NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Sau Uber, đến lượt xe ôm thông minh

on .

Với gần 40 triệu xe máy tại Việt Nam, việc kết nối những xe máy này với người có nhu cầu đi nhờ sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng ùn tắc, mà còn tạo ra loại hình kinh doanh mới. Nhiều người gọi vui đây chính là tương lai của xe ôm hiện đại.

Xuất hiện từ giữa tháng 11 vừa qua, GrabBike - ứng dụng kết nối chủ xe máy với người có nhu cầu di chuyển thông qua điện thoại thông minh (smartphone) đã nhận được phản hồi khá tích cực từ nhiều tài xế xe ôm, những người đi xe máy và người có nhu cầu di chuyển.

Ứng dụng nói trên do một công ty phần mềm xây dựng và đang được thử nghiệm tại TP HCM. Cơ chế hoạt động của GrabBike giống như Grab Taxi, Uber, Easy Taxi… mà nhiều khách hàng đã quen thuộc.

Ứng dụng này được nhiều người ví như hình thức đi nhờ để tiết kiệm... tương tự loại hình Uber trên ô tô

 

Đại diện Grab Taxi Việt Nam, đơn vị xây dựng và cung cấp ứng dụng này, cho biết với GraBike ai cũng có thể đăng ký tham gia làm tài xế xe ôm. Tuy nhiên, phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân gồm CMND, hộ khẩu, bằng lái…và được công ty kiểm tra. “Đây là một hình thức đi nhờ xe giống như taxi, giúp cho người có phương tiện là xe máy kiếm thêm thu nhập. Sau mỗi chuyến đi, chúng tôi có gửi bảng đánh giá thái độ phục vụ của tài xế đến khách hàng. Nếu nhận những ý kiến tiêu cực tài xế sẽ bị hủy hợp đồng với công ty” - người đại diện nói.

Theo đơn vị cung cấp, ứng dụng được định lượng giá cả nhờ thực hiện hàng chục cuộc khảo sát của các xe ôm tại khắp các quận, huyện TP HCM. Giữa khách hàng và tài xế nắm bắt được thông tin của nhau qua chiếc điện thoại có cài ứng dụng, qua đó giảm thiểu nỗi lo nạn trộm cướp khi đi xe ôm.

Cụ thể, sử dụng ứng dụng này, khách hàng biết trước chi phí phải trả, không phải kỳ kèo trả giá hay bị lừa; theo dõi được lộ trình thông qua điện thoại; biết tài xế là ai, không chấp nhận những tài xế từng bị đánh giá xấu... Với tài xế, không cần chạy loanh quanh đón khách tốn xăng vô ích; khách hàng phải xác minh điện thoại khi sử dụng; biết khách hàng là ai, giảm nguy cơ bị lừa hay cướp xe...

Bạn Hồ Anh Văn, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, thường xuyên đi về giữa Thủ Đức và quận 1. Từ ngày biết đến ứng dụng GrabBike, Văn đã đăng ký hồ sơ đến Grab Taxi Việt Nam và được chấp nhận. Sau giờ học, Văn bật điện thoại và chờ đợi khách hàng yêu cầu. Khi thấy lộ trình yêu cầu của khách trùng đường về nhà trọ Văn sẽ xác nhận chở. Vừa được về nhà vừa có thêm thu nhập. “Những ngày cuối tuần rảnh rỗi, em tranh thủ làm thêm bằng chạy xe ôm GrabBike. Chủ nhật vừa rồi, em kiếm được 320.000 đồng chưa tính tiền xăng” - Văn vui vẻ kể.

Anh Lê Hữu Lộc (bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, quận 1) cho biết: “ Từ ngày bị tai nạn giao thông, mỗi ngày tôi phải di chuyển từ nhà riêng gần cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh) đến bệnh viện bằng xe ôm, tổng quãng đường dài 6,5km, mất 75.000 đồng. Từ ngày sử dụng phần mềm gọi xe ôm bằng ứng dụng điện thoại, số tiền phải trả chỉ còn 51.000 đồng, tính ra tiết kiệm gần 50.000 đồng cho cả 2 lượt đi về”.

Mặc dù vừa mới xây dựng nhưng Grab Taxi đã có gần 2.000 người đăng ký ứng dụng này, với nhiều thành phần khác nhau như sinh viên, tài xế xe ôm, người làm giờ hành chính... Đại diện Grab Taxi Việt Nam cho biết vẫn đang hoàn thiện các cơ chế hoạt động, quy tắc ứng xử của tài xế, bảo hiểm...

Nguồn: http://www.baomoi.com/Sau-Uber-den-luot-xe-om-thong-minh/76/15507599.epi