Đưa ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam ra thế giới
Ngành vi mạch, bán dẫn của Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Ngày 6-9, Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC). Việc ra mắt trung tâm này có ý nghĩa rất quan trọng, cả về khía cạnh chính trị, ngoại giao lẫn khía cạnh chiến lược phát triển kinh tế khi Việt Nam (VN) đang đứng trước “cơ hội vàng” để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông.
Cơ hội “trăm năm có một”
Nói về tầm quan trọng của công nghệ bán dẫn, PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, trích lời của Pasquale Pistorio, cựu Chủ tịch Tập đoàn vi mạch điện tử SGS Thomson Microelectronics vào năm 1989, “Không một xã hội công nghiệp mạnh nào có thể tồn tại nếu thiếu ngành công nghiệp điện tử mạnh, năng động… và một ngành công nghiệp điện tử mạnh không thể tồn tại nếu thiếu vắng sự tiếp cận có kiểm soát đối với công nghệ bán dẫn tiên tiến”.
VN đã có những cột mốc quan trong đánh dấu nỗ lực trong phát triển vi mạch bán dẫn. Đầu tiên phải kể đến dự án Z181 do GS Trần Đại Nghĩa dẫn dắt vào giai đoạn ngay sau khi thống nhất đất nước năm 1975. Cột mốc thứ hai chính là Intel quyết định đầu tư vào SHTP cách đây 17 năm. Cũng trong giai đoạn này, ĐH Quốc gia TP.HCM thành lập Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) và Phòng thí nghiệm công nghệ nano (LNT), nay là Viện Công nghệ nano (INT).
Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, các “ông lớn” của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh… để đảm bảo tính bền vững trong phát triển ngành vi mạch, bán dẫn đã có những bước đi nhằm tái cấu trúc, xây dựng lại các chuỗi cung ứng ngành này. Đặc biệt, đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực kinh tế cũng đưa vi mạch, bán dẫn vào “cuộc chiến”, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.
Trong “cuộc đua” tham gia vào chuỗi giá trị quan trọng này, theo ông Thi, VN đang đứng trước những cơ hội “trăm năm có một” nhờ vào lợi thế cạnh tranh về địa chính trị, nền kinh tế cởi mở và hội nhập, các nền tảng về nguồn nhân lực và những tích lũy khác được tạo ra trong suốt 20 năm qua của ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn. Ví dụ về nghiên cứu, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 1.000 bài báo khoa học được công bố quốc tế ở ngành công nghiệp bán dẫn, gần 650 bài báo khoa học được công bố quốc tế liên quan đến lĩnh vực vi mạch, có khoảng 5.000 kỹ sư có chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch (trong đó, 85% ở TP.HCM).
VN cũng đã đón nhận sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng vi mạch như nhà đầu tư chiến lược Intel tại SHTP; một số doanh nghiệp thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đến VN cùng với Samsung. “Tất cả chỉ số về hoạt động, đầu tư, quy mô vốn, nhu cầu thị trường… đều có thể cho thấy quy mô của ngành điện tử VN có thể nói là đã đủ lớn để tạo ra hệ sinh thái phát triển của ngành vi mạch bán dẫn ở VN, mà trước tiên sẽ nằm ở các khâu thiết kế và đóng gói” - ông Thi cho biết.
PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Những nền tảng tại TP.HCM
Việc ra mắt Trung tâm ESC vào thời điểm này và được đặt tại TP.HCM không phải là sự ngẫu nhiên. Trong văn bản gửi đến lãnh đạo UBND TP.HCM vào đầu tháng 8, SHTP nêu rõ: Để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng là điện tử, vi mạch bán dẫn, với trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp trong nước, tập trung vào các khâu có giá trị tăng cao như nghiên cứu - phát triển (R&D), thiết kế thì việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, có khả năng ứng dụng và sáng tạo công nghệ là rất quan trọng.
Vào năm 2012, UBND TP.HCM chính thức ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2017, chương trình này đã được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Mới đây, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng nêu rõ ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược vào TP sẽ bao gồm: “Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip… có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên”.
Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế là nơi đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế IPC đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngoài ra, trước khi thành lập Trung tâm ESC, để tạo dựng các nền tảng về quản trị, hạ tầng và các nguồn lực phù hợp, Ban quản lý SHTP đã hợp tác với Công ty Synopsys thành lập mô hình Trung tâm thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SCDC) vào năm 2022, trong đó đối tác tài trợ hàng chục triệu USD để phục vụ đào tạo thiết kế vi mạch. Tương tự, ban quản lý tiếp tục hợp tác với Công ty Candence vào năm 2023 với gói hỗ trợ tương tự. Cũng trong năm 2023, SHTP phối hợp với các đối tác thành lập và ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC), nhắm tới hoạt động đào tạo khách hàng doanh nghiệp làm về dịch vụ điện tử.
SCDC và IETC là hai công cụ rất quan trọng, tạo thành hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu công nghệ cao, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của VN là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch. Đây có thể nói là tiền đề để SHTP quyết định hợp nhất hai mô hình nói trên, thành lập nên Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC).•
Vi mạch bán dẫn và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Đây là chuyến thăm VN đầu tiên của một tổng thống Mỹ theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN và kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ cải thiện hợp tác giữa hai nước trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực cấp thiết và đầy tiềm năng của các thập niên tới. Dù dự kiến tổng thống Mỹ sẽ không vào thăm TP.HCM nhưng chuyến đi này có thể tạo ra nhiều cơ hội chiến lược cho sự phát triển của TP.
Do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine và vai trò ngày càng tăng của vũ khí điều khiển chính xác (precision weaponry) trên chiến trường (mà hiệu quả của vũ khí này được quyết định bởi chip máy tính điều khiển). Mỹ muốn tái cơ cấu “chuỗi giá trị” trong ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp vi mạch bán dẫn, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng với các nước đối tác chiến lược.
VN là một trong những quốc gia rất tiềm năng và TP.HCM là nơi có lợi thế nhất với dự án đầu tư của Intel vào Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) năm 2006; từ đó đến nay hàng loạt chương trình, sáng kiến về đào tạo nguồn nhân lực, về xây dựng hạ tầng, về chuyển giao công nghệ đã được hình thành.
Trong đó, nguồn nhân lực là điểm sáng nhất, khi VN có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TP.HCM với 85% (còn lại là Hà Nội và Đà Nẵng). Cùng với thiết kế vi mạch, đóng gói vi mạch (IC packaging) cũng là lĩnh vực thế mạnh nhờ sự hiện diện của Intel tại SHTP với tổng vốn đầu tư tích lũy đến nay hơn 4,1 tỉ USD.
Như vậy, qua chuyến thăm, với sự hiện diện của Mỹ và các đối tác trong lĩnh vực này, hai nước cần (i) đẩy nhanh đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Intel tại SHTP; (ii) dựa trên Nghị quyết 98 kêu gọi nhà đầu tư trong hệ sinh thái Intel đầu tư vào các phòng nghiên cứu - thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp, trung tâm đào tạo vi mạch; (iii) trao đổi với các tập đoàn công nghệ có tiềm lực trong nước để thúc đẩy các dự án vi mạch với các đối tác Mỹ và các đối tác chiến lược của Mỹ như Đài Loan, Hàn Quốc. NGUYỄN QUÂN CÁT
ĐỖ THIỆN
Nguồn: https://baomoi.com/dua-nganh-vi-mach-ban-dan-viet-nam-ra-the-gioi/c/46835887.epi