NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Sự thật về sức mạnh của AI

on .

Các thuật toán phức tạp sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh bất định. Còn trí tuệ của con người đã phát triển để giải quyết những vấn đề này mà không phụ thuộc dữ liệu có sẵn nhiều hay ít.

Trong cuốn Khôn ngoan hơn thuật toán, tác giả Gerd Gigerenzer đã phân tích cách con người sử dụng công nghệ thuật toán và trí tuệ nhân tạo (AI) để ra quyết định, vạch rõ những khả năng, giới hạn của chúng.

Sách Khôn ngoan hơn thuật toán. Ảnh: ML.

Chìa khóa để giữ được quyền kiểm soát trong thời đại AI

Ngày nay, thuật toán và AI đã thâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Chúng giúp ta chọn người hẹn hò, theo dõi sức khỏe và lối sống, quản lý tiền bạc... Thậm chí, chúng còn được đem vào ứng dụng ở nhiều mức độ trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: an ninh (nhận diện tội phạm), y tế (chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị), tư pháp (dự đoán khả năng tái phạm của tội phạm), giao thông (xe tự hành)...

Đặc biệt, thuật toán có tác động sâu sắc tới chúng ta ở khía cạnh thông tin. Với mô hình quảng cáo cá nhân hóa, những thông tin mà chúng ta đang tiếp xúc rất có thể là cái mà các nhà quảng cáo muốn cho chúng ta xem.

Để phục vụ khách quảng cáo, các công ty công nghệ thu thập dữ liệu từng phút về địa điểm của bạn, bạn đang làm gì và bạn đang xem gì. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin người dùng cũng đặt ra nhiều lo ngại về việc bị giám sát, mất quyền riêng tư, ảnh hưởng đến sự dân chủ và phẩm giá con người.

Trong các cuộc thảo luận về thuật toán và AI, chúng ta thường bắt gặp hai phe đối lập: một phe tin rằng chúng sẽ làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn; một phe tin rằng robot và AI sẽ thay thế và thống trị con người, đưa ta đến tương lai như tận thế. Cả phe tin tưởng lẫn phe sợ hãi, phe lạc quan lẫn bi quan đều có chung quan điểm: thuật toán/ máy móc sẽ làm mọi thứ tốt hơn con người (“chính xác hơn, nhanh hơn, rẻ hơn”). Đó cũng là lời hứa hẹn và lời chào bán của các công ty công nghệ.

Tuy nhiên, tác giả Gerd Gigerenzer cho rằng đây là một kết luận sai, bởi có những lĩnh vực mà chúng làm tốt hơn con người, nhưng ở những lĩnh vực khác thì không. Và điều này sẽ thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và ứng xử trong mối quan hệ với công nghệ.

Trong cuốn sách này, Gigerenzer muốn nhấn mạnh: “các thuật toán phức tạp có thể thành công khi tình huống ổn định, nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh bất định”.

Ông tin rằng thái độ tỉnh táo khôn ngoan là chìa khóa để giữ được quyền kiểm soát trong thời đại AI này: “Giữ được thái độ tỉnh táo khôn ngoan nghĩa là hiểu tiềm năng và rủi ro của công nghệ số, và kiên định chủ động trong thế giới đầy rẫy thuật toán.”

Khi hiểu được tiềm năng và quan trọng hơn là hạn chế rủi ro của những công nghệ này, hiểu được những điều chúng làm được và không thể làm được, bạn sẽ không phải hoảng sợ, cũng không phải tin tưởng mù quáng. Chúng ta có thể trở thành những công dân số sắc sảo.

Công nghệ thuật toán và trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều tiềm năng, nhưng cũng có những giới hạn. Nguồn: linkedin.

Tiềm năng và hạn chế của thuật toán

Trong cuốn sách, để giúp bạn đọc hiểu được tiềm năng và hạn chế của thuật toán, tác giả đã phân tích cách chúng ta ứng dụng thuật toán trong các lĩnh vực khác nhau (tìm người hẹn hò, tuyển dụng, xe tự hành, dịch thuật, nhận diện tội phạm, chẩn đoán và chữa bệnh...).

Ở từng ví dụ, Gigerenzer chỉ rõ thuật toán làm được gì và không làm được gì, rồi so sánh trí thông minh của máy với trí thông minh con người. Bằng những phân tích cụ thể và sáng rõ, tác giả giúp ta thấy được sự khác nhau cơ bản giữa hai loại trí thông minh này.

Ví dụ được Gigerenzer lựa chọn đưa ra đầu tiên là ứng dụng hẹn hò. Ông nêu ra những hứa hẹn của một số ứng dụng như Parship (“cứ 11 phút lại có một trái tim cô đơn phải lòng ai đó”, EliteSingles, Tinder, Jdate… và giải thích cho ta hiểu các thuật toán tình yêu hoạt động như thế nào. Về cơ bản, các ứng dụng đều sẽ căn cứ trên hồ sơ cá nhân mà người dùng cung cấp, chấm điểm và so sánh các đặc điểm để đánh giá độ tương thích và phù hợp giữa những người khác nhau.

Tuy nhiên, hồ sơ một cá nhân không phải là con người đó. Ngoài ra, để giữ chân người dùng, các ứng dụng tạo điều kiện cho bạn tiếp cận được nhiều đối tượng tiềm năng, kích thích người ta “luôn tìm ai đó tốt hơn”. Nghiêm trọng hơn, có rất nhiều vụ lừa đảo đã xảy ra bởi những kẻ muốn lợi dụng hệ thống này.

Từ tỷ lệ thành công thấp của các ứng dụng hẹn hò, Gigerenzer chỉ ra được AI giỏi nhất việc gì, qua nguyên lý thế giới ổn định: “Các thuật toán phức tạp có hiệu quả nhất trong tình huống ổn định, xác định, có số lượng lớn dữ liệu. Trí tuệ của con người đã phát triển để giải quyết những vấn đề bất định, không phụ thuộc dữ liệu có sẵn nhiều hay ít.”

Chính vì vậy mà trong các trò chơi có quy luật xác định như cờ vua, cờ vây, AI đã đánh bại kỳ thủ giỏi nhất (chiến thắng của Alpha Zero trước kỳ thủ cờ vây Kha Khiết năm 2017, chiến thắng của Deep Blue trước kỳ thủ cờ vua Kasparov năm 1997).

Thế nhưng trong những tình huống bất định, chúng ta không biết tất cả các kết quả có thể xảy ra hay hậu quả sắp tới. Sự thành công của một mối quan hệ, kết quả bầu cử tổng thống, quá trình tuyển dụng, dự đoán tỷ lệ nhiễm cúm… đó là những tình huống bất định. Và đó là lúc mà AI và thuật toán đã gặp phải những thất bại.

Tỉ lệ hẹn hò thành công trên ứng dụng Parship chỉ đạt khoảng 5%. Google Flu Trends không dự báo được dịch cúm năm 2009 tại Mỹ và sau nhiều thất bại khác, bất chấp các nỗ lực cải thiện, nó phải dừng hoạt động năm 2015. Thuật toán cũng đã dự báo Hillary Clinton sẽ chiến thắng vượt trội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Đó là khác biệt cơ bản giữa trí thông minh con người và trí tuệ nhân tạo. Đó cũng là hạn chế chung của AI trong mọi lĩnh vực. Khi có sự tham gia của con người, rất nhiều yếu tố bất định xuất hiện. Và chỉ một chút bất định cũng làm AI bối rối. Tương tự, AI không thể thành công tuyệt đối ở các lĩnh vực như chẩn đoán y tế, dịch thuật, xe tự hành, nhận diện tội phạm… Nó có thể được áp dụng ở một mức độ nào đó, nhưng không thể hoàn toàn thay thế con người.

Từ việc phân tích phân tích tiềm năng và hạn chế của thuật toán, Gigerenzer đề xuất một số phương pháp để cá nhân chủ động giành lại quyền kiểm soát: quản lý sự chú ý, kiểm chứng các nguồn thông tin, đặc biệt là hạn chế sự lệ thuộc vào công nghệ…

Minh Châu

Nguồn: https://baomoi.com/su-that-ve-suc-manh-cua-ai-c51191067.epi