Những đứa bé ở TP.HCM không còn vòng tay mẹ

on .

Căn nhà cấp 4 của anh Nguyễn Hữu Liêm nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Chiến Lược, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM hiu quạnh hơn khi vợ anh, là chị L.T.K.H ra đi mãi mãi vì Covid-19.

Ba anh em Nguyễn Tấn Đạt, Nguyễn Tấn Lộc, Nguyễn Tấn Quý đã mất đi tình mẹ /// ẢNH: PHẠM HỮU
Ba anh em Nguyễn Tấn Đạt, Nguyễn Tấn Lộc, Nguyễn Tấn Quý đã mất đi tình mẹ
ẢNH: PHẠM HỮU
Bơ vơ thiếu hơi ấm của mẹ
Hơn tháng trước, 3 đứa con anh Liêm (53 tuổi) là Nguyễn Tấn Đạt (12 tuổi, lớp 6), Nguyễn Tấn Lộc (10 tuổi, lớp 4), Nguyễn Tấn Quý (6 tuổi, lớp 1) vẫn còn mẹ và ông ngoại. Dịch Covid-19 ập tới, cả nhà anh Liêm lần lượt bị nhiễm bệnh. Ban đầu là người chị anh Liêm, sau đó đến ba vợ rồi đến vợ và các con anh lần lượt đi điều trị. 4 ngày sau, ông ngoại của 3 đứa trẻ trở bệnh nặng mất tại bệnh viện dã chiến. Tiếp đến, ngày 23.8, anh Liêm lại đau xót tột cùng, lặng người không tin vào tai mình khi đến lượt vợ anh cũng ra đi.
Hơn 20 ngày từ hôm vợ mất, một mình anh ở nhà chăm sóc 3 con nhỏ. Với đôi chân yếu ớt vì bị tật, mỗi ngày anh bước chậm rãi từ trong ra cửa mà không giấu được gương mặt đượm nỗi buồn. Anh cứ ngồi ghế trước thềm nhìn vào 3 đứa con đang cùng học phía trong nhà. Đứa thứ hai khi nhắc đến mẹ, thỉnh thoảng ngồi trầm ngâm rồi bật khóc. Đứa út lâu lâu lấp ló chắp tay lạy về phía bàn thờ. “Con đã mất mẹ mãi rồi”, anh Liêm bùi ngùi.
Biến cố quá lớn này làm cả nhà anh Liêm đã khó khăn lại lâm vào tình cảnh quá khó khăn. Vợ làm công nhân là lao động chính trong nhà, anh bị thương tật ở chân vì tai nạn, chỉ đi làm thợ hồ, làm thuê sống qua ngày. Cuộc sống trong những ngày qua lại càng thêm khốn khó, và mai mốt chưa biết sẽ ra sao vì mất nguồn thu nhập.
Gần đây, 3 đứa nhỏ được tặng sách để bước vào năm học mới. Những giờ học trực tuyến phải thay phiên sử dụng chiếc điện thoại của bà dì. Chiếc bàn nhựa được kê tạm quay mặt ra cửa sổ để ngồi học. Buổi sáng Đạt học thì tới chiều Lộc ngồi vào. Cứ thế mỗi ngày trôi qua, những đứa trẻ ngồi co cụm lại, phía sau lưng là chiếc bàn thờ của ông ngoại và mẹ.
Những đứa bé ở TP.HCM không còn vòng tay mẹ  - ảnh 1

Em Nguyễn Thanh Ngọc học trực tuyến bên bàn thờ người mẹ vừa mất vì Covid-19

Vừa nhập học vào lớp 10 sau vài ngày mẹ mất, em Nguyễn Thanh Ngọc (học sinh Trường THPT Thủ Đức) lúc nào cũng tự động viên mình sau biến cố quá lớn trong cuộc đời. Ngọc kể, gia đình mình trước kia có 5 người gồm: ba dượng, mẹ và 2 người em. Rồi dịch Covid-19 ập đến, Ngọc và mẹ cùng bị nhiễm Covid-19 lúc nào không hay. Ngày 7.8, một mình Ngọc ôm đồ đi cách ly tập trung. Còn mẹ được đưa đi bệnh viện sinh em bé rồi trở nặng và được chuyển đến bệnh viện tuyến trên ngay sau đó.

Mỗi ngày ở khu cách ly, Ngọc đều trò chuyện với mẹ qua điện thoại, liên tục hẹn ngày về nhà cùng mẹ. Ngày 2.9, Ngọc vui vì được về nhà khi đã xét nghiệm âm tính. Một ngày sau, Ngọc suy sụp khi nhận tin mẹ mất trong bệnh viện vì trở nặng do mất sức sau lần sinh con khi bị nhiễm. “Mẹ vừa sinh xong và mất thì con vừa về đến nhà luôn. Con buồn vô tận, không nghĩ sẽ có chuyện như vậy, con chưa tin được điều đó”, Ngọc nói.
Anh Huỳnh Công Thủy (41 tuổi, cha dượng của Ngọc), cho biết cách đây vài ngày anh vào viện ôm đứa con sơ sinh về nhà. Cháu bé đỏ hỏn phải gửi cho người chị gần đó chăm sóc. Một mình anh bây giờ gồng gánh nuôi 3 đứa nhỏ còn lại thay vợ, trong tình cảnh công việc bị ngưng trệ. Bây giờ, anh chỉ còn chờ ngày hết dịch để đi làm kiếm tiền nuôi 4 đứa con.
Giữa căn nhà thuê nhỏ bé nằm trên đường số 5, P.Linh Trung (TP.Thủ Đức) là chiếc bàn thờ mới lập, luôn nghi ngút khói nhang. Thời gian này, Ngọc luôn cố nén nỗi đau của mình mỗi khi nhắc về mẹ. Em chỉ dám khóc khi đêm về vì trào lên nỗi nhớ!
Những ngày học trực tuyến, Ngọc cố gắng để hòa nhập với cả lớp. Ngọc kê bàn ngồi ngay trước bàn thờ mẹ, còn đứa em nhỏ nằm ngủ cạnh bên. Có lúc Ngọc mất tập trung khi đang học bỗng chốc nhớ về mẹ. Tuy nhiên, Ngọc luôn tự động viên mình cần phải vượt qua được biến cố lần này. “Con nhận được nhiều lời động viên từ cô giáo, bạn bè, người thân nên sẽ cố gắng mạnh mẽ. Nếu bị suy sụp sẽ thiệt thòi cho con, thiệt thòi cho em con. Con sẽ chăm sóc em thay mẹ, sẽ ráng học tốt hơn để mẹ không buồn”, Ngọc rưng rưng nói.
Phạm Hữu