NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Xét tuyển sớm: Ngành nào nhiều hồ sơ đăng ký ?

on .

Chỉ sau một thời gian ngắn nhận đăng ký xét tuyển bằng phương thức học bạ, các trường ĐH nhận được từ vài ngàn đến hàng chục ngàn hồ sơ.

Tăng so với cùng thời điểm năm trước

Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết sau hơn 1 tháng, trường nhận được gần 30.000 hồ sơ xét tuyển học bạ. "Thí sinh tập trung vào các ngành như công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện tử, logistics, cơ điện tử, tự động hóa, ngôn ngữ Anh, với số lượng cao hơn hẳn thời điểm này năm ngoái", tiến sĩ Hải thông tin.

Xét tuyển sớm: Ngành nào nhiều hồ sơ đăng ký ? - Ảnh 1.
 

Công nghệ thông tin vẫn là một trong những ngành thu hút thí sinh xét tuyển bằng học bạ nhiều nhất 

Đến thời điểm này Trường ĐH Gia Định cũng nhận được hàng chục ngàn hồ sơ đăng ký của thí sinh (TS). Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc tuyển sinh của trường, cho hay: "So với thời gian này năm trước, lượng hồ sơ nộp vào trường tăng hơn 30-40%. Các ngành TS lựa chọn nhiều là công nghệ thông tin, marketing, quản trị kinh doanh, truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng. Riêng quản trị kinh doanh chiếm 30-40% lượng hồ sơ, công nghệ thông tin là 15-20%. Một số ngành còn ít TS chú ý là mạng máy tính truyền thông, kế toán, kinh doanh quốc tế".

Lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Những ngành đang được các bạn trẻ chọn lựa nhiều hơn xuất phát từ xu hướng ngành nghề tương lai nhưng một phần từ thực tế uy tín đào tạo của trường với ngành nghề này và còn bởi thế hệ Gen Z khát khao được học những ngành phát huy hết các tố chất của mình".

Nói về xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh xét tuyển năm nay, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng cho biết những ngành nghề như marketing, truyền thông, kinh doanh - quản lý đang có xu hướng lựa chọn cao. Tuy nhiên, những nhóm ngành có ứng dụng công nghệ như digital marketing, công nghệ tài chính, kinh doanh quốc tế đang có xu hướng tăng từ 20-30% so với năm ngoái. Tức thí sinh đang có sự chuyển dịch trong lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư lưu ý: "Có những ngành điểm chuẩn cao nhưng không phải đang "hot". Lý do điểm chuẩn cao thực sự là do chỉ tiêu tuyển ít, tỷ lệ cạnh tranh giữa các thí sinh cao nên điểm chuẩn được đẩy lên cao. Do đó, thêm một thông số thí sinh cần quan tâm khi đăng ký xét tuyển chính là chỉ tiêu mỗi ngành của các trường cho mỗi phương thức".

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đến nay nhận được khoảng 2.000 hồ sơ. Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của trường, chia sẻ: "Các ngành như công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, marketing, quản trị kinh doanh mỗi ngành có khoảng gần 100 TS đăng ký. Các ngành như kế toán, kinh doanh quốc tế, luật kinh tế... thì ít hơn, khoảng 80 hồ sơ cho mỗi ngành. Còn lại các ngành khác chỉ khoảng hơn 30 hồ sơ".

Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, phương thức xét học bạ tại trường cũng đã thu hút hàng ngàn lượt TS đăng ký. Trong đó, khoa học máy tính, Đông phương học, thương mại điện tử, ngôn ngữ Anh, quản trị nhà hàng - khách sạn… là các ngành học "hot" thu hút nhiều hồ sơ hơn cả.

Năm 2023, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển học bạ 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn. Trường nhận hồ sơ đợt 1 từ ngày 3.1, đến nay đã có khoảng hơn 2.000 TS đăng ký. Trong đó, những ngành được TS quan tâm nhiều nhất là công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, marketing, digital marketing, quan hệ công chúng, quản trị kinh doanh, nhóm ngành du lịch, công nghệ kỹ thuật ô tô, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn Quốc.

Xét tuyển sớm: Ngành nào nhiều hồ sơ đăng ký ? - Ảnh 3.

Học sinh hiện nay quan tâm nhiều đến các ngành liên quan đến công nghệ, truyền thông đa phương tiện, marketing, digital marketing...

ĐÀO NGỌC THẠCH

Lựa chọn theo xu hướng

Theo thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thống kê ban đầu này cũng thể hiện được xu hướng lựa chọn ngành nghề của TS khá phù hợp với xu hướng quan tâm chung của xã hội hiện nay trước sự dẫn đầu của các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông - marketing - quảng cáo, cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của lĩnh vực du lịch - nhà hàng - khách sạn sau giai đoạn phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư cũng nhìn nhận năm nay các ngành học theo xu hướng công nghệ và có tính liên ngành như trí tuệ nhân tạo, hệ thống dữ liệu lớn, thương mại điện tử, marketing số... đang có sức hút rất lớn với TS. Bên cạnh đó, các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng - khách sạn, quản trị du lịch đang lấy lại đà và có thể sắp tới đây sẽ được bạn trẻ lựa chọn ngày càng nhiều do nhu cầu nhân lực rất lớn.

10 trường ĐH ở Mỹ sinh viên ra trường có thu nhập cao nhất

Mới đây tờ The New York Times (Mỹ) đưa ra danh sách top 10 ĐH ở Mỹ có cựu sinh viên nhận mức thu nhập cao nhất.

Công cụ này xếp hạng các ĐH dựa trên những nhu cầu của sinh viên từ mức thu nhập sau khi tốt nghiệp, học phí cho đến mức độ an toàn trong khuôn viên trường...

The New York Times sử dụng dữ liệu của Bộ Giáo dục Mỹ để đưa ra bảng xếp hạng, chú trọng dữ liệu thu nhập trung bình năm 2020 của những sinh viên nhập học các ĐH này 10 năm trước (bao gồm đã tốt nghiệp và chưa hoàn thành chương trình).

Đáng chú ý, cựu sinh viên của Viện Công nghệ California (Caltech) có thu nhập trung bình là 112.166 USD/năm (2,6 tỉ đồng/năm), trở thành những người có thu nhập cao nhất trong số gần 900 ĐH được xếp hạng.

Chỉ có hai trường thuộc nhóm Ivy League (nhóm 8 ĐH hàng đầu khu vực đông bắc Mỹ) lọt vào top 10. Điều này phần nào cho thấy học ĐH danh tiếng chưa chắc đảm bảo thu nhập cao sau khi tốt nghiệp. Tất nhiên, ngành nghề đã chọn và công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH cùng nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến thu nhập.

Dưới đây là 10 trường có cựu sinh viên nhận mức thu nhập cao nhất, theo phân tích của The New York Times:

1. Viện Công nghệ California (Caltech):

112.166 USD/năm (thu nhập trung bình

10 năm sau khi học tại trường)

2. Viện Công nghệ Massachusetts: 111.222 USD/năm

3. Harvey Mudd College: 108.988 USD/năm

4. ĐH Bentley: 107.974 USD/năm

5. ĐH Pennsylvania: 103.246 USD/năm

6. ĐH Carnegie Mellon: 99.998 USD/năm

7. Viện Công nghệ Stevens: 98.159 USD/năm

8. ĐH Stanford: 97.798 USD/năm

9. ĐH Georgetown: 96.375 USD/năm

10. ĐH Princeton: 95.689 USD/năm

Tiến sĩ Quách Thanh Hải cho rằng: "Thời đại 4.0, TS nghĩ đến công nghệ thông tin đầu tiên. Tiếp đó là thương mại điện tử, logistics được chú ý do kinh tế VN đang trên đà phát triển. Bên cạnh đó, VN là một trong những quốc gia mạnh về sản xuất và hướng tới là nước công xưởng của thế giới nên các ngành về kỹ thuật cũng rất thu hút. Còn các ngành truyền thống của trường trong thời điểm này mặc dù nhu cầu nhân lực rất cao nhưng thí sinh lại chưa nắm bắt đầy đủ thông tin nên không quan tâm nhiều".

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa cho rằng xu hướng chọn ngành của TS tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM trong mấy năm gần đây vẫn tập trung vào các ngành nghề thuộc thế mạnh của trường và các ngành thuộc khối kinh doanh. Đối với các ngành kỹ thuật như điện, cơ khí, may, hóa học, công nghệ sinh học thì vẫn ở mức "bình bình" chứ không tăng nhiều.

Mỹ Quyên - Phúc Duy

Nguồn: https://thanhnien.vn/xet-tuyen-som-nganh-nao-nhieu-ho-so-dang-ky-185230411220722517.htm