NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

'Trường đại học' thành 'đại học': Không đơn giản chỉ là đổi tên

on .

TTO - Theo Luật giáo dục đại học, hai khái niệm "đại học" và "trường đại học" hoàn toàn khác nhau. Sự phân biệt đại học với trường đại học ở Việt Nam có từ khi nào?

 

Câu chuyện Trường đại học Bách khoa Hà Nội vừa được chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội không đơn giản là việc trường đổi tên gọi mà bản chất là trường này chính thức thay đổi mô hình quản trị sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho phép.

Cơ sở của quyết định này là Luật giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khơi mào ý tưởng về mô hình đại học trọng điểm có quyền tự chủ cao, đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM)

Việc chuyển đổi mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội để thực hiện tốt sứ mạng, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, đưa Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá, lên tầm cao mới, trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện, có môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở, tự do học thuật, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên và học viên toàn đại học, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc của con người Bách khoa Hà Nội.

Trích thông cáo báo chí về việc chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội

Từ tên gọi đến mô hình đại học

Lịch sử phát triển giáo dục đại học Việt Nam có nhiều thay đổi gắn liền với các giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Theo đó, tên gọi trong hệ thống giáo dục đại học rất đa dạng: đại học, trường đại học, ban, trường, viện đại học, học viện... Nhiều thời điểm, ở Việt Nam không phân biệt giữa "đại học" và "trường đại học".

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật quy định rất rõ khái niệm "đại học" và "trường đại học" dưới góc độ mô hình quản trị khác nhau, chứ không chỉ đơn giản là tên gọi.

Theo các chuyên gia, có thể nói sự phân biệt giữa "trường đại học" và "đại học" ở nước ta theo mô hình đại học bắt đầu từ khi có hai đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đại học vùng (Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng). Nhưng phải đến khi Luật giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực (từ ngày 15-2-2020) mọi việc mới rõ ràng hơn.

Hiện nay, một số đại học vùng, trường đại học muốn trở thành đại học quốc gia hoặc hoạt động theo cơ chế đại học quốc gia với lý do có cơ chế tự chủ cao hơn so với hiện tại.

Theo Luật giáo dục đại học 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này.

Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Như vậy, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng. Điều này có thể hiểu đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao gồm các trường đại học.

Đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (mỗi lĩnh vực có nhiều ngành). Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số cơ sở giáo dục đại học khác.

 
Trường đại học thành đại học: Không đơn giản chỉ là đổi tên - Ảnh 4.

Cơ cấu tổ chức Đại học Quốc gia Hà Nội - Đồ họa: TUẤN ANH

Quyền tự chủ cao

Nói về việc hình thành đại học quốc gia, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho hay vào đầu thập niên 1990, nền giáo dục đại học nước ta từ mô hình quản lý đến công tác đào tạo, từ chỉ tiêu tuyển sinh đến phân công việc làm sau khi tốt nghiệp không nằm ngoài cơ chế bao cấp.

Chương trình đào tạo tại các trường phần lớn theo hướng đơn ngành, đơn lĩnh vực, khép kín, thiếu chuẩn hóa; thiếu liên thông giữa các trường đại học; việc hội nhập quốc tế còn rất hạn chế; hệ thống giáo trình, cơ sở vật chất chưa theo kịp sự phát triển.

"Ý tưởng thành lập các đại học quốc gia không phải là phát kiến của một cá nhân mà đến từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Nhưng để hiện thực hóa ý tưởng thì cần phải có những lãnh đạo có tầm nhìn, tâm huyết và quyết tâm thay đổi đến cùng" - ông Nghĩa cho biết.

Ngày 27-1-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký nghị định 16/CP thành lập Đại học Quốc gia TP.HCM với sứ mệnh làm đầu tàu và nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Tháng 8-2000, Thường vụ Bộ Chính trị ra thông báo nhấn mạnh: "Chủ trương xây dựng hai đại học quốc gia thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng phát triển giáo dục đại học của khu vực và thế giới"...

Luật giáo dục đại học năm 2012 khẳng định: "Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy"...

Đến nay, Đại học Quốc gia TP.HCM là một hệ thống gồm 38 đơn vị, trong đó có 7 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 27 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ, Trường phổ thông Năng khiếu; khối văn phòng và 8 ban chức năng.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được thành lập với vai trò và sứ mệnh tương tự, trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại ba trường đại học lớn ở Hà Nội: Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội I và Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nghị định 97/CP ngày 10-12-1993 của Chính phủ).

Đại học Quốc gia Hà Nội hoạt động theo quy chế về tổ chức và hoạt động do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quyết định ngày 5-9-1994.

Phù hợp với mô hình của các đại học lớn trên thế giới

Mới đây, phát biểu với báo chí về việc Trường đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng không phải chỉ thay đổi cái tên, cũng không phải để có một vị thế trong hệ thống.

Đại học Bách khoa Hà Nội có quy mô rất lớn. Từng trường trực thuộc đã có quy mô từ 5.000 - 8.000 sinh viên, không kém gì một số trường độc lập khác. Do đó, việc trao cho các trường trách nhiệm, quyền hạn lớn hơn là rất cần thiết.

Mô hình của Đại học Bách khoa Hà Nội rất phù hợp với mô hình của các đại học lớn trên thế giới, trong đó các trường và các viện trực thuộc được phân quyền cao.

CongBK aaaa 1(Read-Only)

Một góc Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: HUST

"Quan trọng nhất là bước chuyển này sẽ giúp Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ hội đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, tăng cường tính phân cấp để thực hiện đúng tinh thần tự chủ và nâng cao hiệu quả trong quản lý, nâng cao vị thế, trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn và các trường trực thuộc.

Từ đó, tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, phát huy sức mạnh của đội ngũ giảng viên, của các đơn vị chuyên môn" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phân tích.

TRẦN HUỲNH

Nguồn:https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-thanh-dai-hoc-khong-don-gian-chi-la-doi-ten-20221207230536409.htm