Phát triển TP.HCM thành trung tâm fintech
TTO - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, fintech - công nghệ tài chính - đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính, phá vỡ các dịch vụ và sản phẩm tài chính truyền thống.
Không chỉ tạo ra sự dịch chuyển công việc từ dịch vụ tài chính truyền thống sang lĩnh vực kỹ thuật số mới, fintech còn là nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời. Vấn đề đặt ra là TP.HCM nên phát triển thành một trung tâm tài chính truyền thống hay trở thành một trung tâm fintech (fintech hub) của khu vực?
Theo báo GFH (2018), hiện tại có 7 trung tâm fintech quốc tế và 23 trung tâm fintech khu vực, trong đó Trung Quốc có 4 trung tâm fintech quốc tế và 6 trung tâm fintech khu vực. TP.HCM được xếp vào trong danh sách 25 trung tâm fintech mới nổi (Emerging fintech hub) của thế giới.
Tôi cho rằng chính quyền TP.HCM nên xác định định hướng phát triển TP.HCM là sẽ trở thành một trung tâm fintech, với sự phê duyệt của chính quyền trung ương. Bởi muốn xây dựng một trung tâm fintech cần có cam kết chính trị và hỗ trợ pháp lý cho lĩnh vực này.
Tại London, thị trưởng và một số nghị sĩ đã tích cực hỗ trợ và thúc đẩy fintech ở phạm vi địa phương và toàn cầu. Cơ quan Quản lý tài chính Anh (FCA) cũng đưa ra dự án Đổi mới (năm 2014) nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tìm hiểu về các quy tắc, các chính sách cụ thể đang hạn chế những hoạt động của họ.
Nguồn vốn hỗ trợ cho các khởi nghiệp fintech cũng rất quan trọng, cần gia tăng sự tương tác và nhận biết giữa các công ty và nhà đầu tư trong hệ sinh thái.
Tại Amsterdam (Hà Lan), nền tảng số StartupDelta được phát triển nhằm cung cấp thông tin về toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp của Hà Lan, cung cấp cho các công ty khởi nghiệp về các nhà đầu tư tiềm năng và cung cấp hỗ trợ, thông tin tài chính và các quy định tài chính.
Việc đăng cai, tổ chức các hội nghị fintech cấp cao cũng giúp xây dựng thương hiệu và định vị một thành phố là một trung tâm quan trọng. Ví dụ, Singapore đã thành công trong việc thu hút cả Sibos, Innotribe, NextBank và Finovate vào năm 2015, tạo dấu ấn trong việc xây dựng thương hiệu Singapore như một trung tâm fintech.
Ngoài ra, cộng đồng fintech cũng cần một trung tâm, không gian làm việc chung, nơi các công ty khởi nghiệp có thể làm việc, nơi diễn ra các sự kiện liên quan đến fintech và nơi các nhà đầu tư, các công ty đã thành danh có thể đến và tham gia với các công ty khởi nghiệp.
Ngôi nhà chung này sẽ cùng nhau thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và tạo ra mạng lưới kết nối chất lượng.
TP.HCM cũng có một vài địa điểm có thể cân nhắc cho việc xây dựng ngôi nhà chung này như Khu công nghệ cao tại quận 9, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM.
Tuy nhiên, không gian làm việc chung này cần được giao cho đơn vị thực sự muốn tối đa hóa giá trị cho cộng đồng fintech, thay vì giao cho những đơn vị muốn tối đa hóa doanh thu cho thuê.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các ngân hàng đang hợp tác với các công ty fintech ở Việt Nam đã tạo thêm giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ hiện tại của ngân hàng cũng như thúc đẩy sự phát triển của các công ty fintech.
Trong tương lai, các công ty này nên chủ động trong việc tìm cách hợp tác với các công ty khởi nghiệp và các công ty đang mở rộng quy mô.