2/3 dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn H. pylori, phòng bệnh ra sao?
Việt Nam có tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H. pylori cao, với ước tính 2/3 dân số mắc phải. Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường vì việc vệ sinh dụng cụ ăn uống tại hàng quán rất kém, không loại bỏ hết được vi khuẩn H. pylori.
Dùng chung nước chấm hay gắp thức ăn cho nhau cùng một đũa ăn dễ lây nhiễm nhiều bệnh, trong đó có nhiễm vi khuẩn H. pylori (hay còn gọi là HP) - Ảnh: T.T.D.
Nhiều người thường xuyên có triệu chứng ợ hơi, khó tiêu, chướng bụng, chán ăn, cơ thể nặng nề. Về sau các triệu chứng nặng hơn, điển hình nhất là đau bụng, buồn nôn, giảm cân rõ rệt...
Qua thăm khám, người bệnh mới hay mình nhiễm vi khuẩn H. pylori, hay gọi là HP, và lo sợ sẽ tiến triển thành bệnh ung thư dạ dày.
Bác sĩ Trần Thị Đông Viên - trưởng khoa nội B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho hay Helicobacter pylori (H. pylori) là một trong những tác nhân vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất ở người, với ước tính một nửa dân số trên thế giới mắc phải.
Hiện nay viêm dạ dày do H. pylori được xem là một bệnh truyền nhiễm, thậm chí khi nó không gây ra triệu chứng hay biến chứng cho bệnh nhân.
H. pylori là nguyên nhân thường gặp gây viêm dạ dày mạn, loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày và u MALT lymphoma.
Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ nhiễm H. pylori cao, với ước tính 2/3 dân số mắc phải. Tình trạng H. pylori đề kháng kháng sinh tại nước ta ngày càng gia tăng và tình trạng tái nhiễm H. pylori xảy ra phổ biến ở người dân nước ta.
Giải thích vì sao nhiều người nhiễm H. pylori và kéo dài, bác sĩ Viên cho biết H. pylori có những khả năng đặc biệt giúp tồn tại trong môi trường dạ dày khắc nghiệt của con người.
Ngoài ra chúng còn có thể lẩn trốn miễn dịch, chính vì thế một khi mắc phải, tình trạng nhiễm H. pylori sẽ dai dẳng và không thể tự giới hạn.
Phòng tránh nguy cơ tiến triển đến loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày
Bác sĩ Viên cho biết thêm nhiễm H. pylori luôn luôn gây ra viêm dạ dày, bất kể có gây ra triệu chứng hay không. Hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ không có triệu chứng trên lâm sàng.
Đối với các trường hợp có triệu chứng, bệnh nhân sẽ có biểu hiện lâm sàng phụ thuộc vào bệnh cảnh của biến chứng mà H. pylori gây ra như viêm dạ dày mạn, khó tiêu, loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày…
Xấp xỉ 10% bệnh nhân nhiễm H. pylori sẽ tiến triển đến loét dạ dày - tá tràng và khoảng 1% có thể tiến triển đến ung thư dạ dày.
Bên cạnh các biểu hiện tại đường tiêu hóa trên, H. pylori còn có thể gây ra các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa khác như thiếu máu, thiếu sắt, giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát và thiếu vitamin B12.
Ngoài ra H. pylori cũng được báo cáo có liên quan đến các bệnh lý thần kinh, tim mạch, hô hấp và da liễu, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định lại mối liên quan này.
Diệt trừ H. pylori có thể làm hồi phục niêm mạc dạ dày, thuyên giảm triệu chứng, hạn chế các biến chứng và từ đó giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Gần 75% các u MALT lymphoma giai đoạn sớm có thể được điều trị khỏi sau khi tiệt trừ H. pylori thành công.
Để hạn chế lây nhiễm khuẩn H. pylori trong cộng đồng, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên dùng chung các dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung bát nước chấm, uống chung cốc nước, gắp thức ăn cho nhau.
Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường vì việc vệ sinh dụng cụ ăn uống tại hàng quán rất kém, không loại bỏ hết được vi khuẩn H. pylori.
Diệt trừ ruồi muỗi, giữ gìn vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tráng nước sôi các dụng cụ ăn uống dùng chung trong gia đình.
Đối với trẻ nhỏ, người lớn nên tránh không hôn trẻ, không cho trẻ ăn bằng cách nhai đút mớm, tránh thói quen dùng đũa của mình để đảo lộn thức ăn hoặc trộn thức ăn của trẻ nhỏ trong bữa cơm.
Phụ huynh nên rèn cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa lây nhiễm khuẩn H. pylori cho trẻ.