Biến đổi khí hậu đã chạm đến vựa lúa Việt Nam
Biến đổi khí hậu khiến cho người nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa của Việt Nam, phải đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng ngập mặn, diện tích canh tác bị thu hẹp…
Mất trắng mùa vụ vì biến đổi khí hậu
Thạch Hải, một nông dân Sóc Trăng, không giấu nổi lo lắng khi thấy lúa trên thửa ruộng của mình chuyển sang màu vàng bất thường. Ông cho biết, nguyên nhân của hiện tượng này là do nước mặn xâm nhập vào ruộng. “Tôi đoán là sẽ mất đi một phần thu hoạch bởi khó có thể gặt hái được gì,” Thạch Hải dự tính có thể mất 300 USD vụ mùa này, tức gần bằng một nửa thu hoạch trong năm.
Cùng chung lo lắng với Thạch Hải là Thạch Bình, một nông dân Trà Vinh. “Nước mặn đang xâm nhập cánh đồng của chúng tôi. Đặc biệt tai hại là vào thời điểm này trong năm, nước nhiễm mặn rất cao. Lúa không thể phát triển được, đang chết dần”.
Tình trạng nước biển dâng còn ảnh hưởng đến cả những người nông dân không trồng lúa, một trong số họ là Phan Cung, vốn sinh kế bằng nghề trồng rau quả ven biển nhưng hiện mảnh đất của ông đã bị ngập nước. “Chúng tôi vẫn thường trồng dưa hấu, đậu phộng và khoai lang. Giờ đây chúng tôi không thể trồng trọt gì được nữa vì nước biển đã bắt đầu dâng ngập ruộng”.
Phan Cung cho biết ông đã cùng nhiều hộ nông dân khác đào máng thoát nước nhưng cách đó chỉ mang tính tạm thời. “Không thể trồng trọt được gì hết… đất đai vẫn bị ngập trắng.” Những ngày này, gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào phần tôm cá nhỏ nhoi mà mấy đứa con mang về.
Câu chuyện của Thạch Hải, Thạch Bình hay Phan Cung cũng là câu chuyện mà hàng triệu nông dân Việt Nam đang phải đối mặt trên khắp ĐBSCL, vùng đất có tổng diện tích 39.000km2 bị tác động bởi biến đổi khí hậu mà hậu quả của nó ngày càng rõ rệt.
Tổng sản lượng thu hoạch lúa gạo hằng năm của ĐBSCL vào khoảng 28 triệu tấn và chiếm gần một nửa trong số bảy triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam dự báo, năm 2014 có thể là năm thất bát của ĐBSCL do hiện tượng nước mặn xâm nhập. Hàng chục ngàn ha đất trồng lúa đã bị hỏng vì nguyên nhân này, đặc biệt là Sóc Trăng, “một trong những tỉnh nghèo nhất ĐBSCL,” Tim Gorman, nghiên cứu sinh về các hậu quả kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, cho biết như vậy. Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỉnh này nằm ở hạ nguồn sông Hậu. Hai cửa sông lớn [Định An và Trần Đề], nơi sông Hậu đổ ra biển, cũng là cửa ngõ cho những đợt xâm nhập mặn. “Ngày càng có nhiều nước mặn trong những dòng chính và chi lưu,” Gorman nói, “nó diễn ra vào mọi thời điểm trong năm - mùa khô, mùa mưa - xâm nhập hàng chục km vào trong đất liền”. Vào mùa khô, khi lượng mưa bắt đầu ít đi, mực nước trên sông Mekong cùng các chi lưu hạ xuống, tình trạng xâm nhập mặn càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến lúa vụ ba, được gieo trồng vào mùa này. Khi đó, người dân phải bơm nước ngọt từ những dòng chảy ở khu vực ngoại vi vào đồng ruộng. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn hơn bởi nước ngọt khan hiếm dần. Chẳng hạn như năm 2012, nước biển đã xâm nhập khá sâu vào đất liền nên rất khó kiếm nước ngọt. Thạch Hải nhớ lại, ông và hàng xóm đã trồng được lúa lên xanh nhưng không kiếm đâu ra nước ngọt để tưới. “Chúng tôi buộc phải dùng cả nước nhiễm mặn để tưới. Chỉ còn đúng 30 ngày là chúng tôi có thể thu hoạch. Nhưng lúa chết sạch,” ông miêu tả lại tình cảnh bất lực của người nông dân trước thách thức của biến đổi khí hậu. Những tác động của con người Có những vấn đề mà người nông dân phải đối mặt hiển nhiên là do biến đổi khí hậu, đặc biệt do hiện tượng nước biển dâng, nhưng còn có những vấn đề khác xuất phát từ thực tế phần lớn diện tích của ĐBSCL mới chỉ trở thành nơi chuyên canh tác lúa khá gần đây. Đi dọc cánh đồng lúa, Tim Gorman giải thích, “100 năm trước, đây là bãi lầy triều”. Khi đó, năm nào vùng đất này cũng có thời gian bị ngập mặn. Dưới thời thực dân Pháp, chính quyền bắt tay đào kênh rạch, phá rừng đước, mở rộng diện tích trồng lúa. Từ những năm 1940, khi người Mỹ thế chân người Pháp, các dự án thủy lợi quan trọng đã được triển khai. Sau khi đất nước thống nhất, để vượt qua khủng hoảng lương thực, Việt Nam không ngừng tăng cường tiềm năng sản xuất lúa gạo quốc gia. Kênh rạch, đê bao và đập được xây mới hoặc nâng cấp trên khắp khu vực ĐBSCL nhằm ngăn nước biển và dẫn nước ngọt về đồng. Những việc làm đó đã chuyển đổi gần như toàn bộ khu vực này trở thành một vùng thâm canh lúa lớn. Ngày nay Việt Nam đã cải tạo được gần bốn triệu ha đất hoang hóa thành đất trồng lúa. Tuy nhiên tại ĐBSCL, đất canh tác ven biển phải đối mặt với hiện tượng biển ăn sâu vào đất liền, khiến cho hệ thống thủy lợi bị quá tải. Những cống đập, đê bao cũ kỹ phải gồng mình để ngăn một lượng nước lớn hơn so với thiết kế ban đầu. Gorman nói, hiện tượng nhiễm mặn diễn ra hết sức tự nhiên, lại được tiếp tay bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu, đang phá hủy những gì con người dựng lên. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, theo Gorman, thể hiện ở chỗ “cơ sở hạ tầng được xây dựng để bảo vệ khu vực này khỏi tình trạng nhiễm mặn trực tiếp ngày càng không đủ bởi vì đơn giản là mức nước triều cao hơn. Mực nước biển đã tăng 20 - 30cm so với chỉ một vài thập kỷ trước”. Bản thân người nông dân cũng bắt đầu chuyển đổi từ trồng lúa sang các mô hình kinh tế khác để ứng phó với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Nhiều người, đặc biệt ở Sóc Trăng, đã chuyển sang nuôi tôm. Năm 2013, tổng diện tích đất dành cho nuôi tôm đã lên đến 652.600 ha và mang về cho Việt Nam gần ba tỷ USD từ việc xuất khẩu. Tại Sóc Trăng, thu nhập từ nuôi tôm thậm chí còn cao gấp năm lần so với trồng lúa. Tuy nhiên nghề nuôi tôm vẫn ẩn chứa nhiều vấn đề như chi phí đầu tư lớn, nguy cơ rủi ro cao, mặt khác hóa chất và chất thải từ nuôi tôm cũng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái… Vì vậy nhiều nông dân đã phải rời nhà tới các thành phố lớn như Cần Thơ hoặc TP.HCM để kiếm việc làm. Thạch Hải cho biết, nhiều hàng xóm của ông đã ra đi và hầu hết những đứa con của ông cũng vậy. Còn ông không có đủ tiền hay kỹ thuật nuôi tôm, cũng không đủ sức lên thành phố kiếm việc. “Tôi đã quá già. Và đây là quê hương của tôi, tôi sẽ vẫn ở lại cày cấy trên mảnh đất này.” Nỗ lực của chính phủ và các tổ chức quốc tế Để tránh nguy cơ mất mùa trên diện rộng tại ĐBSCL, chính quyền các cấp thường thông báo cho nông dân biết những biện pháp cần làm trước mỗi mùa lúa. Chính phủ cũng hỗ trợ nông dân bằng nhiều phương thức khác nhau, như giới thiệu những giống lúa kháng mặn; xây dựng và khôi phục hệ thống đê điều, kênh rạch; xúc tiến hình thành các tổ hợp tác xã, qua đó giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn vay cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế rất quan tâm đến tình hình ĐBSCL. “Tình trạng của người dân ĐBSCL khá nghiêm trọng,” Roshan Cooke, chuyên gia về khí hậu và môi trường của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), cho biết. “Họ phải đối phó với hiện tượng nóng lên, lượng mưa thất thường, thiếu nước ngọt và do đó tăng độ nhiễm mặn. Hơn hết, họ bị ảnh hưởng bởi nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bắt đầu thấy các cơn bão, lốc xoáy mà trước đây chưa từng xuất hiện ở phía nam.” Từ tháng Năm vừa qua, “Thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL,” dự án mới của IFAD và chính phủ Việt Nam, đã bắt đầu được triển khai nhằm cải thiện tình hình trên. Trong vòng sáu năm, dự án sẽ đầu tư 53 triệu USD để tăng cường năng lực ứng phó với những biến đổi về khí hậu cho người dân, đặc biệt là nông dân nghèo. Mục tiêu của IFAD là hỗ trợ cho khoảng 125.000 người dân dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, hướng tới “những hộ gia đình do người phụ nữ làm chủ và những hộ gia đình dân tộc thiểu số ở Bến Tre, Trà Vinh”. Kinh phí cũng được dùng để đầu tư xây dựng hệ thống đê bao và đập tốt hơn; cải thiện hệ thống kênh mương thủy lợi và cả lĩnh vực khoa học phục vụ cho dự án. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Trà Vinh đang thử nghiệm một giống lúa mới có khả năng chịu nhiệt và mặn. Bà Phạm Thị Phương Thúy, phó trưởng khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Đại học Trà Vinh, nói: “Nếu chúng tôi không nghiên cứu một cách nhanh chóng thì vấn đề an ninh lương thực tại ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì nếu nông dân không còn trồng lúa, họ sẽ phải xoay cách khác, dẫn đến hậu quả là về lâu dài là Việt Nam sẽ mất vị trí một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo.” Thanh Nhàn dịch Nguồn: http://www.baomoi.com/Bien-doi-khi-hau-da-cham-den-vua-lua-Viet-Nam/45/15565746.epi |