NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Giáo viên đề xuất quy định để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp hiệu quả

on .

Bộ GD-ĐT quy định học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp.

Quy định này trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được nhiều thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối. Ý kiến đồng tình hay phản đối đều viện dẫn, giải thích với những lý do khác nhau giữa lợi ích và hệ lụy khi cho phép học sinh đem điện thoại đến trường và sử dụng điện thoại trong giờ học.

Giáo viên đề xuất quy định để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp hiệu quả - ảnh 1

Sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học là một tất yếu khách quan

ĐÀO NGỌC THẠCH

 
  Là giáo viên, tôi xin được chia sẻ những suy nghĩ cùng đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh để có thêm góc nhìn về câu chuyện xung quanh “chiếc điện thoại”.

Việc Bộ GD-ĐT cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ việc học là một tất yếu khách quan, nhu cầu thực tế. Vì vậy không nên và không thể cấm học sinh đem điện thoại đến trường được, chúng ta không nên cấm khi không quản lý được nhưng cần có giải pháp, quy định hướng dẫn giáo dục học sinh sử dụng điện thoại sao cho đúng.

Vậy để giúp các em có kỹ năng sử dụng điện thoại khai thác kiến thức trong giờ học và giải tỏa băn khoăn của thầy cô, phụ huynh, học sinh, Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn quy định thực hiện việc này một cách thống nhất chung trong cả nước.

Khi cho học sinh được đem và sử dụng điện thoại trong giờ học cần phải thực hiện một số quy định sau:

Trước hết, thầy cô cần xem xét mục đích yêu cầu của bài học để xác định phương pháp giảng dạy, phương tiện thực hiện, nội dung bài học có cần sử dụng điện thoại không nhằm tránh việc lạm dụng điện thoại của học sinh trong giờ học.

Thứ đến, khi sử dụng điện thoại nên tổ chức theo phương pháp thảo luận nhóm, giáo viên dễ dàng kiểm soát việc sử dụng của các em hơn (thường chia từ 4 đến 6 nhóm tương ứng với số điện thoại được sử dụng từ 4 đến 6 cái). Điều này tránh cho học sinh sử dụng điện thoại một cách tràn lan và cũng không yêu cầu tất cả học sinh đều phải có điện thoại.

Khi thảo luận nhóm cần sử dụng điện thoại, giáo viên phải quy định thời gian cụ thể, 5 hay 7 phút (vì thời lượng tiết học có 45 phút) nhằm hạn chế việc học sinh tranh thủ lướt Facebook, chơi game, xem phim, nhắn tin… Khi hết thời gian sử dụng, nhất định các nhóm phải báo cáo kết quả thảo luận, tìm kiếm nội dung yêu cầu của thầy cô. Cuối cùng nên có quy chế sử dụng điện thoại trong giờ học một cách cụ thể, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, học sinh nào thực hiện đúng được khen thưởng để giúp các em dần dần hình thành thói quen văn hóa sử dụng điện thoại.

Việc cho phép học sinh đem và sử dụng điện thoại trong giờ học là tiếp cận sự tiến bộ khoa học là xu thế chung, không nên cấm như trước đây. Tất nhiên với quy định của Thông tư 32, ban đầu không tránh khỏi những băn khoăn lo lắng vì những hệ lụy nói trên. Nhưng tin rằng khi thực hiện với những quy định chặt chẽ, khoa học thì việc sử dụng điện thoại trong giờ học nói riêng dần đi vào nền nếp, tiết học thêm sinh động hấp dẫn hiệu quả, giảm bớt nỗi lo lắng của phụ huynh và thầy cô khi cho học sinh đem điện thoại đến trường.

Nguyễn Văn Lực

Nguồn:https://thanhnien.vn/giao-vien-de-xuat-quy-dinh-de-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-lop-hieu-qua-post1527016.html