NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Thương mại điện tử khó "phất" nếu còn lừa khách hàng

on .

Theo các chuyên gia, ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam sẽ khó phát triển nếu chuyện lừa lọc khách hàng về mẫu mã, giá cả, chất lượng sản phẩm vẫn xảy ra phổ biến.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

Tại hội thảo “Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử” diễn ra sáng ngày 23/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Thư ký hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá: Với quy mô dân số 90 triệu người, 20 triệu thuê bao 3G và trên 30 triệu người dùng Internet, Việt Nam đang là thị trường màu mỡ cho ngành TMĐT phát triển.

Ngay từ năm 2013 và trong năm 2014, TMĐT tại Việt Nam đã phát triển mạnh với nhiều điển hình như alibaba.vn, lazada.vn, muachung.vn, vatgia.com, tiki.vn, Hotdeal.vn... Kênh mua hàng online cũng thu hút lượng khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng độ tuổi từ 22-40, tập trung nhiều tại đô thị như TP.HCM và Hà Nội.

Về hình thức thanh toán, thanh toán sau khi nhận hàng vẫn chiếm tới 90%, còn thanh toán qua Internet Banking, thẻ tín dụng hay thẻ ATM chỉ chiếm 15%. Hiện nay, ví điện tử chưa phổ biến do đòi hỏi người tiêu dùng phải thực hiện nhiều bước đăng ký.

Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Lâm Thanh, người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu lên mạng đi tìm mua hàng giá rẻ. Khác với nhiều nước, người Việt Nam có thời gian online xếp thứ hạng cao trên thế giới nhưng tính tín dụng lại thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Kỳ Minh, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho hay, theo khảo sát của Google, 29% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng lý do họ mua hàng trên mạng chủ yếu thông qua giới thiệu của bạn bè. Yếu tố quan trọng nhất thu hút người tiêu dùng mua sắm online chính là họ được mua hàng rẻ hơn, tiết kiệm thời gian hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đi siêu thị (disieuthi.vn) cho rằng, kênh mua hàng online sẽ phát triển giữa bối cảnh phương thức mua sắm tiêu dùng offline tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ còn tồn tại một số bất cập cho những khách hàng như mất nhiều thời gian đi lại, xếp hàng thanh toán, chở hàng hóa công kềnh, tắc đường, khói bụi…

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hưng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam thiếu kinh nghiệm trong TMĐT và niềm tin của người tiêu dùng chưa cao.

Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử đang mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử ngày càng tăng cao.

Nhưng thực tế vẫn còn có những mặt trái như doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa mang tính chất thu lợi nhuận đơn thuần, lừa lọc khách hàng về mẫu mã, giá cả, chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín đối với các doanh nghiệp bán hàng qua mạng chân chính.

Theo một chuyên gia, do chưa tin cậy về chất lượng sản phẩm được giao nên người tiêu dùng đã chủ yếu lựa chọn hình thức thanh toán sau khi nhận hàng để đảm bảo sự chắc chắn. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến hình thức thanh toán sau khi nhận hàng vẫn chiếm tới 90% như đề cập ở trên.

“Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần có giải pháp để hạn chế những mặt trái của sự phát triển, đồng thời các doanh nghiệp TMĐT muốn xây dựng được thương hiệu uy tín cũng phải biết mình cần làm gì để phát triển nhanh và vững chắc”, ông Vũ Vinh Phú nói.