại thông minh hay không, cơ quan chức năng phải khám xét hành lý và kiểm thể - khám người.
Những yêu cầu này đặt ra câu hỏi: trong tình huống không bình thường như chống dịch, những việc làm nào của cơ quan chấp pháp được chấp nhận và điều gì không được?
Theo pháp luật Việt Nam và nhiều nước, trong điều kiện quan trọng với cộng đồng hay khẩn cấp, quyền lập pháp, tư pháp phải nhường cho hành pháp. Theo đó, một số quyền cá nhân bị hạn chế hơn bình thường. Nhưng bản thân hành pháp cũng phải theo trình tự nhất định.
Thực hiện điều này, Việt Nam đã có Pháp lệnh tình trạng Khẩn cấp năm 2000 và Nghị định 71 năm 2000 quy định về tình trạng khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp là trạng thái nhất thời, được xác lập từ thời điểm Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố đến khi tuyên bố chấm dứt. Hiện tại, dù đang dịch bệnh, tôi cho rằng Việt Nam chưa đến mức phải tuyên bố như vậy. Và kể cả trong tình trạng khẩn cấp, pháp lệnh lẫn nghị định trên cũng không có điều khoản nào quy định về việc buộc sử dụng một dịch vụ hoặc ứng dụng.
Vậy, làm sao để có thể khám người, kiểm tra điện thoại mà không vi phạm các quy định pháp luật? Chỉ có một cách là ban hành quyết định về việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, theo Điều 128, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, trong điện thoại của công dân còn chứa nhiều thông tin riêng tư khác. Dù người của cơ quan chức năng chỉ kiểm tra điện thoại về việc có cài một app bắt buộc hay không, nó sẽ gây ra nhiều tranh cãi, khiếu nại giữa hai bên. Điều này gây hao tốn thêm nguồn lực xã hội trong khi chúng ta đang phải tập trung chống dịch.
Một lý do khác, đang có tới bốn ứng dụng khai báo y tế, truy vết dịch tễ chính thức mà như phân tích, không phải ứng dụng nào cũng hoàn toàn tiện lợi, nhất là với người lớn tuổi.
Nói như vậy không phải tôi "kỳ thị" Bluezone, vì chính tôi đã cài ứng dụng này. Từ những ngày nhìn hình ảnh cảnh sát giao thông đứng nghiêm đưa tay chào đoàn xe chở các y bác sĩ Quảng Ninh tới viện trợ cho Bắc Giang chống dịch, tôi đã tự hỏi "Sài Gòn có yên không?". Tôi cũng nghe tin báo từ Bluezone và cảm thấy lo cho Thành phố mình, dù khi đó chưa có dịch.
Chúng tôi mong Sài Gòn trở lại bình yên hơn bao giờ hết. Chúng tôi cũng quy định tất cả nhân viên phải khai báo y tế mỗi ngày, nhưng tôi chưa bao giờ yêu cầu các nhân viên bắt buộc phải sử dụng một phần mềm nào, vì tôi hiểu đó là quyền của họ. Người lao động và cơ quan có rất nhiều cách để cập nhật được thông tin dịch tễ của nhau.
Bluezone, xét cho cùng là một dịch vụ miễn phí. Nên dù nó có tính năng ưu việt cỡ nào cũng không thể dùng hành vi sử dụng hoặc không sử dụng một dịch vụ để làm căn cứ xử phạt. Chưa kể, việc xử phạt sẽ gây ra bất bình đẳng giữa người có và không có điện thoại thông minh; giữa phần mềm hoặc ứng dụng của công ty này và công ty khác, vi phạm các quy định về bình đẳng trong kinh doanh và cung cấp dịch vụ.
Về kỹ thuật xây dựng văn bản, quyết định 2666 còn nhầm lẫn giữa câu mệnh lệnh và câu cầu khiến, những từ như "cần", "nên cài đặt" chỉ là các khuyến nghị. Đó là lời khuyên. Khuyên thì người ta có quyền nghe hoặc không. Nó thuộc phạm trù đạo đức và tâm lý xã hội. Khuyên đúng mà không nghe thì chỉ có thể bị lên án hay chê bai chứ không thể bị xử phạt.
Không phải nội dung nào thuộc phạm trù ý thức tự giác, kể cả đạo đức, cũng nên hoặc được quyền thể chế hoá thành luật. Chưa kể, trong trường hợp bất thường và áp lực như đại dịch này, cái có lý và vô lý đôi khi chỉ cách nhau một sợi tơ.
Đức Hiển
Nguồn: https://vnexpress.net/bluezone-va-lan-ranh-phap-ly-4288257.html