Morocco - đội bóng 'không biên giới' đã thổi luồng gió hoang dã vào World Cup
TTO - "Chỉ cần có quan hệ huyết thống với Morocco, bạn là người Morocco" - Fatima Ezzahra Hayad, một người hâm mộ Morocco, phát biểu khi được hỏi về đội tuyển nước nhà.
Trước thềm World Cup 2022, có thể xem Morocco là tập thể "bí hiểm" nhất trong 32 đội tuyển góp mặt ở Qatar khi tồn tại nhiều mâu thuẫn nội bộ và những động cơ thi đấu không rõ ràng. Nhưng rồi "Những chú sư tử Atlas" đã cất tiếng gầm vang, mang đến niềm tự hào cho thế giới Ả Rập trong một kỳ World Cup mà cộng đồng có gần nửa tỉ dân này mang danh chủ nhà.
Người Morocco đánh giá cao thực tế có nhiều cầu thủ đủ khả năng chơi bóng cho các đội tuyển quốc gia ở châu Âu. Nhưng rồi họ đã chọn quê hương của mình.
Giáo sư Mohamed Ben Moussa của ĐH Sharjah
Philippines của... châu Phi
FIFA có một thống kê đặc biệt: có 136 cầu thủ dự World Cup 2022 sinh ra ngoài lãnh thổ quốc gia mà họ đại diện.
Nếu thống kê này xuất hiện ở Đông Nam Á, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Philippines - đội bóng (hay rộng hơn là cả nền thể thao) từng nhận nhiều mai mỉa về chuyện nhập tịch cầu thủ. Nhưng chính xác hơn, thể thao Philippines có chính sách kêu gọi các VĐV kiều bào hồi hương.
Câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn nếu chúng ta nhìn nó dưới góc độ mà Hayad phát biểu ở trên, khi những VĐV mang trong mình dòng máu Philippines thi đấu cho màu cờ Philippines.
Ở World Cup, đây từ lâu đã được xem là xu hướng đặc biệt của bóng đá toàn cầu. Senegal và Tunisia dự giải với gần 40% số tuyển thủ sinh ra tại Pháp. Người Nhật xem trọng truyền thống vẫn có một thủ thành mang cái tên rất "Tây" là Daniel Schmidt (sinh tại Mỹ). Và những nền bóng đá hùng mạnh như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Croatia... cũng có 10-30% tuyển thủ sinh trưởng bên ngoài lãnh thổ...
Nhưng nổi bật hơn hết là Morocco, với 14/26 tuyển thủ là những kiều bào. Điển hình nhất là Ziyech - ngôi sao số một của đội. Tiền vệ 29 tuổi đang khoác áo Chelsea này sinh tại Dronten (Hà Lan), là một thành viên trong cộng đồng hơn 300.000 người Morocco sinh sống tại xứ sở cối xay gió.
Và tài năng của anh hoàn toàn được bóng đá Hà Lan nuôi dưỡng. Ziyech từng thi đấu cho các đội U20 và U21 Hà Lan. Là một tài năng nở muộn, Ziyech không nhận được nhiều chú ý ở độ tuổi đôi mươi. Nhưng nhờ vậy, Morocco đã kịp thời chộp lấy cơ hội.
Cùng với Ziyech, Hakimi (sinh tại Tây Ban Nha), Mazraoui, Amrabat (Hà Lan), Saiss (Pháp), Cheddira (Ý) cũng là những trụ cột trở về khoác áo tuyển Morocco theo chính sách kêu gọi những cầu thủ kiều bào của quốc gia này.
Tại World Cup 1998, Morocco chỉ có 2 cầu thủ theo diện kể trên. Nhưng sự liên kết chặt chẽ giữa chính phủ nước này và kiều bào đã thay đổi mọi chuyện trong khoảng 20 năm trở lại đây. Một nghiên cứu cho thấy hơn 60% thanh niên gốc Morocco sinh sống tại châu Âu trở về thăm quê hằng năm. Điều này gần như trở thành một truyền thống, một nét tự hào của Morocco.
Ghi công HLV Regragui
Truyền thống đam mê bóng đá của người Morocco, cộng thêm việc họ may mắn được bồi dưỡng tài năng bởi những nền bóng đá hùng mạnh (như Hà Lan, Pháp) đã giúp đội tuyển Moroco sở hữu lứa cầu thủ có thể xem là "thế hệ vàng" trong lịch sử. Nhưng những tập thể kiểu này cũng thường nảy sinh vấn đề về tính đoàn kết.
Khoảng gần một năm trước, bóng đá Morocco nổ ra xì căng đan khi Ziyech mâu thuẫn nghiêm trọng với HLV trưởng Halilhodzic đến mức ông này chỉ trích anh dữ dội trước truyền thông. Sau đó, Ziyech cũng tuyên bố giã từ đội tuyển.
Trong những câu chuyện kiểu vậy, phần lỗi thường thuộc về cầu thủ. Nhưng với riêng HLV Halilhodzic, ông nổi tiếng là người có cá tính quá mạnh dễ dẫn đến những va chạm trong quan hệ. Trước khi dẫn dắt tuyển Morocco, HLV 70 tuổi này nổi tiếng với hai lần dẫn dắt Bờ Biển Ngà và Nhật Bản giành vé tham dự World Cup nhưng lại bị sa thải ngay trước thềm giải đấu.
Chuyện kỳ lạ đó đã xuất hiện lần thứ ba, khi Liên đoàn Bóng đá Morocco thông báo chia tay HLV Halilhodzic hồi tháng 8 vì mâu thuẫn và bổ nhiệm ông Walid Regragui thay thế. Có một dàn ngôi sao trở về từ nước ngoài, nhưng cuối cùng họ vẫn cần một vị thuyền trưởng người bản địa để đoàn kết tất cả.
Regragui chưa có thành tích nổi bật trong sự nghiệp HLV nhưng lại là một cựu danh thủ có tiếng. Ông cũng có nhiều nét tương đồng với các học trò của mình, khi sinh trưởng tại Pháp và dành toàn bộ sự nghiệp cho những CLB của Pháp.
Có lẽ vì điểm tương đồng này mà cựu danh thủ 47 tuổi nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế "anh cả" trong mắt các ngôi sao đàn em. Ziyech chấp nhận trở lại đội tuyển sau gần một năm chia tay, và những Hakimi, Amrabat, Bono, Mazraoui cùng đến Qatar với sự đoàn kết cùng quyết tâm cao độ.
Có đội hình được Transfermarkt định giá đến 241 triệu euro, cao hơn 15 đội bóng dự World Cup, việc Morocco lọt vào vòng 16 đội không quá bất ngờ. Nhưng cái cách Morocco tự tin chơi tấn công trước Croatia, Bỉ và Tây Ban Nha thực sự thú vị. Một tập thể những người mang dòng máu Ả Rập vùng Bắc Phi và sinh trưởng tại phương Tây cho thấy họ đã kết hợp hoàn hảo những ưu điểm của hai nền văn hóa, hai nền bóng đá.
Thi đấu khôn ngoan, chặt chẽ nhưng vẫn thổi được luồng gió hoang dã vào World Cup 2022, "Những chú sư tử Atlas" trở thành đội bóng đáng xem bậc nhất giải đấu.
Quốc vương chúc mừng tuyển Morocco
Hàng triệu người Morocco trên khắp thế giới đã ăn mừng cuồng nhiệt sau chiến thắng lịch sử trước Tây Ban Nha. Riêng ở Qatar, sau khi trận đấu kết thúc, rất đông CĐV đã tụ tập xung quanh nơi đóng quân của tuyển Morocco để ăn mừng và tung hô các cầu thủ.
Quốc vương Mohammed VI cũng gọi điện thoại chúc mừng các thành viên của đội tuyển Morocco. Ông đã khen ngợi các cầu thủ, những người đã đáp ứng được kỳ vọng và nguyện vọng của người dân Morocco. Đồng thời kêu gọi họ tiếp tục theo đuổi mục tiêu lớn ở World Cup 2022 để tiếp tục tôn vinh bóng đá Morocco.
Q.T.