Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Có nên tự mua test nhanh sốt xuất huyết để sử dụng tại nhà?
(NLĐO) - Tại khu vực phía Nam và TP HCM nói riêng, dịch sốt xuất huyết đang trong tình trạng báo động khi số ca mắc, chuyển nặng ngày càng nhiều. Trước tình hình này, nhiều người có ý định mua test nhanh sốt xuất huyết để sử dụng.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 - để hiểu rõ hơn về test nhanh sốt xuất huyết.
* Phóng viên: Test nhanh sốt xuất huyết (SXH) là gì, thưa bác sĩ?
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Test SXH đã có từ lâu với 2 loại là test kháng nguyên và test kháng thể.
Test kháng nguyên thường dùng trong 2-3 ngày đầu nhằm tìm kháng nguyên của virus SXH ở người bệnh. Test kháng thể dùng sau khi bệnh nhân sốt 3 ngày trở lên. Lúc này test nhằm tìm kháng thể để xem cơ thể có tạo ra kháng thể chống lại virus SXH hay không. Nếu có 1 trong 2 thì chứng tỏ người bệnh có khả năng mắc SXH hoặc đang mắc SXH.
* Độ chính xác của loại test này như thế nào?
- Thật ra, độ nhạy và độ đặc hiệu của loại test này khá tốt. Tuy nhiên, nó vẫn có thể cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Điều quan trọng là phải theo dõi sát chứ không chỉ khi khẳng định SXH mới theo dõi.
Test dương tính, theo dõi là đúng; song test âm tính mà thấy bệnh cảnh lâm sàng điển hình hay không loại được SXH thì vẫn phải theo dõi. Bởi lẽ, việc theo dõi, phát hiện nguy cơ SXH để xử lý kịp thời là rất quan trọng. Không phải test nhanh âm tính là đã loại được bệnh.
* Khi nào thì sử dụng test nhanh SXH? Có nên mua tset này để dùng tại nhà không?
- Test nhanh SXH không sử dụng tại nhà mà phải sử dụng tại phòng khám hoặc bệnh viện. Bên cạnh đó, có một số nguy cơ như lấy máu không an toàn có thể bị ngoại nhiễm hay thực hiện sai, lỡ người bệnh SXH nhưng kết quả âm tính thì không có kế hoạch theo dõi chính xác.
Ngoài ra, SXH thường gây sốt cao trong 48 giờ đầu hoặc quá 48 giờ nhưng cũng có thể là bệnh nặng khác. Do đó, mua test về nhà thử là không nên mà chỉ nên sử dụng ở cơ sở y tế, tùy vào sự cân nhắc của bác sĩ.
Thông thường, tại những phòng khám, bác sĩ hiểu về test nhanh để lọc ra một phần mới sử dụng tets này. Còn tại bệnh viện, do có nhiều yếu tố khác như thử công thức máu, hẹn tái khám… nên việc sử dụng test nhanh cũng ít.
* Thưa bác sĩ, khi sử dụng test nhanh SXH, cần lưu ý điều gì?
- Khi sử dụng test nhanh, nếu kết quả âm tính giả mà không theo dõi sát, lỡ có dấu hiệu cảnh báo, chuyển nặng nhưng không nhận biết được thì bệnh nhân sẽ tới bệnh viện trễ, ảnh hưởng đến việc điều trị. Những bệnh nhân SXH nặng đến phòng cấp cứu, cần phải can thiệp ngay đa số là tới trễ.
Yếu tố này rất quan trọng, vì hiện nay, số ca SXH nặng nhập viện nhiều. Thậm chí, có trường hợp tới tuyến nào đó, không phát hiện được bệnh nặng nên lưu lại đây hoặc không biết chuyển đến nơi gần nhất để can thiệp ban đầu, còn nếu chuyển đến bệnh viện lớn ở xa trong thời gian kéo dài thì bệnh sẽ rất nặng.