Những tuyến cáp quang biển nào đang hỏng
4 trên 5 tuyến cáp quang biển Việt Nam đang khai thác gặp sự cố, làm mạng chậm và dự kiến đến tháng 4 mới khắc phục xong toàn bộ.
Cung cấp phần lớn lưu lượng Internet trên thế giới, các tuyến cáp quang biển thường xuyên gặp sự cố và gây gián đoạn sử dụng. Ảnh: Navy Times.
5 tuyến cáp quang đang được các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Việt Nam khai thác là SMW3, AAG, IA, APG và AAE-1.
Trong số đó, tuyến SMW-3, được đưa vào hoạt động từ năm 1999, đang là tuyến duy nhất không gặp sự cố. Những tuyến còn lại, với các vấn đề từ cuối năm 2022 và đầu năm nay, chỉ trở lại hoạt động bình thường vào cuối tháng 3.
Tuyến AAG, tên đầy đủ là Asia, America Gateway với tổng chiều dài khoảng 20.000 km và dung lượng lên đến 2.88 Tb/s. Tuyến cáp này có tổng đầu tư khoảng 500 triệu USD, đến từ 19 công ty viễn thông, trong đó có Viettel và Saigon Postal Corporation của Việt Nam. AAG cập bờ tại Mỹ, Hawaii, Guam, Philippines, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei và Việt Nam.
Tuyến AAG gặp sự cố trong tháng 12/2022 trên các hướng kết nối Singapore và Trung Quốc, dự kiến quá trình khắc phục sẽ kéo dài từ 30/3 đến 4/4.
Sơ đồ tuyến cáp AAG kết nối Mỹ, Hawaii, Guam, Philippines, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei và Việt Nam. Ảnh: Submarine Cable Networks.
Tuyến APG, Asia Pacific Gateway, kết nối Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam và Singapore, có tổng chiều dài 10.400 km và dung lượng 54,8 Tb/s. APG bắt đầu vận hành vào năm 2016, trong nhóm các công ty đầu tư có Viettel và VNPT.
APG đã mất toàn bộ dung lượng sau 2 sự cố lần lượt vào cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1, trên các nhánh S6 kết nối Hong Kong, Trung Quốc và S9 kết nối Singapore và Nhật Bản. Dự kiến quá trình sửa chữa nhánh S6 sẽ kéo dài từ 22-27/3, trong khi đó sự cố trên nhánh S9 phải đến 9/4 mới được khắc phục.
Tuyến cáp APG kết nối Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Ảnh: Submarine Cable Map.
Tuyến cáp quang Liên Á đến nay có tuổi thọ 12 năm, kết nôíSingapore, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Guam. Ảnh: Submarine Cable Networks.
Tuyến IA, Intra Asia hay Liên Á, có chiều dài 6.700 km, dung lượng 3,84 Tb/s, kết nối Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Guam. Tuyến cáp này được thiết kế có chủ ý để tránh các khu vực dễ bị động đất và các khu vực nguy hiểm khác, nhưng đã gặp sự cố đứt cáp gần Singapore vào ngày 28/1. Hiện IA trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa và quá trình sửa chữa khắc phục sự cố sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3.
Tuyến AAE-1, Asia-Africa-Europe 1, có chiều dài 25.000 km và dung lượng 40 Tb/s. Tuyến cáp này Đông Nam Á với châu Âu. Hệ thống cáp AAE-1 kết thúc tại các trung tâm dữ liệu của nhiều nhà mạng tại các trung tâm Internet lớn của khu vực, bao gồm Telecom House ở Hong Kong, Trung Quốc, Equinix SG3 và Global Switch ở Singapore, InterXion MRS1 ở Pháp. Hệ thống này giúp cho AAE-1 trở thành một trong những tuyến cáp độ trễ thấp nhất giữa Hong Kong, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Phân đoạn S1H của AAE-1, gần Hong Kong, Trung Quốc, bị hỏng lớp cách điện và gây ra đoản mạch do lõi kim loại tiếp xúc với nước biển từ đầu tháng 12/2022, và kế hoạch sửa chữa vẫn chưa được công bố.
Tuyến AAE1 đi qua các trung tâm Internet lớn và là một trong những tuyến có độ trễ thấp nhất. Ảnh: Submarine Cable Map.
SMW3, hay Sea Me We 3, là tuyến cáp duy nhất mà Việt Nam đang khai thác không gặp sự cố. Tuy nhiên một ISP cho biết đây là tuyến cáp cũ, đã hoạt động từ năm 1999, có dung lượng thấp chuẩn bị ngừng khai thác. SMW3 có tổng chiều dài 39.000 km và dung lượng 4,6 Tb/s. SWM3 liên kết 39 trạm cập bờ tại 33 quốc gia và 4 châu lục, bao gồm châu Á, Astralia, châu Phi và châu Âu. Tuyến cáp lâu đời này có công nghệ hiện đại nhất vào thời điểm nó được thiết kế, năm 1996, và đến nay vẫn là hệ thống cáp ngầm dài nhất thế giới, theo Submarine Cable Networks.
SMW3 là tuyến cáp cũ, vận hành từ năm 1999, và có chiều dài lớn nhất. Ảnh: Submarine Cable Networks.
Hoàng Nam
Nguồn: https://baomoi.com/nhung-tuyen-cap-quang-bien-nao-dang-hong/c/44998718.epi