Năm 2014, Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird trong hành trình mang đến những điều kỳ diệu
Lọt top 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2014, lọt top những hoạt động nổi bật nhất trên Youtube năm 2014... Những điều Hà Đông và Flappy Bird đã làm có thể xem là một hành trình mang đến những điều kỳ diệu không ai ngờ đến.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 4/2013, Nguyễn Hà Đông, một thanh niên 28 tuổi sống cùng cha mẹ ở Hà Nội và làm nghề lập trình các thiết bị định vị cho xe taxi, dành thời gian cuối tuần để làm game cho điện thoại di động.
Mục tiêu của Đông khi đó là tạo ra được những trò chơi đơn giản nhưng nhiều thử thách, giống như tinh thần của các trò chơi Nintendo mà anh đã chơi khi còn nhỏ.
Ngày 24/5/2013, Nguyễn Hà Đông đưa Flappy Bird lên App Store, miễn phí. Anh chỉ hy vọng kiếm được vài trăm USD mỗi tháng từ quảng cáo bên trong trò chơi. Nguyễn Hà Đông giới thiệu về “trò chơi mới đơn giản” của mình bằng một vài dòng tweet, Đông không có nỗ lực marketing nào khác cho Flappy Bird. Với 25.000 ứng dụng mới được đưa lên mạng Internet mỗi tháng, Flappy Bird nhanh chóng bị... chìm nghỉm.
8 tháng sau đó, điều bất ngờ đã xảy đến. Flappy Bird lan nhanh như một loại virus. Cuối tháng 12/2013, trên các mạng xã hội, mọi người đua nhau than thở, thi đấu, thậm chí đập vỡ điện thoại của mình vì Flappy Bird. Mạng Twitter đã có tới 16 triệu tin nhắn được gửi đi liên quan tới trò chơi này. Có người gọi Flappy Bird là “trò chơi khó chịu nhất nhưng tôi không thể dừng lại”, một người nói trò này “đang từ từ gặm nhấm cuộc đời tôi”. Flappy Bird phổ biến nhanh trong tháng 1/2014. Ngày 10/1, nó đạt mốc quan trọng là trở thành một trong 10 ứng dụng phổ biến ở Mỹ.
Đến tháng 2/2014, game này trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia và đạt trên 50 triệu lượt tải về. Nguyễn Hà Đông kiếm được số tiền ước tính lên tới 50.000 USD/ngày. Ngay cả Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, mới đầu cũng không giàu lên nhanh như thế. Giữa lúc cơn sốt Flappy Bird đạt đỉnh điểm, danh tính của Nguyễn Hà Đông vẫn là một điều bí ẩn. Ngoài việc thi thoảng đưa một dòng tweet, anh hầu như không nói gì về câu chuyện khó tin mà mình đã tạo ra. Anh trốn báo chí và từ chối chụp ảnh. Cư dân mạng “phát khùng”, cáo buộc anh “đánh cắp” nghệ thuật làm game của Nintendo, nhưng Đông vẫn im lặng. Ngày 9/2/2014, Đông bất ngờ tuyên bố xóa Flappy Bird, và ngày 10/2, tuyên bố này của anh thành sự thật. Một lần nữa, cộng đồng mạng lại “phát rồ” với câu hỏi lớn: Anh ta là ai và tại sao lại làm thế? Giới truyền thông Việt Nam nhanh chóng “bao vây” ngôi nhà nơi Đông ở. Đó có thể chỉ là một “cái giá” nhỏ phải trả cho sự nổi tiếng và số tiền lớn Đông kiếm được, nhưng anh cảm thấy ngạt thở bởi sự chú ý như thế. Bị giới truyền thông săn lùng, Đông đã rời khỏi nhà cha mẹ và tới “ẩn mình” trong căn hộ của một người bạn. Mọi chuyện tưởng chừng như kết thúc và "chú chim vỗ cánh" sẽ dần chìm vào quên lãng, nhưng không, người ta vẫn nói về Flappy Bird từ Reddit tới YouTube, từ công viên tới văn phòng. Câu chuyện của Nguyễn Hà Đông và những con số đáng nể do game Flappy Bird mang lại khiến cộng đồng mạng trong nước, thế giới, đặc biệt là những người trẻ, đã ví von Nguyễn Hà Đông như một người "mang đến điều kỳ diệu khó tin". Vậy, những điều kỳ diệu đó là gì, có lẽ chúng ta, những người trẻ khao khát thành công, đổi mới, sáng tạo... đã phần nào nhìn ra được: 1. Kéo người trẻ đến gần hơn với giấc mơ "lập trình viên triệu đô" Cho dù Apple và Google lấy 30% doanh thu từ game Flappy Bird nhưng Nguyễn Hà Đông ước tính anh kiếm được 50.000 USD/ngày. Dĩ nhiên, so với con số 850.000 USD mà King thu được mỗi ngày qua Candy Crush Saga, 50.000 USD không phải là một con số quá lớn. Tuy vậy, với một tựa game không hề có các giao dịch ảo, đây vẫn là một thành tích quá ấn tượng. Nguyễn Hà Đông cùng Flappy Bird đã trở thành niềm cảm hứng, thành động lực sáng tạo cho một bộ phận không nhỏ những người trẻ đam mê theo đuổi ngành lập trình. Không ít các bạn trẻ đam mê công nghệ đã dấy lên câu hỏi bức thiết: “Thành công như Nguyễn Hà Đông – giấc mơ có quá xa vời?”.
Hà Đông dự sự kiện Wired BizCon ở Mỹ tháng 5/2014 - (Nguồn: Zimbio). Trên website về người trẻ khởi nghiệp, một tác giả có tên Trương Trí Vĩnh đã viết: "Thành công của Đông có sức ảnh hưởng với những người làm game nói riêng và những người làm công nghệ nói chung, thành công luôn tạo cảm hứng, tạo “sức sống” mới khi mà cả giới làm công nghệ Việt Nam đã mệt mỏi với những nếp cũ và tự mình bắt đầu rơi vào sự ì ạch. Và thành công này có thể là cảm hứng cho thành công khác, khi mà ở đâu đó có một ai đó đột nhiên bừng tỉnh. Và nếu cứ lâu lâu chúng ta lại có một thành công như vậy, thì cảm hứng liên tục được nuôi dưỡng, cả ngành game sẽ tiến lên thôi". 2. Truyền thông thế giới kêu gọi... góp tiền để phỏng vấn Nguyễn Hà Đông Trả lời phỏng vấn của TechCrunch (một trang tin quốc tế thuộc sở hữu của công ty AOL) qua e-mail, Hà Đông cho biết, anh không thích xuất hiện trước công chúng, chỉ làm việc lặng lẽ. Anh từ chối cho biết những thông tin về mình. Cuối tháng 2/2014, TechCrunch đã phải mở một chiến dịch kêu gọi tài trợ trên Crowdtilt (trang web chuyên được dùng để mọi người kêu gọi tiền tài trợ cho một dự án, ý tưởng mới lạ), nhằm lấy kinh phí cho một phóng viên bay sang Việt Nam tìm gặp Nguyễn Hà Đông. Dường như dự án này đã dừng lại vì sau đó những thông tin hay hình ảnh, bài phỏng vấn Nguyễn Hà Đông vẫn không hề xuất hiện.
Nhiều hãng tin lớn như Rolling Stone, The Forbes phải rất khó khăn mới có được buổi phỏng vấn với Đông. Ngày 27/3/2014, Rolling Stone, một tờ báo in uy tín của Mỹ đã đăng tải hình ảnh Phó thủ tướng Việt Nam - Vũ Đức Đam và lập trình viên Nguyễn Hà Đông trong một bài phân tích liên quan tới game Flappy Bird. Một phần của bài viết được thực hiện bởi David Kushner, một nhà báo và tác giả đã đoạt nhiều giải thưởng. Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên Hà Đông được minh họa cho bài viết trên Rollind Stone - (Nguồn: Vietnam+). Bài viết về cha đẻ Flappy Bird là một trong số những bài đinh của Rolling Stone số ra ngày 27/3/2014, cùng với bài phỏng vấn Bill Gates - (Nguồn: Vietnam+). 3. Truyền thông Việt phải nhìn lại mình vì "Sự đố kỵ giết chết Flappy Bird" Khi mà mọi thứ đang yên đang lành đối với Nguyễn Hà Đông thì truyền thông Việt Nam vào cuộc. Những bài viết như: "Game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông ăn cắp ý tưởng của “Piou Piou chống lại xương rồng” ("Piou Piou chống lại xương rồng" là trò chơi của kỹ sư viết game người Pháp, sản xuất năm 2011), "Hãng Nintendo kiện cha đẻ của Flappy bird đòi bồi thường 6 tỉ USD vì vi phạm bản quyền" Trên nhiều diễn đàn mạng tại Việt Nam, tác giả của Flappy Bird lại nhận không ít “gạch đá”. Dù không có bằng chứng cụ thể và thông tin về vi phạm bản quyền trò chơi Mario (Nintendo), khá nhiều người vẫn lên diễn đàn công kích tác giả của “chú chim” rất kịch liệt. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một tựa game nhàm chán, không có gì thú vị. Đến nay, người ta vẫn thắc mắc Flappy Bird bị gỡ xuống phải chăng do tính ghen ghét, đố kỵ của một bộ phận người Việt? Một số cá nhân còn khẳng định, tác giả Flappy Bird "đạo ý tưởng", "ăn cắp" các chi tiết từ Mario hoặc có cách chơi giống với những game trước đây. Không chỉ "ném đá" nội dung game, một số người còn bình luận rằng tác giả đã may mắn khi được nhiều kênh Youtube và truyền thông quảng bá. Thậm chí có người nghi ngờ Nguyễn Hà Đông đã dùng thủ thuật để qua mặt Google và Apple nhằm đưa "chú chim mặt ngu" lên đỉnh cao nhất của bảng xếp hạng. Từ chỗ công kích sản phẩm, những người phản đối quay sang tập trung vào cá nhân Nguyễn Hà Đông, với mô tả như một kẻ ăn may, vi phạm bản quyền và dùng thủ thuật mới có được thành công như vậy. Từ chỗ được truyền thông mô tả như một người hùng của làng game Việt, cha đẻ của Flappy Bird bỗng dưng bị bôi đen ở nhiều nơi trên mạng và giống như kẻ tội đồ. Truyền thông thì chủ yếu tập trung vào những chi tiết "ngoài rìa" của sự thành công mà Nguyễn Hà Đông đang có. Chỉ cho đến khi Flappy Bird bị khai tử, nhiều người mới giật mình nhìn lại mình, hàng loạt bài viết lên án "thói gato", "dìm hàng" của giới trẻ và truyền thông Việt. Anh Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty ePi Technologies, người có những bài phỏng vấn gây sốt trên mạng về vụ Flappy Bird, viết trên trang cá nhân: “Nintendo cam kết không làm gì, trang game uy tín nhất thế giới xin lỗi tác giả Flappy Bird. Còn chúng ta làm gì, những đồng hương của Đông?”. 4. "Hội chứng ăn theo" Flappy Bird lan tỏa chóng mặt Việc Flappy Bird bị gỡ bỏ khỏi App Store (iOS) và Google Play (Android) cũng đã vô tình làm cho sức hút những trò chơi khác "ăn theo" phong cách của Flappy Bird được nổi tiếng. Bởi lẽ, những ai chưa tải trò Flappy Bird vào máy mà lại muốn trải nghiệm trò Flappy Bird buộc phải sử dụng một trò chơi của hãng khác làm. Hàng chục chủ nhân iPhone và các loại điện thoại khác cài Flappy Bird đã đem điện thoại của mình ra đấu giá trên eBay sau khi trò chơi này bị “khai tử”. Các mức giá chào mua bắt đầu từ 50 USD, trong khi người bán đưa ra mức giá chủ yếu từ 500 USD. Không chỉ riêng điện thoại có cài Flappy Bird, tranh vẽ Flappy Bird cũng được rao giá 1 tỷ đồng, quả cầu trang trí, mô hình giấy... với giá hàng trăm triệu là những món đồ được định giá "khủng" ăn theo trào lưu về chú chim nổi tiếng. Mô hình bằng giấy về chú chim nổi tiếng có giá 42 triệu đồng.
Tuy đã bị khai tử, sức hút của Flappy Bird vẫn rất lớn. Một số người đã tạo ra các phiên bản đời thực của Flappy Bird, tổ chức cuộc thi đọ điểm trong game hay thậm chí là viết thư gửi Nhà Trắng và kêu gọi mọi người ký tên để trò chơi xuất hiện trở lại trên kho ứng dụng. Trên YouTube xuất hiện hàng ngàn clip về Flappy Bird, còn trên mạng xã hội ngập tràn hình ảnh game cùng những chia sẻ bức xúc của người chơi. 5. Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird luôn có tên trong top 10 các bảng xếp hạng Ngày 11/12/2014, trang web chuyên xếp hạng The Richest đã đưa nhà lập trình Nguyễn Hà Đông, tác giả trò chơi gây sốt Flappy Bird, vào danh sách 10 triệu phú Internet phất lên từ con số 0. Trong danh sách 10 triệu phú Internet làm giàu từ con số 0 của The Richest còn có những gương mặt nổi tiếng khác như Matthew Mullenweg, nhà sáng lập WordPress; David Karp, nhà sáng lập Tumblr; hay Craig Newmark, nhà sáng lập Craiglist… Nguyễn Hà Đông lọt top 10 triệu phú Internet trong năm 2014. Ngày 15/12/2014, tin tức từ trang Gamasutra, Nguyễn Hà Đông đã lọt vào danh sách 10 nhà phát triển game hàng đầu thế giới trong năm 2014. Để lập ra danh sách này, Gamasutra phải khá vất vả mới chọn ra được người xứng đáng nhất. Nhân vật được đưa vào danh sách không nhất thiết là những người làm ra trò chơi hay nhất trong năm, thay vào đó những người được đưa vào danh sách là những nhà phát triển để lại dấu ấn trong năm nay thông qua phương thức có ý nghĩa và giúp định hình cộng đồng phát triển trò chơi điện tử trong năm 2014. Vào cuối mỗi năm, Google luôn đưa ra tổng kết và xếp hạng của hãng về xu hướng tìm kiếm các từ khóa trên Internet. Bảng xếp hạng Google phân chia theo các quốc gia với nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là 3 bảng đánh giá toàn cầu, Mỹ và chính quốc gia của người đang theo dõi. Năm nay trong bảng xếp hạng xu hướng tìm kiếm các từ khóa trên toàn cầu, Flappy Bird chiếm vị trí thứ 6 trong số hàng nghìn tỷ từ khóa được tìm trên Google trong suốt 2014 vừa qua.
Tương tự như bảng xếp hạng toàn cầu, tại bảng xếp hạng các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất của Mỹ, Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông cũng giành lấy vị trí thứ 5 cho mình. Ở Việt Nam sự "bá đạo" trong bảng xếp hạng xu hướng game online của Flappy Bird là không cần bàn cãi, chú chim "mặt đơ" này chiếm lấy vị trí thứ nhất về cho mình. 6. Flappy Bird xuất hiện trong clip "trào lưu năm 2014" của YouTube Ngày 9/12, YouTube tung ra đoạn clip ấn tượng tổng kết những hoạt động nổi bật nhất trên Youtube năm 2014 trong đó có game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. đoạn video clip mang tên YouTube Rewind: Turn Down for 2014 (tạm dịch: Nhìn lại YouTube năm 2014), tổng hợp những trào lưu được giới trẻ ưa thích nhất cũng như video âm nhạc "hot" nhất của năm đang nhận được hàng triệu lượt xem. Nhóm thực hiện video khéo léo nhắc lại trò game Việt Flappy Bird bằng hình cảnh một cô gái “đội lốt” chú chim Flappy chui qua ống khói hết sức ngộ nghĩnh. Game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông xuất hiện trong video tổng kết của YouTube.
Cho đến bây giờ, câu chuyện thành công của "chú chim vỗ cánh" Flappy Bird và nhà lập trình kín tiếng Nguyễn Hà Đông vẫn chưa bao giờ hết "sốt". Lần đầu tiên, một game Việt đã vươn ra thế giới, trở thành một hiện tượng toàn cầu trong năm. Khoảng thời gian từ khi Flappy Bird lọt vào top 10 App Store cho đến khi trò chơi này bị gỡ bỏ chỉ vẻn vẹn 28 ngày. Tuy nhiên, Flappy Bird và cái tên Nguyễn Hà Đông đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và đặc biệt là trong giới start-up. "28 ngày danh vọng của Flappy Bird" và câu chuyện thành công của nhà lập trình 8X là nguồn động lực rất lớn cho những người trẻ luôn khao khát thành công. Nguyễn Hà Đông không chỉ mang đến một trò game 8-bit đơn giản, mà anh còn khơi dậy niềm tin ở người trẻ và niềm tự hào to lớn cho làng game Việt Nam.
|