Giải bài toán hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cần có tầm nhìn 100 năm!

on .

Từ câu chuyện hạn mặn đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai - trao đổi với Tuổi Trẻ về nguy cơ hạn mặn trong tương lai ở khu vực này.

 
Nắng nóng kéo dài, các con kênh ở xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) cạn nước nên gây sạt lở, sụp lún đường giao thông nghiêm trọng, chia cắt đi lại của người dân - Ảnh: CHÍ CÔNG
 

Nắng nóng kéo dài, các con kênh ở xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) cạn nước nên gây sạt lở, sụp lún đường giao thông nghiêm trọng, chia cắt đi lại của người dân - Ảnh: CHÍ CÔNG

Người dân phải rút được kinh nghiệm trong chống hạn mặn và cần thay đổi suy nghĩ về nguồn nước vô tận như trước kia và phải trân quý từng giọt nước.
 

Cần làm gì khi ứng phó với hạn mặn?

* Chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó và nhiều giải pháp ứng phó sau hạn mặn do El Nino năm 2016 và 2020. Vì sao năm nay vẫn xảy ra tình trạng khô hạn, có những nơi người dân thiếu nước ngọt, nhất là ở Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre...?

- Hạn hán là một loại thiên tai diễn ra từ từ, chầm chậm và chúng ta chỉ nhận biết hạn hán xảy ra khi xung quanh ta không còn nước hoặc các nguồn nước cho nhu cầu về sinh kế, kinh tế, dân sinh không còn. Chính vì hạn xảy ra từ từ khiến cho chúng ta khó nhận định khi nào xảy ra.

Nói về mặt chủ quan, trước thời điểm hạn mà chúng ta thấy sông hồ, bể chứa còn nước, các kế hoạch dự phòng đã có nhưng hạn hán năm nay kéo dài hơn so với khả năng dự trữ của địa phương cũng như các hộ gia đình nên một số nơi đã rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Do đó, việc ứng phó với hạn mặn rất cần sự phối hợp trong công tác dự báo xa, đánh giá nhu cầu nước của địa phương, phân bổ nguồn nước sẵn có, tính toán được quãng thời gian mà nguồn nước từ nơi khác hoặc nước mưa xuống.

Đây là tổ hợp cần rất nhiều thông tin để lập ra kế hoạch chi tiết nhằm sử dụng cho mùa hạn mặn.

* Người dân miền Tây còn đối mặt với hạn mặn đến khi nào?

- Theo các mô hình thời tiết trung hạn cho thấy lượng mưa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 và tháng 5 sẽ sụt giảm 20 - 25% so với trung bình các năm.

Thông thường miền Tây bắt đầu mưa rải rác từ tháng 3, sang tháng 4 thì mưa xuất hiện nhiều hơn với các cơn mưa rào, nhưng năm nay dự báo phải đến tháng 5 mới xuất hiện các cơn mưa rào rải rác và sang tháng 6 sẽ mưa đều hơn.

TS NguyễN Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai

TS NguyễN Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai

Vì vậy, tình trạng thiếu nước mưa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu hụt từ nay đến giữa tháng 5, thậm chí kéo dài đến nửa cuối tháng 5.

Không chỉ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực sông Mekong từ Trung Quốc cho tới Campuchia từ tháng 11 năm ngoái cho đến giờ hầu như rất ít mưa.

Điều này khiến cho hệ thống sông Mekong không được bổ sung nguồn nước giống như các năm có La Nina.

Trong khi đó, các đập thủy điện trên dòng Mekong cũng tích nước để sản xuất điện cho một mùa hè được dự báo rất khốc liệt về nắng nóng, do đó lượng nước từ các hồ chứa dọc sông Mekong xuống hạ lưu giảm.

Như vậy, cả hai yếu tố bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long trong hai tháng tới đều thấp hơn so với trung bình các năm.

Cùng với đó, do tác động của triều cường, từ giờ cho đến giữa tháng 5 sẽ có ba đợt xâm nhập mặn tăng cao vào hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài khu vực ven biển, xâm nhập mặn dự báo sẽ lấn sâu nhiều hơn khu vực nội đồng, nhất là đợt xâm nhập mặn diễn ra cuối tháng 4 sẽ khá nghiêm trọng.

* Làm gì để ứng phó với ba đợt xâm nhập mặn sắp tới?

- Hiện kênh, rạch, ao, hồ một số nơi đã cạn nước hoặc có nước thì đã bị nhiễm mặn nên chắc chắn chúng ta phải chuyển nguồn nước ngọt từ nơi khác về cho các khu vực bị hạn mặn và người dân phải sử dụng tiết kiệm, khoa học nguồn nước này trong vòng một tháng tới.

Phải ưu tiên hàng đầu cho sinh hoạt, tiếp đến ưu tiên nước cho vật nuôi và cây trồng lâu năm như xoài, sầu riêng, măng cụt, mít... (nên tái sử dụng nước hoặc áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt). Sau đó mới ưu tiên nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng bằng sông Cửu Long"khát nước"

* Với những gì đang diễn ra và tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng hạn mặn như thế nào trong tương lai?

 

- Trước đây, hiện tượng El Nino khoảng 6 - 7 năm mới xuất hiện nhưng khoảng 10 năm trở lại đây El Nino lặp lại với tuần suất dày hơn, như chúng ta chứng kiến chu kỳ khoảng bốn năm (2016, 2020, 2024).

Dự báo trong tương lai việc chuyển pha giữa El Nino và La Nina sẽ thường xuyên hơn và giai đoạn trung tính (mưa thuận gió hòa) sẽ rất ngắn. Như vậy sẽ tạo ra hiện tượng mưa rất nhiều hoặc nắng rất nhiều.

Khi đó, về mặt khí tượng thì tình trạng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở nên thường xuyên hơn.

Còn về mặt thủy văn thì nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ít đi, cùng với đó vấn đề nước biển dâng và xâm nhập mặn sẽ khiến nguồn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu đi.

* Với những dự báo như ông vừa phân tích thì có thể nhận định bức tranh Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai sẽ "khát nước"?

- Chính xác. Tương lai sẽ là một vùng "khát nước" nếu như không có giải pháp thay đổi cách sử dụng nguồn nước hoặc quy hoạch nguồn nước lâu dài.

* Giải pháp đó là gì?

- Như tôi đã nói, tần suất lặp lại hặn mặn ở miền Tây đang diễn ra với tần suất bốn năm một lần, đây là điều trong tương lai Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt.

Do đó, chúng ta phải chủ động làm sao để khi ngay cả El Nino xảy ra mà không cần phải cứu trợ từng sà lan, từng téc nước đến từng làng, từng bản, từng hộ.

Quan điểm của tôi về chống hạn, mặn và lũ cho Đồng bằng sông Cửu Long cần cả giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, giải pháp hồ chứa và chuyển đổi mô hình canh tác dựa vào nguồn nước là giải pháp rẻ tiền và phù hợp nhất.

Qua theo dõi dữ liệu, tổng lượng mưa hằng năm ở miền Tây trung bình từ 2.700 - 3.000mm, đây không phải là lượng mưa ít.

Tuy nhiên, lượng mưa này chỉ tập trung trong tháng 4 đến tháng 11 hằng năm. Các tháng còn lại từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau hầu như không mưa hoặc lượng mưa rất ít.

Vì vậy, chúng ta phải làm sao giữ được nước ngọt từ nước mưa, đặc biệt là khu vực Cà Mau - không dựa vào nguồn nước sông Mekong, muốn giữ được nước ngọt thì chỉ có giải pháp làm các hồ chứa.

Như ở Cà Mau đang có lợi thế có nhiều ao hồ nhưng đa số đang sử dụng mục đích để nuôi trồng thủy hải sản.

Do đó cần có quy hoạch bao nhiêu hồ chứa sử dụng cho nuôi trồng thủy hải sản, hồ chứa nước ngọt với quy mô từ hộ gia đình cho tới cấp huyện, cấp tỉnh, phải có phân ra quy hoạch tích trữ nước, bằng cách nạo vét sâu các hồ để tích trữ nước ngọt trước khi kết thúc mùa mưa, nhất là các năm có El Nino.

Theo tôi, ở Cà Mau cứ ba hồ nước mặn thì phải có một hồ nước ngọt để sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất.

Với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu LongL mà dựa vào nguồn nước sông Mekong thì cần linh hoạt tạo ra các hồ chứa nội đồng trên các kênh mương nhánh và không nên làm thêm các đập ngăn mặn ở các sông lớn.

* Như ông nói, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước lặp đi lặp lại ở Đồng bằng sông Cửu Long, do đó rất cần một chiến lược với tầm nhìn 100 năm về quy hoạch và cung cấp nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long?

- Đúng vậy. Ngoài việc tích nước tại chỗ, làm hồ chứa thì cũng rất cần dự án đường cấp nước liên vùng, có thể đưa từ "túi nước" Tứ giác Long Xuyên về hạ lưu, thậm chí dẫn nước từ hệ thống sông Đồng Nai về Tiền Giang, Bến Tre.

Nếu chuyển nước từ nơi khác về như vậy thì chúng ta nên dùng hệ thống đường ống kín để vận chuyển nước thô về các hồ chứa ở các tỉnh để xử lý, không nên vận chuyển hệ thống hở vì rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và thất thoát do bốc hơi.

Việc này chi phí đắt nhưng với tư duy và tầm nhìn của 100 năm thì xứng đáng để đầu tư để mỗi khi có El Nino chúng ta không còn phải huy động nguồn lực ứng phó, không phải chở từng sà lan hay téc nước cứu trợ cho người dân.

Chí Tuệ

Nguồn: https://tuoitre.vn/giai-bai-toan-han-man-o-dong-bang-song-cuu-long-can-co-tam-nhin-100-nam-20240414232127114.htm