10 lưu ý cần tuân thủ để luôn an toàn trên mạng xã hội
Lễ tết là dịp tốt để giới tội phạm mạng thu thập thông tin cá nhân, tín dụng của người dùng trên Facebook, Twitter, LinkedIn... Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn trên các mạng xã hội?
Thực tế cho thấy, rất ít người dùng biết cần hạn chế những gì đăng trên mạng và nhất là trên các trang mạng xã hội, trong khi chính nội dung tưởng chừng như chỉ để đọc cho vui này lại là dấu vết giúp tội phạm mạng dễ dàng theo dõi bạn cũng như khai thác những thông tin mà bạn chia sẻ.
Để đảm bảo người dùng mạng xã hội không "dâng tặng" thông tin cá nhân cho giới tội phạm, hãng bảo mật Trend Micro hồi giữa tháng 12/2014 có phát đi bản tin đề cập 10 lưu ý mà người dùng cần ghi nhớ để tránh gặp phải điều gọi là thảm họa thời kỹ thuật số (Digital Disaster):
1. Những gì mà bạn đăng công khai trên mạng xã hội sẽ luôn tồn tại trên thế giới Internet trừ khi các nội dung này được bạn gỡ xuống. Do đó, để an toàn, bạn chỉ nên đăng những hình ảnh, nội dung "không nhạy cảm" và chắc rằng bạn không ngại chia sẻ điều đó với người khác, nhất là với người lạ.
2. Kiểm tra lại tất cả nhãn (hashtag), tag bạn bè và những đề cập, nhắc nhở (mention) liên quan đến bản thân hay tổ chức, công ty của bạn. Việc gắn nhãn trong một cập nhật mạng xã hội tưởng chừng như vô hại nhưng thực tế lại ảnh hưởng khá nhiều đến tính riêng tư của bạn.
3. Cân nhắc kỹ đối tượng có thể xem được cập nhật của bạn. Lưu ý rằng, nếu những tài khoản trong danh sách được xem những được cập nhật của bạn không thiết lập hạn chế tính riêng tư (less restrictive setting), thì những hình ảnh, bài đăng mới của bạn vẫn bị "rò rỉ" ra ngoài.
4. Những bài đăng, đường dẫn với những lời mời mọc hấp dẫn đã và đang tràn ngập trên các mạng xã hội, nhất là Facebook với nhiều mục đích xấu và rất nguy hiểm. Các bản tin "Ông chú Viettel" dụ người dùng Facebook nạp tiền điện thoại lừa đảo gần đây cũng được xếp vào dạng này.
Do đó, đừng bao giờ nhấn vào bất cứ một đường link nào có dấu hiệu bất thường hoặc được gửi từ một người mà bạn không biết. Đường dẫn chia sẻ candal của một ca sĩ hay diễn viên nào đó, kèm theo hình đại diện hấp dẫn thì cũng được xem là có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro về tính an toàn.
Nạn nhân của những chiêu lừa đảo qua đường link hấp dẫn trên Facebook. |
5. Sử dụng phương thức xác thực hai yếu tố (two-factor authentication) hay còn được gọi là phương thức xác thực hai bước (two step verification) cho Facebook và các tài khoản mạng xã hội khác. Phương thức này giúp bạn đăng nhập tài khoản mạng xã hội không chỉ bằng cách cung cấp tên và mật khẩu đăng nhập mà cần phải có thêm một mã bảo mật khác được dịch vụ gửi qua điện thoại hay các ứng dụng chuyên biệt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kích hoạt các phương thức bảo mật khác mà dịch vụ mạng xã hội đang sử dụng hỗ trợ (nếu có).
Kích hoạt bảo mật hai bước trên Facebook. |
6. Kiểm tra kỹ càng lại những chính sách bảo mật (privacy policy) và điều chỉnh các thiết lập đến mức độ bạn cảm thấy an tâm. Hầu hết trang web đặt chính sách bảo mật của họ tại những vị trí rất dễ nhìn thấy. Điều quan trọng là phải luôn theo dõi theo chúng vì chúng có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Chính sách bảo vệ sự riêng tư thường xuyên được cải tiến và thay đổi trên các mạng xã hội và thường được thông tin rộng rãi. |
7. Kiểm tra kỹ khả năng bảo mật tài khoản bạn. Bạn có thể sử dụng các chương trình quét bảo mật (privacy scanning software) để kiểm tra các thiết lập bảo mật hiện tại trên các mạng xã hội khác nhau nhằm đảm bảo thông tin của bạn vẫn bảo mật. Ví dụ, bạn có thể sử dụng công cụ miễn phí như Privacy Scanner hay AVG PrivacyFix hiện có phiên bản cho mọi trình duyệt và các nền tảng di động.
Giao diện ứng dụng sửa nhanh các thiết lập tính riêng tư nguy hiểm trên di động Privacy Scanner. |
8. Báo cáo và chặn những kẻ phát tán nội dung rác. Điều này có thể giúp bạn "làm sạch" những thông tin đầu vào của mình cũng như thông báo cho các mạng xã hội vô hiệu và "tẩy chay" những tài khoản phát tán nội dung rác qua chức năng Báo cáo (Report).
Cần tỉnh táo và báo cáo những kẻ phát tán nội dung rác trên các mạng xã hội. |
9. Cần xác nhận với những người bạn gửi tin nhắn hoặc viết lên tường của các mạng xã hội về những thông tin có thể dễ dàng làm mất thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. Nên thực hiện xác nhận bằng hình thức nói chuyện trực tiếp, email hay gọi điện thoại... để chắc chắn hơn.
10. Hãy cẩn thận với những người đang yêu cầu được chấp nhận kết bạn trên các mạng xã hội. Giới tội phạm mạng có thể tạo những hồ sơ giả nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của bạn. Tốt nhất là nên xác thực danh tính của người muốn kết bạn trước khi chấp nhận.
Nên xác thực danh tính trước khi chấp nhận kết bạn với bất kỳ ai. |