Thể thao Việt Nam: Dẫn đầu SEA Games 32, khiêm tốn ở Asiad 19
Đoàn thể thao Việt Nam giành tổng cộng 136 HCV, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32. Dù vậy, có đến 67 HCV đến từ các môn ngoài Olympic.
Môn vật mang về cho đoàn thể thao Việt Nam đến 13 HCV - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 18-5, hầu hết các thành viên đoàn thể thao Việt Nam đã về nước, kết thúc một kỳ SEA Games thành công vượt mong đợi. Nếu xét trên bảng tổng sắp huy chương, có thể thấy thể thao Việt Nam đã có bước nhảy vọt khi lần đầu đứng đầu SEA Games được tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Nhưng khi nhìn vào thông số chuyên môn của VĐV, đặc biệt là các môn thể thao Olympic, thì chưa hẳn vậy.
Môn võ mang về nhiều HCV
Thống kê của đoàn Việt Nam cho thấy có 69 HCV đến từ môn Olympic. Cụ thể, các môn mang về nhiều HCV gồm điền kinh (12 HCV), bơi (7), judo (8), vật (13), karatedo (6), taekwondo (4)... Ngoài ra, bóng bàn, hai môn phối hợp, bóng đá nữ, thể thao Việt Nam cũng đã xuất sắc có được mỗi môn 1 HCV.
Trong số các môn Olympic, điền kinh và bơi lội là hai môn không hoàn thành chỉ tiêu huy chương. Các môn judo, vật, karatedo đã vượt thành tích đề ra. Đặc biệt, judo đã giành đến 8/13 HCV tại SEA Games 32.
Trước đó tại SEA Games 31, judo đã giành đến 9 HCV và là điểm sáng trong số các môn võ Olympic của thể thao Việt Nam. Trong số 8 HCV tại SEA Games 32 có đến 6 HCV đến từ nội dung đối kháng do công của các võ sĩ: Nguyễn Hoàng Thành, Chu Đức Đạt, Lê Anh Tài, Nguyễn Nhạc Như An, Hoàng Thị Tình, Nguyễn Thị Thanh Thủy.
Trong số 67 HCV của môn ngoài Olympic, các môn mang về nhiều huy chương vẫn là những môn võ, môn truyền thống của Việt Nam và Campuchia. Đó là vovinam (7 HCV), wushu (6), kun Khmer (5), kun Bokator (6)... Đặc biệt, môn lặn mang về đến 14 HCV, thể dục aerobic giành cả 5/5 HCV của SEA Games 32.
Ở SEA Games 32, chủ nhà Campuchia đưa vào chương trình thi đấu đến 48 môn và phân môn với 608 nội dung, là đại hội có số lượng môn và nội dung lớn nhất trong lịch sử.
Trong số này có nhiều môn võ truyền thống của Campuchia. Điều này đã góp phần quan trọng giúp nước chủ nhà giành được đến 81 HCV và đứng thứ 4/11 quốc gia dự đại hội.
Thể thao Việt Nam cũng được hưởng lợi, bởi các môn võ nằm ngoài chương trình thi đấu Olympic này Việt Nam cũng rất mạnh. Nhiều VĐV môn võ cổ truyền của Việt Nam đã được chuyển sang thi đấu những môn võ truyền thống của Campuchia và giành HCV tại SEA Games 32.
Các môn võ được tổ chức rất nhiều nội dung tại SEA Games 32, đã giúp Campuchia và Việt Nam giành nhiều HCV - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
SEA Games 32 có ít kỷ lục
Theo thống kê, đoàn thể thao Việt Nam đã xác lập 16 kỷ lục tại SEA Games 32. Trong đó, hai kỷ lục cự ly 100m và 200m ếch của kình ngư Phạm Thanh Bảo được đánh giá là quý giá nhất. Bốn kỷ lục được xác lập ở môn cử tạ và 10 kỷ lục được xác lập ở môn lặn. Đây là số kỷ lục tương đối khiêm tốn trong một kỳ SEA Games.
Sau SEA Games 32, thể thao Việt Nam sẽ bắt tay ngay vào chuẩn bị cho Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới. Mặc dù giành đến 136 HCV và đứng đầu SEA Games nhưng chỉ tiêu của thể thao Việt Nam tại Asiad rất khiêm tốn, chỉ từ 3-5 HCV.
Niềm hy vọng số 1 của bơi Việt Nam tại Asiad 19 là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng sẽ trở lại Hungary tập huấn sau SEA Games để chuẩn bị đại hội. VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh sẽ thi đấu hai nội dung tại Asiad là 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật.
Khương Xuân
Nguồn: https://tuoitre.vn/the-thao-viet-nam-dan-dau-sea-games-32-khiem-ton-o-asiad-19-20230518223702658.htm