Tết Đoan Ngọ mùng 5.5: Xóm bánh ú lá tre ở TP.HCM tất bật vì niềm vui
Cứ vào đúng đầu năm âm lịch con xóm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển (P.5, Q.8, TP.HCM) lại tất bật chuẩn bị từ nếp, nhân, lá gói, củi lửa để cho những mẻ bánh ú lá tre ra lò đúng vào dịp tết Đoan Ngọ, mùng 5.5.
Thức suốt đêm canh từng nồi bánh
Tại lò bánh Út Yến, ngôi nhà đầu tiên trên con hẻm 1172, đường Phạm Thế Hiển đập vào mắt là một chảo nhân to được xào trên bếp điện trước cửa. Phía trên có máy móc hỗ trợ trộn và đảo. Chị Út Yến, chủ của lò bánh kể lại lúc trước chưa hiện đại, khi máy móc chưa có bà con phải xào nhân bằng tay. Quyết định mua máy để tiết kiệm thời gian, một phần bà con không ai có sức để đứng hơn cả tiếng xào một mẻ nhân.
"Nhân là hỗn hợp gồm đậu xanh, sầu riêng và đường được xào trên lửa thật nhỏ", chị Yến nói.
Để những chiếc bánh ú lá tre ra đời là cả một quá trình, chị Yến phải chuẩn bị củi để nấu bánh từ nửa tháng trước. Lá tre dùng để gói bánh được mua từ các chợ đầu mối và đặt dây lát từ những tỉnh miền Tây. Nếp là phần quyết định được cái bánh ngon hay không, được chọn lựa kĩ lưỡng và ngâm trước khi gói bánh hai ngày.
Ngày đầu tiên của tháng năm âm lịch (ngày mùng 1), những chảo nhân to lần lượt được xào thành phẩm. Cô Lan (ở Q.8) đang ngồi vo viên hỗn hợp nhân đã nấu kèm theo đó bên trong là một miếng nhỏ mứt bí. "Mình phải vo sẵn như vậy để những người gói sẽ nhanh hơn và nhân bánh được đều hơn", cô Lan nói.
Khác với những loại bánh khác đa phần sẽ gói bằng lá chuối, lá dừa..., điểm khác biệt của loại bánh ú này được gói bằng lá tre. Chị Yến chia sẻ để gói bánh đòi hỏi lá tre phải là lá tươi, một cái bánh sẽ được gói bằng 3 lá.
"Bánh được gói bằng lá tre sẽ làm cho hạt nếp mình nó trong và lá tre cũng cho ra được màu đặc trưng của bánh ú", chị Yến nói.
Ngày mùng 2 tháng 5 âm lịch từ đầu ngõ nhỏ, khói bếp đã nghi ngút. Lò nào cũng thiết kế 3 bếp củi với 3 cái nồi lớn nhỏ khác nhau, được xếp trước cửa của mỗi lò. Mọi nguyên liệu phải chuẩn bị đầy đủ. Thông thường ngày mùng 2 và mùng 3 xóm bánh ú sẽ bắt đầu gói song song với việc nấu bánh cùng lúc.
Thợ làm bánh với đôi bàn tay thoăn thoắt, xếp lá thành hình phễu, cho nếp vào, gấp lá thật kín tạo thành khối tứ diện rồi dùng dây lát cột lại. Một xâu bánh trước khi nấu sẽ gồm có 60 cái bánh với dây lát thòng ra ngoài để dễ dàng nhấc ra khỏi nồi. Khi bán mỗi xâu sẽ chia ra chỉ có mười hai cái bánh được bán với giá là bảy mươi ngàn đồng.
Bánh được cho vào đổ ngập nước nấu chín bằng lửa. Thời gian nấu không cần lâu, tùy thuộc kích thước bánh mà nấu từ hai tiếng đến ba tiếng. Chị Yến nói khi bánh chín sẽ được vớt ra nhúng ngay vào chậu nước lạnh cho bánh mau nguội, giữ màu xanh lá và làm sạch bề ngoài. Cuối cùng bánh được treo lên cao, thoáng gió cho ráo nước.
Đam mê giữ nghề truyền thống
Tại con xóm nhỏ những ngày này, phía ngoài đường Phạm Thế Hiển, mọi người bán bánh cũng như chợ hoa của những ngày Tết, rôm rả những lời mời khách. Bên trong hẻm là những câu chuyện của người thợ để thêm niềm vui trong lúc gói bánh. Tạo nên âm thanh nhộn nhịp vui vẻ của ngày Tết Đoan Ngọ.
Những người thợ ở đây hầu hết là người thân, bà con quanh xóm của chị Yến. Công việc thường ngày của lò bánh là một xưởng may, tới mùa bánh tất cả công việc của xưởng may đều tạm gác qua một bên. "Cực nhưng mà rất đam mê, công việc bình thường có bận cỡ nào cũng dành thời gian cho việc gói bánh. Luôn với tinh thần giữ nghề mà ông bà ta để lại", chị Yến bộc bạch.
Đa số bà con của xóm mê không khí và công việc nấu bánh. Chị Yến vừa rửa những chiếc lá tre vừa chia sẻ: "Mình theo nghề hơn 20 năm, từ đời bà để lại cho mẹ rồi tới đời chị. Những anh chị giờ đang ở nước ngoài cũng mong muốn về quê dịp này để gói bánh".
Bà Mai (ở Q.8) cho biết: "Trong cái cực nó có cái vui lắm, miễn năm nào xóm cũng gói ngồi đau lưng cũng ráng". Còn với chị Hiền thì đôi tay thoăn thoát đang ngồi gói bánh kể mỗi người trung bình gói được một thiên (1200 cái). Một phần kiếm tiền, phần khác cũng vì yêu nghề. "Công việc gói bánh tới nay cũng được mười mấy năm, người gói cần phải kéo gói sao cho cái bánh phải bốn góc mới ra bánh ú lá tre", chị Hiền nói.
Ánh Tuyết
Bánh ú lá tre là loại bánh dân gian, gắn bó với người dân Nam bộ làm nhiều nhất vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch).
Ánh Tuyết - Nhật Lệ