NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

90% camera giám sát an ninh xuất xứ Trung Quốc, người dùng đối diện nguy cơ rò rỉ thông tin

on .

Ngày 22-5, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với báo VietNamNet tổ chức tọa đàm "Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát". 

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị tìm giải pháp xóa bỏ nguy cơ rò rỉ thông tin từ camera giám sát - Ảnh: HÀ THƯƠNG
 

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị tìm giải pháp xóa bỏ nguy cơ rò rỉ thông tin từ camera giám sát - Ảnh: HÀ THƯƠNG

Tọa đàm có sự tham dự của ông Trần Đăng Khoa - phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Võ Đăng Thiên - phó tổng biên tập báo VietNamNet và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất camera, an toàn thông tin mạng.

90% camera giám sát nhập khẩu từ Trung Quốc

Camera là sản phẩm rất nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin. Thực tế tại Việt Nam, có tới 90% camera giám sát có xuất xứ từ Trung Quốc theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. 

Một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud, kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải "vòng" qua server này trước khi kết nối vào camera của mình.

Thông tin cá nhân truyền qua trung gian khi không có các cơ chế bảo mật sẽ gây rủi ro cho người dùng. 

"Vì vậy, việc ban hành các tiêu chuẩn cho camera và chủ động sản xuất camera "Make in Vietnam" là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Việt Nam", ông Võ Đăng Thiên nhấn mạnh.

Ông Vũ Ngọc Sơn - trưởng ban công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, giám đốc kỹ thuật Công ty NCS - cho biết năm 2014, hàng nghìn camera giám sát được chia sẻ công khai trên một trang web (khoảng 730.000 camera trên toàn thế giới).

Năm 2020, theo khảo sát, hơn 70% camera có mật khẩu yếu, mật khẩu mặc định tại Việt Nam.

Năm 2023, tin tặc (hacker) rao bán quyền truy cập camera tại Việt Nam, chi phí khoảng 800.000 đồng để tiếp cận 15 camera và số lượng camera được rao bán lên tới hàng trăm nghìn chiếc.

 

"Camera không bao giờ tắt, luôn online 24/24 giờ, ít được vá lỗi, gần như không được cập nhật bản vá, phần mềm diệt virus. Do đó, nếu bị tấn công sẽ không có ai bảo vệ", ông Sơn nhận xét.

Ông Vũ Ngọc Sơn hy vọng rằng bộ tiêu chuẩn vừa ban hành của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là bước khởi đầu cho việc thiết lập nhiều tiêu chuẩn hơn trong tương lai.

Tiền đề xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho camera giám sát

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra tiêu chí đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu người sử dụng cho camera giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phó tổng biên tập báo VietNamNet Võ Đăng Thiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát - Ảnh: HÀ THƯƠNG

Phó tổng biên tập báo VietNamNet Võ Đăng Thiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát - Ảnh: HÀ THƯƠNG

Bộ tiêu chí về an toàn toàn thông tin cho camera giám sát là tiền đề để các doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm, thiết bị camera giám sát trên thị trường Việt Nam rà soát, đánh giá tổng thể các nguy cơ mất an toàn thông tin đối với các sản phẩm, thiết bị camera do đơn vị mình cung cấp.

Tổng giám đốc Vconnex Nguyễn Đức Quý đánh giá "bộ tiêu chí có ý nghĩa như "hồi chuông cảnh tỉnh" về rủi ro mất an toàn thông tin và dữ liệu".

Đồng quan điểm, ông Võ Đức Thọ - tổng giám đốc Hanet Technology - nhận thấy bộ tiêu chuẩn được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành là phù hợp với tình hình thực tiễn giai đoạn hiện tại, đáp ứng nhu cầu không phải chỉ người dùng Việt Nam mà còn đưa camera "Make in Vietnam" ra thị trường quốc tế.

Ước tính thị trường Việt Nam sẽ cần 100 - 150 triệu camera Việt Nam nhưng mới có 15 triệu camera (khoảng 10 - 15%). 

HÀ THƯƠNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/90-camera-giam-sat-an-ninh-xuat-xu-trung-quoc-nguoi-dung-doi-dien-nguy-co-ro-ri-thong-tin-20240522204129301.htm