Ngăn "bom" trái phiếu doanh nghiệp
Bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cho thấy nguy cơ rủi ro rất lớn, đòi hỏi nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát
Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho biết có sự tham gia của các tổ chức tín dụng liên quan vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hủy 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng của nhóm doanh nghiệp (DN) liên quan Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tân Hoàng Minh). Trong đó, có ngân hàng (NH) mua trái phiếu (NH cho DN vay vốn thông qua trái phiếu) và 2 NH nhận quản lý tài sản bảo đảm của DN phát hành trái phiếu.
Mượn danh ngân hàng để huy động vốn (!?)
Chiều 6-4, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) khẳng định "VietinBank không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu trên". VietinBank chỉ thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của nhóm DN liên quan Tân Hoàng Minh.
Trước đó, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng khẳng định chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil trị giá 800 tỉ đồng và lô trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trị giá 800 tỉ đồng.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu với mục đích huy động vốn cho nhiều dự án bất động sản. Ảnh: MINH CHIẾN
Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại TP HCM nhìn nhận nếu Tân Hoàng Minh không đủ tiền để trả vốn gốc và lãi trái phiếu thì đồng nghĩa tổ chức tín dụng mua trái phiếu "dính" nợ xấu và không biết khi nào mới thu hồi vốn được.
Còn việc nhóm DN liên quan Tân Hoàng Minh giao cho NH quản lý tài sản bảo đảm là một trong những chiêu thức khiến nhiều người nhầm tưởng NH sẽ chi trả thay nếu DN không thanh toán được. Từ đó, để thu hút người mua, các công ty chứng khoán làm kênh phân phối thường tiếp thị rằng trái phiếu có sự tham gia của NH để thu được 0,2%-1% tiền phí từ DN phát hành.
"Thực chất của việc NH quản lý tài sản là để thu phí DN. Đồng thời, NH có trách nhiệm phối hợp với DN bán các tài sản bảo đảm, quản lý dòng tiền chi trả thay cho người mua trái phiếu nếu DN phát hành mất khả năng thanh toán" - vị lãnh đạo công ty chứng khoán nói rõ.
Dự án D’. Palais Louis của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội .Ảnh: MINH CHIẾN
Thâm nhập thực tế, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận một công ty chứng khoán làm đại lý phát hành trái phiếu tập đoàn S. (trụ sở chính ở TP Hà Nội). Nhân viên công ty này chào mời người dân mua trái phiếu tập đoàn S. kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 10%, tài sản bảo đảm là các dự án mà tập đoàn này đầu tư tại Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa)... Khi người mua hỏi có đơn vị bảo lãnh thanh toán không, nhân viên công ty chứng khoán cho biết có một NH tham gia quản lý tài sản, đồng thời người mua trái phiếu được thế chấp trái phiếu để vay lại vốn tại một NH.
Đáng lưu ý, chủ của tập đoàn S. còn là chủ của NH nhận thế chấp trái phiếu! Như thế, nhà đầu tư mua trái phiếu rồi thế chấp trái phiếu để vay vốn NH đồng nghĩa với NH đã gián tiếp cho tập đoàn S. vay tiền thông qua trái phiếu mà tập đoàn này bán cho khách hàng. Nếu tập đoàn S. mất khả năng thanh toán trái phiếu dẫn đến người đã thế chấp trái phiếu vay tiền NH không trả được nợ thì NH sẽ dính nợ xấu.
Tương tự, chủ của một NH ở TP HCM đồng thời là chủ của DN bất động sản cũng "hợp tác" phát hành trái phiếu. Theo đó, NH làm kênh phân phối trái phiếu cho DN và sẵn sàng thu mua trái phiếu khi nhà đầu tư có nhu cầu bán lại. Như vậy, NH này gián tiếp cho DN vay tiền - chiêu thức phát hành trái phiếu DN mà các "đại gia" NH và bất động sản từng áp dụng từ hơn 10 năm trước.