NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tại sao OpenAI liên tục 'đốt' tiền?

on .

OpenAI có tham vọng vượt ra khỏi giới hạn hiện tại của công nghệ. Họ tin rằng sức mạnh tính toán trên hiện có Trái đất chưa đủ để xây dựng trí tuệ nhân tạo mà họ mong muốn.

Số tiền khổng lồ này không dễ dàng có được và chỉ có thể huy động từ một số ít nguồn lực tài chính trên thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Đầu năm nay, CEO OpenAI Sam Altman đã gây tiếng vang khi công bố kế hoạch huy động hàng nghìn tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu và nhà máy sản xuất chip mới. Theo vị CEO, để tạo ra những công nghệ AI có khả năng vượt trội, cần một lượng sức mạnh tính toán lớn hơn rất nhiều so với những gì hiện có.

Sau đó, các cố vấn và đối tác tiềm năng của Altman đã thu nhỏ con số này xuống chỉ còn hàng trăm tỷ USD. Song, kế hoạch của OpenAI vẫn là một chiến lược đầy tham vọng, New York Times nhận định.

Tại sao OpenAI cần nhiều chip và trung tâm dữ liệu đến vậy?

Các chatbot như ChatGPT học hỏi và cải thiện bằng cách phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ Internet. Quá trình "học máy" này đòi hỏi sức mạnh tính toán rất lớn và chỉ có thể đạt được thông qua các chip silicon chuyên dụng và các trung tâm dữ liệu quy mô lớn.

Tuy nhiên, với sự phát triển của các công ty AI trên toàn cầu, nhu cầu về chip ngày càng tăng trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế. Nhiều công ty đang chạy đua để xây dựng AI như start-up Anthropic và X.ai của Elon Musk. Những gã khổng lồ công nghệ kiểm soát các trung tâm dữ liệu như Google, Microsoft, Amazon cũng tham gia vào lĩnh vực này.

Theo Altman, điều này đã đẩy OpenAI vào cuộc đua nhằm đảm bảo đủ nguồn lực tính toán cho tương lai phát triển của họ.

CEO Sam Altman từng muốn huy động hàng nghìn tỷ USD cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip silicon và trung tâm dữ liệu máy tính mới. Ảnh: Bloomberg.

Hiện tại, OpenAI vẫn phụ thuộc vào các trung tâm dữ liệu của Microsoft - đối tác đầu tư chiến lược của họ. Nhưng tương lai của công ty không chỉ dừng lại ở đó. Start-up AI không thể chờ đợi người khác xây dựng thêm chip và trung tâm dữ liệu. Họ muốn đẩy nhanh quá trình này càng sớm càng tốt, New York Times nhận định.

Tuy nhiên, không phải tất cả công ty đều có thể tham gia vào cuộc chơi này. Phần lớn chip AI hiện nay được thiết kế bởi Nvidia. Nhưng Nvidia không trực tiếp sản xuất chip. Họ gửi thiết kế của mình tới các xưởng sản xuất ở châu Á như Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) và Samsung.

Do đó, OpenAI đang cố gắng tăng số lượng chip và tăng số lượng trung tâm dữ liệu có thể chứa những con chip này. Start-up AI lập luận rằng toàn bộ ngành công nghệ có thể được hưởng lợi từ điều này, bao gồm cả các đối thủ như Anthropic và X.ai.

Chi phí để xây dựng một nhà máy sản xuất chip (hay còn gọi là fabs) có thể lên tới 43 tỷ USD cho mỗi nhà máy. Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu mới cũng tốn kém không kém. Mức giá dự kiến lên đến 100 tỷ USD/trung tâm dữ liệu - gấp 20 lần chi phí của các trung tâm dữ liệu hiện tại.

Cách nào để OpenAI huy động được số tiền này?

Kế hoạch của Altman là thu hút các nhà đầu tư lớn từ nhiều quốc gia trên thế giới. Altman đã bắt đầu đàm phán với các nhà đầu tư tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - nơi có tiềm lực tài chính mạnh mẽ và muốn trở thành tay chơi lớn trong ngành AI. Ngoài ra, Canada và Nhật Bản cũng nằm trong tầm ngắm của OpenAI.

Tuy nhiên, việc thuyết phục các nhà sản xuất chip như TSMC và Samsung xây dựng thêm các nhà máy mới vẫn là một thách thức.

OpenAI cũng đang tìm cách lôi kéo chính phủ Mỹ tham gia hỗ trợ tài chính cho kế hoạch này, nhưng điều này không hề dễ dàng. Một phần, chính phủ Mỹ lo ngại về việc xây dựng các trung tâm dữ liệu và nhà máy chip tại Trung Đông. Nước này sợ rằng công nghệ quan trọng của Mỹ có thể rơi vào tay Trung Quốc - quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với UAE.

Quá trình học máy của các chatbot như ChatGPT đòi hỏi sức mạnh tính toán rất lớn. Ảnh: Bloomberg.

Một số chuyên gia và nhà đầu tư cũng hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch này. Theo New York Times, các nhà lãnh đạo của TSMC đã cười nhạo khi nghe về con số hàng nghìn tỷ USD CEO Sam Altman nhắm tới.

Dù gặp phải nhiều nghi ngại và phản đối, nhưng CEO và đội ngũ OpenAI vẫn tin rằng đây là con đường đúng đắn. Công ty gần đây đã ra mắt OpenAI o1, có khả năng "lý luận" thông qua các vấn đề toán học, khoa học và lập trình máy tính phức tạp.

Công nghệ này yêu cầu nhiều sức mạnh tính toán hơn bao giờ hết. CEO Altman tin rằng chỉ khi có đủ nguồn lực tính toán, AI của OpenAI mới có thể phát triển đến tầm cao mới.

Thúy Liên

Nguồn: https://baomoi.com/tai-sao-openai-lien-tuc-dot-tien-c50335375.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share