NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Cuộc gọi lừa đảo vẫn hoành hành

on .

Thời gian gần đây, các cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại diễn ra dồn dập dù các thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin đã bị các nhà mạng chặn chiều gọi đi từ ngày 1-4.

 
Tin nhắn rác quảng cáo dịch vụ cờ bạc vẫn được gửi đến người dùng   - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Tin nhắn rác quảng cáo dịch vụ cờ bạc vẫn được gửi đến người dùng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Từ ngày 1-4, hơn 1,67 triệu SIM đã bị các nhà mạng chặn chiều gọi đi do chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao di động theo quy định. Tuy nhiên, các cuộc gọi lừa đảo bằng chiêu trò "khóa thuê bao sau hai giờ" lại tăng mạnh.

Gọi dọa khóa SIM

Trong tháng 4, anh Chánh (TP.HCM) đã 4-5 lần nhận được cuộc gọi từ các số lạ, không có trong danh bạ điện thoại, với cùng một nội dung: "Bộ TT&TT xin thông báo: thuê bao của quý khách sẽ bị khóa sau hai giờ, để biết thêm chi tiết vui lòng nhấn phím 0". 

Do đã được cảnh báo nhiều lần từ trước, anh Chánh nhận ra ngay đây là chiêu trò lừa đảo lợi dụng "sự kiện" chuẩn hóa thông tin thuê bao di động đang diễn ra rầm rộ.

"Trò gọi điện hù dọa khóa thuê bao đã diễn ra từ năm ngoái nhưng không ngờ lại bùng phát mạnh trong thời gian này, chắc là nhờ ăn theo sự kiện chuẩn hóa của các nhà mạng. Nhiều người quen của tôi cũng liên tục nhận được các cuộc gọi lừa đảo", anh Chánh cho biết.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy chiêu trò gọi điện dọa chặn liên lạc thuê bao vẫn tiếp diễn, thậm chí tần suất còn tăng lên. 

Trong vài lần nhận được cuộc gọi gần đây, phóng viên Tuổi Trẻ đã thử "nhấn phím 0" để tìm hiểu vụ việc. Khi đó, cuộc gọi sẽ được chuyển tiếp đến một cá nhân (thường là đàn ông) tự xưng là bộ phận hỗ trợ xác minh thông tin thuê bao.

Người đàn ông sẽ hỏi xác nhận có đúng thuê bao đã nhận được cuộc gọi thông báo từ Bộ TT&TT hay không, rồi yêu cầu người dùng phải cung cấp các thông tin cá nhân (họ tên, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân...) để "kiểm tra trên hệ thống" xem có đúng thuê bao thuộc diện sắp bị khóa liên lạc hay không. 

Nếu làm theo hướng dẫn, người dùng sẽ được dẫn dụ vào bẫy lừa đảo. Ngoài ra, nhiều chiêu trò cũ nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng như tin nhắn mạo danh thương hiệu (brandname) của các ngân hàng. 

Trong cảnh báo vừa gửi đến khách hàng ngày 13-4, Techcombank cho biết lừa đảo công nghệ cao có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phổ biến nhất là "mạo danh thương hiệu thông qua các kênh viễn thông (SMS, hotline, email), mạng xã hội (Facebook, Zalo)... để tiếp cận khách hàng và đánh cắp thông tin cá nhân".

Báo cuộc gọi rác, tại sao không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một nhà mạng thừa nhận SIM rác dùng cho mục đích lừa đảo vẫn còn dù việc chuẩn hóa đã chặn liên lạc hơn 1 triệu SIM. 

"Các SIM này đều có thông tin khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên các nhà mạng phải cho hoạt động bình thường", vị này nói và cho biết kẽ hở nằm chính ở quy định cho một thông tin cá nhân được đứng tên nhiều SIM khác nhau.

"Theo quy định pháp luật, từ SIM thứ tư trở đi, cá nhân phải ký hợp đồng với nhà mạng. Chính điều đó cho phép một cá nhân có thể ký nhiều hợp đồng và có thể sở hữu nhiều SIM. Khi chuẩn hóa thông tin thuê bao, các SIM này vẫn được hoạt động bình thường dù người sử dụng có thể là một người dùng khác", vị lãnh đạo chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người xác nhận rằng tất cả người dùng đều có thể chung tay xóa bỏ SIM "rác" dù là SIM "chính chủ". 

Bởi lẽ, sau khi nhận được cuộc gọi lừa đảo từ SIM "rác" đã được định danh, chỉ cần người nhận cuộc gọi nhắn tin nhắn báo cuộc gọi rác đến đầu số (156) và tin nhắn rác (5656) của Bộ TT&TT là đã góp phần dẹp bớt cuộc gọi lừa đảo.

Ngoài ra, theo ông Vũ Ngọc Sơn - giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng phần mềm chuyên dụng như voice bot (robot giọng nói), kết nối với modem có khả năng cắm nhiều SIM, để thực hiện các cuộc gọi tự động đến máy của người dùng rồi ăn trộm thông tin nếu người dùng thực hiện theo các yêu cầu.

"Để phòng tránh, người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng, đặc biệt là không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ SIM rác", ông Sơn cảnh báo.

Nhiều cuộc gọi rác từ điện thoại cố định

Không chỉ dùng số di động, nhiều công ty, dịch vụ quảng cáo còn sử dụng số điện thoại cố định (điện thoại bàn) để thực hiện cuộc gọi rác đến người dùng.

Nội dung các cuộc gọi phổ biến nhất là mời chào đầu tư chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản. Hầu hết các số sử dụng cho các cuộc gọi này đều có mã vùng từ Hà Nội (024) và TP.HCM (028).

Anh Quân

Nguồn:https://tuoitre.vn/cuoc-goi-lua-dao-van-hoanh-hanh-20230421083911708.htm